Xin chào 306. Tạm biệt 306.
88 306 2 - Kết thúc của một vấn đề
0 Bình luận - Độ dài: 2,467 từ - Cập nhật:
#330
Kính thưa quý thầy cô, các bạn đoàn viên, và toàn thể học sinh thân mến,
Hôm nay, trong không khí rộn ràng chào đón một năm mới đầy hứa hẹn, cho phép tôi được gửi tới tất cả mọi người lời chúc sức khỏe, học tập tốt, và tràn đầy năng lượng cho một hành trình mới.
Là tân Bí thư Đoàn trường Cựu Bảo An, tôi ý thức rất rõ vinh dự cũng như trách nhiệm mà tập thể đã trao cho tôi và Ban Chấp hành mới. Chúng tôi bước vào vị trí này với tất cả sự trân trọng dành cho những giá trị đã được vun đắp qua nhiều thế hệ.
Những chương trình gây tiếng vang, đến các hoạt động thiện nguyện, văn hoá – văn nghệ, thể thao, tất cả đều là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, bản lĩnh và sáng tạo mà chúng ta luôn tự hào là một phần của nó.
Chính những nền móng đó đã tạo cho chúng tôi động lực mạnh mẽ để tiếp tục xây dựng một môi trường Đoàn trường năng động, gần gũi, và giàu bản sắc riêng – nơi các ý tưởng mới được trân trọng, các hoạt động mang dấu ấn tập thể được phát huy, và mọi bạn học sinh đều tìm thấy không gian để trưởng thành, cống hiến và tỏa sáng.
Chúng tôi rất yêu ngôi trường này – không chỉ vì đó là nơi chúng ta học tập, mà còn vì đây là nơi chúng ta học cách sống cùng nhau, thấu hiểu nhau, và tạo ra điều gì đó lớn hơn chính bản thân mình.
Trong nhiệm kỳ tới, Ban Chấp hành mới cam kết sẽ nỗ lực hết mình để giữ gìn, phát triển truyền thống hoạt động sôi nổi, gắn kết, đồng thời mở ra những hướng đi mới phù hợp với thời đại và nhu cầu của chính các bạn học sinh hôm nay.
Mong rằng chúng ta sẽ cùng nhau bước vào năm mới với tinh thần tích cực, chủ động và không ngừng làm mới bản thân cũng như tập thể.
Hãy cùng biến trường học của chúng ta không chỉ là nơi học, mà còn là nơi sống và nhớ.
Xin chân thành cảm ơn.
—
“Bà nghĩ sao?” Lâm chỉ vào màn hình máy tính, gãi đầu.
“Thấy sao là thấy sao?” Trâm hoàn toàn không hiểu ý của tay bí thư.
Trâm không phải học sinh chuyên Văn, cũng không có ý định trở thành một người như vậy. Hỏi Trâm một câu vô thưởng vô phạt như vậy cũng như nước đổ đầu vịt. Tất nhiên cô chẳng thể nói gì nhiều hơn ngoài việc đây là một bài phát biểu căn bản. Dù sao thì, cũng có đứa nào thèm dỏng tai lên nghe mấy cái bài điếu văn có cũng được mà không có cũng chẳng sao này. Tất cả chỉ là thủ tục mà thôi.
Bài viết này cũng chỉ là thủ tục, cho việc tân Bí thư sẽ phải lên phát biểu đôi lời trong buổi chào mừng năm mới.
“Hừm…”
“Bộ có gì không vừa lòng ông à?”
“Tôi cũng nghĩ bài như này là căn bản rồi…”
“Nói vậy, tức là ông muốn thêm thắt hay thay đổi gì đó á? Kiểu như cho nó ấn tượng hơn?” Trâm hừ giọng “Chẳng ai quan tâm đâu.”
Lâm không nói gì. Có lẽ cậu cũng hiểu lời của Trâm. Tuy nhiên vẫn có gì đó bứt rứt mà Lâm mãi không cắt nghĩa được.
“À mà, có 3 cái đề án cần duyệt kìa. Tôi soạn xong rồi đấy, đọc thử đi.”
Trâm bèn cắt ngang. Cô không thể để tân bí thư tốn thời gian vào những thứ không để làm gì như này được. Văn phòng đã vắng người rồi, giờ người quan trọng nhất cũng để tâm đi chỗ khác thì thật khó chấp nhận.
Lâm đành ngậm ngùi đi tới chiếc bàn họp dài đã sắp sẵn hồ sơ, nước lọc và vài xấp giấy in chưa đóng bìa.
Cậu ngồi ở đầu bàn, thẳng lưng. Bên cạnh là bản đề án hoạt động đầu tiên của nhiệm kỳ – in gọn gàng, có đánh số trang, dán nhãn chỉn chu.
Không gian tạm lắng. Lâm xoay nhẹ cây bút trong tay, lật từng trang đề án. Giữa những biểu đồ hoạt động, kế hoạch phân công, giấy tờ cam kết là phần cậu viết tay – cơ bản là góp ý và chỉnh sửa trước khi đẩy lên cho giáo viên.
“À mà.” Lâm chợt lên tiếng “Chính ra bên Ban mình đâu có cần phải phát biểu dịp nào đâu nhỉ?”
Trâm ngẩng lên khỏi màn hình vi tính, nhướn mày.
“Là sao?”
“Ý là, khai giảng, bế giảng, hay các dịp sự kiện thì bên ban đều không cần phát biểu. Chỉ có mỗi dịp chào năm mới là có.”
“Cái đó hả? Tôi nghe kể là trước kia bên Ban có xuất hiện nhiều hơn, nhưng có mấy học sinh không thích chuyện đó lắm.”
“Tại sao?”
“Thì, ban có lên thì cũng nói những điều giống như các thầy cô đã nói. Thậm chí còn tệ hơn vì bên ban còn nhân đó kêu gọi thành viên trá hình. Vậy nên có một số người không thích lắm. Họ cho rằng ban đang cạnh tranh không lành mạnh.”
Lâm im lặng một chút, dường như đã suy tư gì đó, xong cậu lên giọng. Lần này, tưởng như một chủ đề chẳng liên quan gì.
“Chị Thanh chẳng thấy ghé qua văn phòng Ban nữa nhỉ?”
Trâm toan gõ máy tiếp, liền khựng lại.
“Chị Thanh á? Ờ… Không qua.”
“Các khoá trước kia, khi các anh chị nghỉ thì mọi người vẫn ghé qua văn phòng để chơi. Hồi lớp mười nhiều lúc đang làm việc lại phải quay ra tiếp mấy anh chị ấy. Vậy mà tới khoá này thì… Sao chị ý lại không qua nhỉ?”
“Hỏi tôi thì tôi biết trả lời sao được?”
Trâm thấy bản thân phát ngôn ra điều này hơi sai sai, nhưng để giải thích cho Lâm còn phiền phức hơn nên cô quyết định cứ trả lời bâng quơ thôi vậy.
“Vậy tôi nên hỏi ai?”
“Tất nhiên là chị Thanh rồi?”
“Thực sự là nên đi hỏi chị Thanh?”
“Thực ra thì… tốt nhất đừng hỏi.”
Trâm chợt nhớ ra tân bí thư là một người rất tệ trong khoản đối nhân xử thế. Đặc biệt những chuyện nhạy cảm mà cứ nói huỵch toẹt ra thì càng dễ bị ăn đấm. Về điểm này, Trâm rất hiểu, vì từ trước đến giờ cô đã đấm không bao người như vậy, và cũng ở vị trí người khác muốn đấm rồi.
Nhưng cũng vì thế Trâm nhận ra vấn đề thắc mắc của Lâm.
“Ra vậy, vậy là ông muốn nhân bài phát biểu để nói gì đó phải không?”
“Ờ, nhưng thú thực là không biết viết ra sao.” Lâm chép miệng “Chắc là tôi sẽ đi nhờ bạn thử xem sao.”
“Ông có bạn à?”
“Bạn tốt là đằng khác.”
Ở đâu đó Anh Ly tự dưng hắt xì.
#331
Buổi chào mừng năm mới.
Hai vở kịch cùng diễn ra trên sân khấu chính nằm giữa sân trường. Rèm sân khấu kéo chưa khéo, một bên hơi cao hơn, và dàn âm thanh thì đã cũ đến mức micro phát ra tiếng pắc mỗi lần cắm dây chậm một nhịp.
Ghế ngồi xếp đều như mọi khi. Áo đồng phục hơi nhàu. Đầu tóc hơi rối. Và không khí thì mang mùi khô hanh, lá cây và những buổi tổng duyệt quá nhanh.
Vở đầu tiên là của câu lạc bộ Kịch nói.
Một câu chuyện học đường đơn giản: một cậu nam sinh mê chơi game, lười học, luôn ngủ trong giờ, và một cô bạn lớp trưởng luôn cằn nhằn cậu ấy mỗi sáng, nhưng vẫn đủ quan tâm để giúp cậu học hành. Chưa kể hai người còn ngồi cùng bàn nhau. Mọi thứ xoay quanh việc cậu ta... phát hiện ra mình quên thi giữa kỳ, và bắt đầu xin lỗi cô bạn cùng bàn bằng những lý do dở tệ nhất có thể.
“Nghiêm túc mà nói thì tớ đã từ bỏ ước mơ làm bác sĩ từ lâu rồi.”
“Kiểm tra lịch sử thì liên quan gì tới bác sĩ!?”
Khán giả cười. Không to, không ồn, nhưng cười thật. Cười vì lời thoại vụng về nhưng dễ hiểu, cười vì ánh mắt của cô bạn lớp trưởng trong kịch rất giống lớp trưởng thật ngoài đời.
Cảnh chuyển sơ sài. Đạo cụ là bàn học thật. Thoại vấp, đạo cụ rơi, diễn viên cười trật nhịp rồi giả bộ ho để chữa. Khán giả vỗ tay như thể họ chưa từng thấy cái gì dễ thương đến vậy — vì đúng là chưa từng thấy thật.
Đến vở thứ hai, không khí chùng xuống rõ rệt.
Một vở kịch trừu tượng, mang tính nghệ thuật cao, lấy bối cảnh “giấc mơ của một cái cây”, nhân vật hóa thân thành gió, thành thời gian, có cả bạn hóa thân thành… im lặng. Câu thoại nhiều tầng nghĩa, động tác chậm rãi như múa, hậu cảnh chuyển màu theo tâm trạng. Ai đó rút ra thông điệp sống xanh. Một số khác thì rút điện thoại ra.
Không có tên nhân vật. Không có lời thoại cụ thể. Chỉ có những đoạn độc thoại dài, nhiều chỗ thì thầm, có chỗ lại gằn giọng.
“Tôi là tôi, nhưng tôi không nhận ra tôi.”
“Nếu kí ức là nhà, vậy ai đã khóa cửa?”
Sân khấu được chia làm ba tầng ý niệm: một bàn học bỏ trống, một chiếc đồng hồ dừng kim, và một cánh cửa không ai bước qua. Diễn viên mặc áo dài tay đen, tóc xõa, di chuyển chậm rãi như đang đi dưới nước.
Có đoạn, khán giả dừng thở. Không phải vì cảm xúc, mà vì không chắc chuyện gì đang diễn ra.
Có bạn ngủ gật. Có bạn nhìn chăm chú, cố hiểu. Có thầy giáo ghi gì đó vào sổ, không rõ là nhận xét hay danh sách mượn ghế.
Và đến khi vở diễn kết thúc — không bằng lời thoại, mà bằng âm thanh nhịp tim nhỏ đi — khán giả vỗ tay. Lịch sự. Nhẹ. Không bàn tán.
—
“Biết gì không?” Ở phía sau cánh gà, Sơn khoanh hai tay dựa vào tường, quay sang cạnh bên thở phào “Chắc chắn 100% nếu tôi không nhúng tay vào kịch bản của cậu sẽ bị loại.”
Tức thì cậu ăn ngay một đấm vào mạng sườn. Cú đấm không không mạnh, nhưng cũng làm Sơn phải ho một tiếng.
“Im đi.”
Ly đấm Sơn thêm một cái nữa.
Sơn chặn lấy nắm đấm của Ly. Rồi cậu chép miệng.
“Mà khoan đã nào. Còn một thứ nữa cậu viết trong buổi hôm nay mà nhỉ. Xem cho hết phát.”
Sơn vừa dứt lời thì có tiếng lạch cạch của micro va chạm với tay cầm. Đứng trên bục phát biểu, không ai khác ngoài Tân bí thư Đoàn trường - Lâm.
Lâm bắt đầu bài phát biểu một cách bình thường. Chỉ đơn giản là nhắc tới chuyện này, cảm ơn chuyện kia, nói mấy thứ chung chung như tuổi trẻ, nỗ lực… Được hỗ trợ từ sự buồn ngủ của vở kịch trước đó, nên đã ít người còn đủ tâm trí để quan tâm, nay lại càng ít người chịu lắng nghe mấy lời của Lâm hơn nữa.
Nhưng mà có lẽ vậy lại tiện hơn… Lâm cũng không hề có ý định thu hút sự chú ý của ai cả.
Đúng hơn là, cậu không có ý định thu hút sự chú ý của người mà cậu không có ý định thu hút sự chú ý.
Vẫn giữ chất giọng máy móc, bình bình như băng chuyền, cậu tiếp tục phát biểu. Lần này, cậu không cần phải nhìn vào giấy để đọc.
“Em muốn dành những lời cảm ơn sâu sắc và chân thành nhất đến Ban Chấp hành Đoàn trường nhiệm kỳ trước – những anh chị đã để lại một dấu ấn thật đẹp trong lòng học sinh toàn trường. Đặc biệt, em muốn gửi riêng tới chị Thanh. Những buổi lễ được tổ chức chỉn chu, những chương trình truyền cảm hứng, những hoạt động sôi nổi mà ai trong chúng ta cũng từng ít nhất một lần đứng dưới sân trường và cảm thấy mình thuộc về – tất cả đều là công sức thầm lặng và bền bỉ của chị.”
“Với riêng em, tình cảm dành cho chị không chỉ là sự ngưỡng mộ, mà còn là lòng biết ơn. Biết ơn vì chị không chỉ làm tốt vai trò của mình, mà còn truyền lại cho em một tinh thần: tinh thần dấn thân, trách nhiệm và yêu thương tập thể.”
“Có nhiều điều em không đồng tình với chị. Tuy nhiên, chính vì vậy mà em mới ở đây. Đây là một lời khẳng định rằng em sẽ tiếp bước chị, nhưng theo cách của riêng em. Do đó, em mong chị có thể ủng hộ và dõi theo hành trình tiếp theo của những đứa đàn em.”
Lâm ngưng lại một giây, rồi cậu nói tiếp.
“Em xin cảm ơn.”
Lâm bước xuống khỏi bục gỗ. Chỉ tới khi đó, mọi người bên dưới mới nhận ra bài phát biểu đã kết thúc. Người dẫn chương trình ra hiệu cho buổi lễ kết thúc. Có thể cảm thấy một sự giãn ra rõ ràng từ phía khán giả. Cuối cùng thì đã được giải thoát. Mọi người đồng loạt đứng hết dậy, nhanh chóng sắp xếp ghế ngồi lại ngay ngắn và chạy thật nhanh đi theo hàng lên lớp.
Ai cũng chóng vánh, lộn xộn.
Chỉ có một vài người là còn đủng đỉnh đi lại dưới sân trường.
Trong số đó, có hai bóng hình ở khu của học sinh lớp mười hai đang bê hai chồng ghế cất về phía kho đồ.
“Rồi sao? Hết giận chưa?” Người con trai nhếch mép cười nói.
“Có giận đâu mà hết.” Người con gái đi bên cạnh chép miệng, xong cô cũng chỉ biết lắc đầu “Cơ mà, nếu thằng nhóc đã có lời tới mức như này rồi thì chắc là tôi cũng nên làm gì đó thật.”
Dù vô nghĩa, nhưng xem ra bài phát biểu đã chạm được tới người nó cần…


0 Bình luận