Lời chào
Chào các độc giả thân mến, lại là tôi Nishi Jouyou, tác giả của bộ truyện này.
Cảm ơn mọi người rất nhiều vì đã đọc đến tập 5.
Lần này, phần phụ chú cũng giống như ở tập 4, được ưu ái cho hẳn bốn trang.
Vì phụ chú lúc nào cũng như vậy, nên thật ra không đọc cũng chẳng sao cả.
Nó giống như một đoạn chia sẻ mà bạn có thể vô tình nhớ ra và đọc lại lúc rảnh rỗi sau khi đã khép lại phần chính truyện.
Ơ? Bạn nói tôi lại đang dùng phần mở đầu để kéo dài số chữ à?
Vậy thì bắt đầu luôn thôi.
Lần này, tôi muốn kể một chút về chuyện liên quan đến đàn đầu ngựa.
Đó là nhạc cụ từng xuất hiện trong tác phẩm nổi tiếng “Chú ngựa trắng của Suho”.
Trong tác phẩm lần này, nó xuất hiện dưới hình thức cây đàn mà ông già Daidouji — đàn anh của Kirishima — chơi.
Dù là chuyện từ khá lâu rồi, nhưng tôi từng nghĩ đến việc đưa đàn đầu ngựa vào tiểu thuyết.
Lúc đó, một biên tập viên có hỏi tôi: “Anh có muốn thử viết tiểu thuyết hậu cung không?”
Tiểu thuyết hậu cung, nếu nói nôm na thì giống như phiên bản Trung Quốc của “Đại nội nữ nhi truyện” — lấy bối cảnh là nơi quy tụ các phi tần phục vụ hoàng đế, thường có phong cách hướng đến độc giả nữ. Trong thể loại này, nữ chính thường bị bắt nạt trong hậu cung, nhưng lại sở hữu một tài năng đặc biệt. Cô ấy sẽ dùng tài năng đó để giải quyết rắc rối, xử lý những kẻ gây sự, và rồi giành được sự ưu ái hoặc sủng ái của hoàng đế — một mô-típ phát triển rất quen thuộc.
Tôi thì chưa từng đọc thể loại đó.
Thế nhưng, tôi vẫn trả lời:
“Được, tôi sẽ viết.”
Và rồi tôi lập tức bắt tay vào lên ý tưởng.
Tôi xây dựng nhân vật chính là một nữ quan bị mù, và nhạc cụ mà cô ấy chơi chính là đàn đầu ngựa.
Ngay ở cảnh đầu tiên, cô gái ấy sẽ bị bắt nạt dữ dội trong hậu cung. Nhưng khi những kẻ bắt nạt bỏ đi, chỉ còn lại một mình, cô ấy sẽ mỉm cười bình thản rồi nói:
“Suýt nữa là phải ra tay chém người rồi đấy.”
Tay phải cô ấy đang cầm phần đầu của cây đàn đầu ngựa, nơi lấp ló ánh thép của lưỡi gươm.
Đúng vậy. Trong cây đàn đầu ngựa này có giấu lưỡi dao. Cô nữ quan ấy thật ra là một kiếm sĩ mù, về bản chất là cao thủ giang hồ. Trong phạm vi lưỡi kiếm, cô ấy là kẻ mạnh nhất, có thể chém đứt mọi mũi tên bay tới, và sẽ bảo vệ phụ nữ, trẻ em yếu đuối dựa trên tinh thần nhân nghĩa.
Tôi đã rất hào hứng khi lên những ý tưởng như vậy.
Cô ấy còn giúp những cô gái bị bắt vào hậu cung trốn thoát, và khi đất nước lâm nguy, sẽ âm thầm chiến đấu với tư cách là cánh tay phải của hoàng đế. Ra tay dứt khoát, một mình trấn áp quân địch.
Sau khi dựng xong cốt truyện, tôi cảm thấy nó giống một bộ phim mà Trương Nghệ Mưu đạo diễn, Chương Tử Di đóng chính.
Thế nhưng, sau khi đọc bản thảo, biên tập viên đã nói:
“Không phải thế này đâu!”
Cũng dễ hiểu thôi, vì tiểu thuyết tôi viết, so với hậu cung thì giống kiểu Zatoichi — một tác phẩm về kiếm sĩ mù nổi tiếng của Nhật — hơn.
“Tuy nhiên, nghe này biên tập. Zatoichi và Morin khuur (đàn đầu ngựa) phát âm khá giống nhau đó!”
“Im đi!”
Anh ấy phản bác y như cách Hamanami hay làm.
Và thế là bản nháp tiểu thuyết về đàn đầu ngựa của tôi bị xếp xó.
Lúc đó tôi nghĩ, chắc không bao giờ có dịp đưa cây đàn ấy vào tiểu thuyết của mình nữa. Nhưng thời gian trôi qua, cuối cùng nó cũng đã được góp mặt trong tác phẩm lần này.
Tất nhiên, trong cây đàn của ông già Daidouji cũng có giấu lưỡi dao.
…Là nói đùa thôi. Đó là cây đàn đầu ngựa bình thường.
Thật ra trước khi viết phụ chú này, tôi đã quên mất cả ý tưởng về câu chuyện kia rồi. Nếu một ngày nào đó có thể chuyển thể thành phim thì tốt biết mấy.
Vì viết suôn sẻ quá, nên có lẽ đến lúc kết lại rồi nhỉ.
Chương “đại học” đã chính thức bắt đầu.
Không hổ là người tự xưng là Kirishima Erich, mối tình mới của Kirishima lần này có thể xem là dựa trên tư tưởng trong cuốn Nghệ thuật yêu thương của Erich Fromm.
Còn Hayasaka và Tachibana xuất hiện trong phần này, có thể xem là hình ảnh trái ngược — những “nàng thơ định mệnh”. Nhìn lại thời cấp ba, Hayasaka dường như hợp với hình mẫu của Erich hơn, còn Tachibana lại mang nét “định mệnh”. Tuy nhiên, vì cả hai đều gắn bó với quãng thời gian trung học, nên về bản chất thì họ đều mang màu sắc của Erich. Nhưng nếu xét từ mối quan hệ với Tono, thì rõ ràng họ đều là những cô gái định mệnh.
Tôi dùng “Erich” để đại diện cho kiểu tình yêu được vun đắp dần theo thời gian, còn “nàng thơ định mệnh” là kiểu tình yêu mang tính quyết định, định mệnh sắp đặt.
Tôi muốn truyền tải điều gì à? Thật ra chính tôi cũng không đoán được câu chuyện sẽ phát triển thế nào tiếp theo.
Nó sẽ đi đến đâu đây?
Và giờ là lời cảm ơn!
Tôi xin gửi lời cảm ơn đến biên tập phụ trách, các anh chị tại Dengeki Bunko, bộ phận biên tập, thiết kế mỹ thuật và tất cả những ai có liên quan đến tác phẩm này.
Xin chân thành cảm ơn thầy ReTake đã tạo nên những thiết kế nhân vật tuyệt vời cho Tono và Miyamae. Mỗi bức minh họa đều khiến tôi vô cùng xúc động.
Cuối cùng, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến tất cả độc giả! Chính nhờ sự ủng hộ của các bạn mà hành trình của Em sẵn lòng làm bạn gái thứ hai mới có thể tiếp diễn. Tôi sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa để mang đến cho mọi người những câu chuyện thật hay.
— Nishi Jouyou


0 Bình luận