Thiên bước vào ngôi nhà quen thuộc, nhẹ tay đóng cửa rồi cởi giày. Phòng khách hiện ra sáng sủa, rộng rãi với không gian mang nét giao hòa giữa hiện đại và lịch sử: bộ sofa da màu nâu sậm, bàn trà kính gọn gàng phản chiếu ánh đèn trần ấm áp, xung quanh là ảnh chụp những lần khai quật và mô hình hiện vật cổ — dấu ấn không thể thiếu của hai giảng viên lịch sử.
Cậu cất ba lô vào phòng, rồi đi thẳng vào bếp. Mùi thức ăn từ chiếc nồi nghi ngút trên bếp làm bao mệt mỏi tan biến. Ánh đèn dịu nhẹ bao phủ không gian, phản chiếu lên bóng mẹ cậu đang đứng quay lưng lại, tay thoăn thoắt đảo món gì đó trong chảo.
“Con về rồi à?” – bà hỏi mà không quay lại, giọng trầm nhưng chứa đầy yêu thương.
“Dạ, con chào bố mẹ.” Thiên cởi áo khoác, bước lại gần bàn ăn.
Cha cậu đã ngồi sẵn, đang lúi húi chẻ đôi miếng dưa hành, gương mặt hiền lành sáng rỡ như nắng sớm. “Trông mày xanh xao đấy con ạ. Ở trường thiếu nắng hay thiếu gái vậy?”
Thiên bật cười. “Chắc là thiếu tiền thì đúng hơn.”
Mẹ liếc xéo. “Cái thằng! Về nhà ăn bữa cơm tử tế còn đòi hỏi gì nữa.”
Bữa cơm diễn ra trong tiếng nói cười rộn ràng. Giữa lúc ấy, cha Thiên như sực nhớ ra điều gì, lôi từ túi ra một bọc vải nhỏ, đặt trước mặt cả nhà, mắt ánh lên vẻ tự hào như thể sắp tặng bảo vật trấn quốc. “Xem nè! Bố vừa săn được ở chợ đồ cổ. Tượng đồng thời Văn Lang đấy, truyền thuyết nói ai giữ nó sẽ được may mắn.”
Thiên tò mò mở bọc vải, bên trong là một bức tượng người nhỏ bằng bàn tay, đồng xanh đã ngả màu thời gian. Cậu nâng lên xem kỹ, nhưng chỉ trong tích tắc — “cạch!” — cái đầu tượng rơi xuống bàn, vỡ làm đôi. Thiên khựng lại. Một luồng khí lạnh lướt qua sống lưng như có ai đó vừa thì thầm sát bên tai. Cậu ngẩng đầu, định nói gì đó...
“Trời đất ơi!” – cha cậu rú lên, ôm đầu như vừa chứng kiến cổ vật quốc bảo nổ tung. “Cả tháng lương của tôi đó ông tướng!”
“Cái gì cơ?” – mẹ cậu quay ngoắt lại, đứng chống nạnh. “Ông vừa nói cái của nợ đó bao nhiêu tiền?”
“Ờ… thì… không đáng bao nhiêu… chỉ… vài triệu…” Bố chưa kịp nói hết câu thì đã bị mẹ đạp cho một phát vào ống chân.
“Lúc mua không thấy tiếc, giờ gãy cái đầu mới tiếc hả? Cái đồ ham của lạ!”
“Ơ… anh mua là để nghiên cứu mà…”
“Ra giảng đường mà nghiên cứu! Mang cả đồ xui xẻo về nhà!” Cảnh bố mẹ đùa giỡn như trẻ con khiến Thiên bật cười, nhưng trong lòng vẫn còn dư âm lạnh buốt từ cảm giác lúc tượng gãy. Cậu nhìn lại mảnh đầu tượng, một tia bất an lướt qua tim.
Mẹ rót thêm canh cho cậu, vừa làm vừa dặn dò. “Mai bố mẹ bay sớm. Bên Viện khảo cổ gọi gấp, chuyến đi chắc phải hai, ba tuần.”
Thiên hơi sững người. “Hai người lại đi cùng à?”
“Có gì đâu mà ngạc nhiên,” mẹ đáp, “Có phải lần đầu bố mẹ mày đi công tác nữa đâu. Mẹ đi để còn quản ông đấy không làm mấy trò vớ vẩn nữa.”
Cha Thiên gãi đầu cười trừ, còn cậu thì cúi mặt vào bát cơm, lòng nửa vui nửa lo. Bữa ăn vẫn tiếp tục, tiếng nói cười lại vang lên, nhưng trong góc nhỏ nào đó trong lòng Thiên, một khe nứt mảnh như vết gãy của pho tượng đã bắt đầu hình thành.
Một tuần sau, buổi công bố kết quả cuộc thi nghiên cứu khoa học mà Thiên ngày ngày mong chờ rốt cuộc đã đến. Khán phòng lớn sáng rực ánh đèn, tràn ngập không khí trang trọng lẫn hào hứng. Tiếng vỗ tay vang dội như sóng cuộn, lan khắp dãy ghế.
Trên sân khấu, vị hiệu trưởng đứng cạnh bục phát biểu, nụ cười rạng rỡ hiện rõ dưới ánh đèn. Ông cầm micro lên, giọng nói vang vọng khắp khán phòng: “Và giải thưởng Công nghệ Sáng tạo năm nay – dành cho sinh viên có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn – xin được trao cho… Trần Minh Thiên!”
Tiếng vỗ tay bùng nổ. Bạn bè quanh Thiên đồng loạt đứng dậy reo hò. Một vài đứa huýt sáo, có đứa còn đập mạnh vào vai cậu. Giữa tiếng hô vang tên mình, Thiên đứng dậy, chỉnh lại cổ áo và bước lên sân khấu. Mỗi bước chân như nhẹ bẫng giữa ánh đèn và hàng trăm ánh mắt dõi theo. Khi hiệu trưởng đưa tay ra trao bằng khen, Thiên cúi đầu nhận lấy, nụ cười rạng rỡ trên môi.
Ngay khoảnh khắc cậu cầm lấy tấm bằng, một tiếng "tách" khẽ vang lên. Tấm khung kính trên bằng khen nứt nhẹ ở góc. Thiên chớp mắt nhìn vết rạn, nhưng rồi chỉ nhún vai. Cậu quay lại hướng khán giả, đưa cao bằng khen giữa tràng pháo tay không dứt.
Lúc vừa bước xuống sân khấu, bạn bè đã ùa tới, người túm tay, người vỗ vai:
“Ê Thiên! Ăn mừng đi! Có quán gà nướng hôm trước mày nói ngon lắm đúng không?”
“Chuẩn, hôm nay mày là chủ xị nha!” Tiếng cười vang lên rôm rả. Ngay lúc đó, điện thoại trong túi quần rung lên bần bật. Thiên liếc nhìn màn hình: số lạ. Cậu nhíu mày, bước ra một góc yên tĩnh rồi nghe máy. Giọng người đàn ông ở đầu dây bên kia vang lên, bình thản đến lạnh người:
“Xin chào, chúng tôi là đại diện cơ quan công an. Rất tiếc phải thông báo… ông Trần Quang Minh và bà Lê Thị Thu – thân nhân của anh – đã gặp tai nạn nghiêm trọng trong chuyến công tác tại Quảng Bình. Hiện đang trong tình trạng nguy kịch và đã được chuyển vào cấp cứu khẩn tại bệnh viện tỉnh.”
Thiên khựng lại như bị đấm vào ngực. Cậu há miệng nhưng không phát ra được âm thanh nào. Bàn tay đang cầm điện thoại run lên, rồi chiếc điện thoại rơi khỏi tay, va xuống sàn với tiếng cạch vang vọng. Tiếng hò reo, tiếng pháo tay vẫn tiếp tục – nhưng trong đầu Thiên, mọi thứ im bặt. Cậu đứng giữa biển người, mà như lọt thỏm vào một vực sâu không đáy.
“Thiên? Gì vậy mày?” Một người bạn vội chạy tới. “Có chuyện gì thế?” Nhưng Thiên không trả lời. Gương mặt cậu trắng bệch, ánh mắt hoảng loạn. Cậu xoay người, lao thẳng ra khỏi hội trường, để lại bạn bè đang gọi giật sau lưng.
Bầu trời xám xịt, đặc sệt như thể đang sụp đổ cùng lúc với thế giới trong lòng cậu. Không áo mưa, không dù, Thiên cứ thế chạy. Từng giọt mưa nện xuống mặt nóng rát, hòa lẫn với nước mắt không kịp lau. Phố xá trở nên nhòe nhoẹt, xe cộ bấm còi liên hồi, nhưng Thiên chẳng để tâm. Trong đầu cậu lúc này chỉ còn một khoảng trống – lạnh lẽo, tối tăm và tuyệt vọng.
Tổ ấm quen thuộc giờ đây chìm trong tĩnh lặng và lạnh lẽo đến mức đáng sợ. Bức ảnh gia đình treo trên tường – cha, mẹ và Thiên khi còn nhỏ – nghiêng lệch, khung gỗ nứt ở góc phải như thể không còn chịu nổi sức nặng của ký ức.
Trên sàn, các hồ sơ bệnh viện – giấy chứng tử, giấy tờ xét nghiệm, kết quả chụp chiếu… – vương vãi xen lẫn với những mẩu báo nhỏ được cắt gọn gàng. Tất cả đều xoay quanh một chủ đề: vụ tai nạn bí ẩn ở hang Sơn Đoòng. Những mảnh giấy rải rác lộn xộn, như những mảnh vỡ của một thế giới đã tan rã.
Đôi mắt Thiên dừng lại trên tờ thông báo kết quả giám định đóng dấu đỏ chói của cơ quan công an: "Nguyên nhân tử vong do tai nạn." Dòng chữ như khắc sâu vào tâm trí cậu. Không có thi thể, không lời chia tay cuối cùng. Chỉ một vài thiết bị vỡ nát và bản tin vắn tắt trên truyền hình.
Từng là một sinh viên tràn đầy nhiệt huyết, giờ đây khi ánh đèn tắt đi, chỉ còn lại một bóng người ngồi lặng lẽ trong bóng tối, ôm nỗi đau không tên. Thiên gục đầu, hai tay ôm lấy thái dương. Ký ức bữa cơm cuối cùng hiện về—mùi cơm nóng, tiếng cười rộn rã, ánh mắt cha ánh lên niềm tự hào, cái vỗ vai của mẹ đầy trìu mến... Tất cả giờ chỉ còn là hồi ức xa vời.
Bất chợt, chuông điện thoại vang lên. Thiên giật mình. Màn hình hiện tên người gọi: Sư cô Diệu Tâm. Bà là một người bạn thân thiết của bố mẹ Thiên, đồng thời là trụ trì của chùa Am Tiên – nơi gia đình cậu thường viếng thăm mỗi dịp lễ tết.
Thiên do dự vài giây rồi bắt máy. – “Con chào ni sư...”
Giọng nói quen thuộc vang lên từ bên kia đầu dây, nhẹ nhàng mà kiên định:
– “Thiên à, ta vừa mới nghe tin… Ta rất tiếc. Dù vô thường là lẽ tự nhiên, nhưng ta biết, mất mát này đối với con chẳng dễ dàng chút nào.”
Thiên im lặng, tay siết chặt điện thoại. Sư cô tiếp tục, giọng chậm rãi:
– “Cuộc đời vốn như dòng sông, con ạ. Có lúc nước chảy êm đềm, có lúc lại cuồn cuộn, nhấn chìm mọi thứ. Nhưng sông vẫn là sông, và mình vẫn phải đi tiếp. Khổ đau, nếu không níu giữ, sẽ hóa giải được.”
– “Con không biết phải làm gì nữa... Tất cả đều tan tành rồi!” – Thiên nghẹn giọng.
– “Hãy để cho tâm mình được nghỉ ngơi. Nếu con thấy lòng mình hoang mang, sao không thử viếng chùa cho khuây khỏa? Ta sẽ tổ chức một lễ cầu siêu cho cha mẹ con, cũng là dịp để con tiễn đưa họ một cách trọn vẹn.”
Một khoảng lặng kéo dài. Thiên khẽ hỏi: “Liệu… sau cái chết… có còn gì không?” – Câu hỏi chưa kịp dứt đã tan vào tiếng gió ù ù ngoài ô cửa.
– “Câu hỏi này… có lẽ chúng ta chỉ có thể trả lời… khi đã rời xa nhân thế. Nhưng ta biết, bố mẹ con ở trên trời chắc chắn sẽ không muốn con tiếp tục ủ rũ như vậy. Người sống cần học cách buông, không phải vì không thương, mà vì biết thương đúng cách. Khi tâm con an, thì mới thấy được đường.”
Câu nói đó như một giọt nước mát rơi xuống vùng đất khô cằn trong lòng Thiên. Cậu khẽ nhắm mắt, một lúc lâu sau mới đáp nhỏ: – “Vâng… con hiểu rồi. Cảm ơn ni sư.”
Sau khi cúp máy, Thiên ngồi lặng thêm một lúc. Căn nhà vẫn vậy, trầm mặc, nhưng dường như không còn quá nặng nề như trước. Cậu đứng dậy, mắt lướt qua bức ảnh gia đình lần cuối. Khẽ thở ra, cậu tự nhủ: “Có lẽ… mình nên thay đổi.” Thiên bước về phía tủ quần áo, bắt đầu thu dọn hành lý. Ngoài trời, mưa vừa dứt. Một tia nắng yếu ớt lặng lẽ xuyên qua cửa sổ.
Trên đường về Ninh Bình, trời chợt chuyển mây xám. Gió từ cánh đồng thổi qua khe cửa kính mang theo hơi lạnh lùa vào tận áo, khiến Thiên bất giác kéo cao chiếc áo măng tô. Chiếc xe quen thuộc chậm rãi lăn bánh trên con đường tỉnh lặng, đưa cậu tiến về một nơi cũ mà chưa bao giờ thực sự quen.
Khi xe rẽ qua rặng tre rậm rạp, cổng đá hiện ra trong làn sương như bóng dáng một ký ức cổ xưa. Màu rêu phủ kín những phiến đá ghép khít không một khe hở, tựa như được tạc nên từ thời xa thẳm, không còn phân biệt rõ đâu là thiên nhiên, đâu là dấu tay người. Thiên bước xuống xe, ngẩng đầu nhìn mái vòm nhuốm thời gian, trong lòng dâng lên cảm giác vừa gần gũi, vừa lạ lẫm, như thể mình đang bước qua một ngưỡng cửa dẫn vào một thế giới khác.
Con đường đá uốn lượn dẫn lên núi, mỗi bước chân vang nhẹ giữa tĩnh mịch, kéo theo tiếng thở dài nén chặt trong lồng ngực. Trên tay cậu là bó sen trắng, những cánh hoa run rẩy trong gió như đồng cảm với tâm hồn đang xao xác. Đến một khúc quanh, hồ nước mở ra bất ngờ như một hơi thở sâu. Mặt hồ lặng như gương, phản chiếu sắc trời u ám và bóng núi in hình nghiêng nghiêng. Gió khẽ lướt qua mặt nước, làm rung rinh ánh phản chiếu như những ý niệm chưa kịp nói thành lời. Thiên cúi xuống, chạm tay vào làn nước lạnh buốt, cảm giác ấy như đánh thức nỗi đau vừa lắng xuống. Cậu thả bó hoa xuống mặt hồ. Những cánh sen trôi dập dềnh, giữa đàn cá lặng lẽ vây quanh, như một nghi thức không lời.
Bậc đá lên chùa hiện ra phía bên kia hồ, len giữa vách núi dựng đứng. Thiên bắt đầu bước, không vội vã, không nghỉ ngơi. Gió mỗi lúc một mạnh hơn khi lên cao, thổi tung vài cánh lá khô lăn lóc bên lối đi. Nhìn lại phía sau, hồ nước dần thu nhỏ, ẩn hiện qua tầng sương mỏng như mơ. Núi non trập trùng kéo dài đến tận chân trời, cảnh sắc giản dị mà mang theo một nét gì đó khó gọi tên – tĩnh tại nhưng sâu xa.
Khi chạm đến tường thành cổ bằng đá ong, lòng Thiên bỗng dịu lại. Những viên đá thô ráp sừng sững qua bao mùa mưa nắng, như đang trầm mặc quan sát mọi biến thiên thế gian. Một tiếng chuông đồng bất chợt vang lên – dài, trầm và xa. Âm thanh ấy dường như không chỉ vang trong không khí, mà vọng vào tận sâu thẳm tâm can.
Chùa ẩn mình trong động núi. Mái ngói cong vút phủ đầy rêu, những cột gỗ cũ thẫm màu thời gian. Ánh sáng lách qua khe đá tạo thành những vệt sáng mờ ảo, rọi xuống nền đất như những dòng nước yên bình. Bước vào trong, Thiên thấy lòng mình chùng xuống. Hương trầm lảng đãng, tiếng tụng kinh thoảng đưa từ sâu trong điện chính, mỗi âm tiết như rơi chậm vào khoảng không, rồi tan vào đá núi.
Tượng Phật tĩnh tọa giữa gian thờ, ánh nến lập lòe in bóng ngài lên vách đá như một ẩn dụ của sự hiện diện vô hình. Gần bên, tượng Dương Vân Nga ngồi uy nghi, nét mặt vừa dịu hiền vừa kiên cường, ánh nhìn dường như xuyên qua bóng tối và thời gian.
Thiên đứng lặng, chắp tay vái ba vái. Không cầu cho mình điều gì. Chỉ thì thầm một câu rất khẽ:
“Cha mẹ... xin hãy yên tâm, con sẽ tự chăm sóc tốt bản thân.”
Phía sau điện thờ, động Am Tiên mở ra như một khoảng lặng khác. Thiên bước vào, tiếng nước nhỏ từ nhũ đá rơi xuống đáy động như nhịp đập chậm rãi của một trái tim già cỗi. Nhũ đá hình hoa sen, hình giọt nước, như tạc nên bởi bàn tay không ai biết tên. Cậu đưa tay chạm vào một khối đá mát lạnh. Ánh nến hắt lên tạo thành một quầng sáng mờ quanh tay cậu – ngắn ngủi nhưng đầy thi vị. Trong khoảnh khắc, Thiên như thấy ai đó vừa đi ngang qua. Nhưng khi quay lại, chỉ còn gió lạnh lướt nhẹ qua vai.
“Thiên...” Một giọng nói trầm ấm vang lên bên cạnh. Là ni sư Diệu Tâm – người đã ngoài sáu mươi, nét mặt hiền từ, đôi mắt sâu hun hút như thấu hiểu mọi nỗi khổ nhân gian. Bà không nói gì thêm, chỉ đặt nhẹ tay lên vai cậu như một điểm tựa. “Cứ để lòng mình lặng xuống, nhé. Đau thương rồi cũng sẽ qua thôi, con à.”
Sư Diệu Tâm đưa Thiên đi qua hành lang lát đá dẫn vào một gian phòng nhỏ, đơn sơ nhưng sạch sẽ và yên tĩnh. Hương trầm lặng lẽ lan trong không khí, quyện cùng mùi gỗ cũ tạo thành một thứ mùi đặc trưng khó gọi tên – vừa gần gũi, vừa xa xăm.
“Mời con ngồi,” giọng vị sư già trầm và ấm như tiếng chuông sớm. Người ngồi xuống chiếc ghế mây, chắp tay nhẹ, ánh mắt từ bi mà thấu hiểu.
Một cô gái trẻ bước vào, tay bưng khay trà gỗ, đôi chân bước nhẹ không một tiếng động. Đầu cạo nhẵn thín, áo nâu sòng giản dị và gọn gàng, nhưng không hề làm giảm đi vẻ đẹp trong trẻo và đầy sức sống. Cô đặt tách trà trước mặt Thiên rồi rút lui một bước, lặng lẽ đứng hầu sau lưng sư bà.
Thiên vội cúi người hành lễ cảm tạ. Nhưng cô gái chỉ khẽ đưa tay xua nhẹ.
“À, đây là Diệu Liên,” sư Diệu Tâm cười hiền, nghiêng đầu giải thích. “Con bé ở đây từ nhỏ. Ta nuôi nó như con. Con bé luôn muốn quy y cửa Phật giống ta, nhưng ta muốn đợi nó đủ chín chắn hơn nữa rồi mới quyết định. Nhìn con bé ăn mặc vậy thôi, chứ chưa phải tăng ni gì trong chùa đâu, nên con cứ cư xử như bình thường là được.”
Thiên gật đầu, hơi bối rối, nhưng ánh mắt cậu không khỏi bị níu lại bởi cô gái. Có điều gì đó trong đôi mắt ấy – không phải sự hiếu kỳ, không phải thương cảm – mà là sự lặng lẽ, dịu dàng như nước hồ thu, có thể xua tan mọi âu lo và phiền não.
“Chào anh,” Diệu Liên khẽ nói, giọng cô nhẹ như gió thoảng. Đôi mắt ánh lên một tia sáng lạ, ấm áp và yên bình. Thiên siết nhẹ tách trà trong tay, hơi nóng lan ra đầu ngón. Câu nói định cất thành lời bỗng chậm lại…
Lễ tang diễn ra trong tĩnh lặng. Không có tiếng khóc ai oán, chỉ có mùi nhang trầm thoang thoảng và tiếng mõ tụng kinh vang vọng trong đại điện. Thiên lặng lẽ trước ban Tam Bảo. Trời đổ mưa nhẹ. Ánh sáng lờ mờ xuyên qua những tầng mây xám xịt, phản chiếu trên nền đá xanh rêu trơn trượt. Chùa Am Tiên đắm chìm trong một không gian tĩnh lặng đến lạ lùng.
Gió lùa qua những khe đá thổi nhẹ lên những tán thông cổ thụ, tạo thành bản nhạc thì thầm vọng xuống thung lũng. Trong gian chính điện sâu trong lòng động đá, sư bà Diệu Tâm đã chuẩn bị xong đàn tràng giản dị nhưng trang nghiêm. Trên bàn thờ Phật, ba cây hương trầm đang tỏa ra những làn khói uốn lượn như rồng bay, quyện lấy ánh nến lung linh đặt quanh pho tượng A Di Đà bằng đá xanh.
Trước đàn tràng, Thiên quỳ xuống, đôi tay chắp lại, đôi mắt đỏ hoe vì mệt mỏi và xúc động. Bên cạnh cậu là Diệu Liên, đang nhẹ nhàng thắp từng cây nến nhỏ trong chiếc đèn hoa sen. Mùi trầm hòa quyện với hương hoa bưởi dịu nhẹ khiến không gian trở nên thiêng liêng và siêu thực.
Sư bà cất tiếng trầm ấm: — "Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật… hôm nay, ngày lành tháng tốt, xin thiết lễ cầu siêu cho hương linh phụ mẫu của gia chủ Trần Minh Thiên, mong các ngài sớm ngày siêu thoát về cõi tịnh lạc."
Ba tiếng chuông trầm ngân vang giữa không gian đá lạnh. Mỗi tiếng ngân như xuyên qua lòng núi, vọng về nơi sâu thẳm nhất trong tâm khảm của Thiên. Cậu nhắm mắt, lặng lẽ lặp theo từng câu niệm: — "Nam mô A Di Đà Phật… Nam mô A Di Đà Phật…" Giọng Diệu Liên hòa cùng tiếng mõ gõ đều, mang theo nhịp đập của lòng người.
Sư bà chậm rãi tụng từng đoạn trong Kinh A Di Đà. Giọng bà vang vọng, đượm buồn và vững chãi như tiếng sóng vỗ vào vách đá. Ánh sáng từ những ngọn đèn dầu phản chiếu lên vách động, tạo thành những hình ảnh như mộng ảo: hoa sen nở giữa sương, bồ đề rơi trong gió, và đôi khi là bóng người thấp thoáng như ký ức về cha mẹ Thiên quay trở lại.
Sau thời kinh, Diệu Liên trải ra một mâm nhỏ gồm bát cháo trắng, hoa quả, vài viên muối gạo, và bát nước tinh khiết. Sư bà trì tụng thần chú, tay lần chuỗi tràng hạt. Thiên thả từng nhúm muối và gạo xuống mặt đất trước động. Cậu nhìn làn gió cuốn đi từng hạt nhỏ, lòng nghĩ đến những vong hồn vô danh đang lang thang không chốn về, và tự hỏi: liệu cha mẹ cậu trên trời có đang nhìn thấy?
Sư bà dâng hương, xướng lời hồi hướng: Sau cùng, sư bà gõ nhẹ ba tiếng chuông. Tiếng ngân cuối cùng tan dần trong gió đêm, để lại một khoảng lặng vô hình. Thiên không khóc. Mắt ráo hoảnh như đã khô cạn nước mắt. Cậu đứng lên, lảo đảo suýt ngã, nếu không có một bàn tay đỡ lấy từ phía sau.
“Cẩn thận, anh ơi.” Giọng nói trong như nước mưa đầu hạ. Là Diệu Liên.
Dưới ánh đèn lù mù, Thiên mới lần đầu nhìn kỹ cô gái. Gương mặt trái xoan với sống mũi cao và đôi mắt dài, sâu nhưng không u buồn – như một mặt hồ tĩnh lặng phản chiếu mây trời. Làn da cô trắng mịn, mộc mạc nhưng ánh lên sức sống của người sống giữa núi non thanh tịnh. Dáng người thon gọn, nhẹ nhàng như cành liễu. Trên người cô phảng phất mùi hương nhẹ – không rõ là mùi nhang trầm, mùi cỏ non, hay chính là hương riêng của cô gái lớn lên giữa rừng thiền và gió núi.
Thiên cảm giác tim mình vừa lỡ một nhịp – không vì mê đắm, mà vì chạm phải thứ gì đó thiêng liêng và an lành. “Anh không sao chứ?” – cô hỏi, giọng quan tâm.
“Cảm ơn em,” Thiên lúng túng nói, cố giữ giọng bình tĩnh. “Nãy... anh chỉ hơi chóng mặt một chút.” Diệu Liên khẽ cười, tiếng cười không phát ra thành tiếng mà chỉ hiện nơi ánh mắt.
“Tâm buồn thì người cũng mệt. Lễ xong rồi, anh nên nghỉ ngơi sớm đi.”
Cô dừng lại, như đang cân nhắc điều gì. Rồi rút từ tay áo ra một gói vải nhỏ, đưa cho cậu bằng hai tay. “Cái này... em làm từ hôm qua.”
Thiên nhận lấy. Trong gói là một chiếc đèn nến nhỏ hình hoa sen, làm bằng sáp ong thô, tỉ mẩn đến từng cánh hoa. Ánh nến bên trong đã được thử qua – có lẽ chính tay cô đã đốt lên rồi thổi tắt, để lại chút ấm vẫn còn vấn vương.
“Nếu đêm về khó ngủ,” cô nói, mắt nhìn đi nơi khác, “Anh có thể thắp nó. Ánh sáng dịu sẽ giúp an tâm, mộng lành.” Thiên siết nhẹ chiếc đèn trong tay. Cảm giác mềm và ấm, như một nhịp đập truyền qua ngón tay. “Cảm ơn... em. Anh sẽ giữ kỹ.”
Hai thầy trò tiễn Thiên ra tận cổng chùa. Mưa đã ngớt, những dải mây mỏng rẽ dần để lộ ra nền trời lam nhạt phía xa, như có một tia hy vọng vừa hé mở sau màn đêm. Sư Diệu Tâm dừng lại, đặt tay lên vai Thiên, ánh mắt hiền hòa mà sâu xa: “Chớ quên ánh sáng bên trong mình, con nhé. Dù có đi đến đâu, cũng đừng để bóng tối nuốt mất tâm thiện.”
Thiên cúi đầu vái chào. Trên tay cậu, chiếc đèn sen vẫn còn âm ấm hơi người – thứ ấm áp đầu tiên cậu cảm nhận được sau một quãng thời gian dài trống rỗng.


0 Bình luận