Review MÁU, THỊT VÀ EM

Xin chào các bạn, tôi là Nguyễn Hồng Tuân. Cho những ai chưa biết, tôi là một beta reader và đã hỗ trợ sáng tác cho nhiều tay bút mới cả trên Hako và nhiều nền tảng khác. Nhân dịp vote banner lần này. Tôi cùng đồng nghiệp tôi là Đại Sư Mạt Trà muốn được đóng góp vào việc review các tác phẩm trong bảng. Tuy tham gia vào khá trễ, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng review cho các bạn càng nhiều càng tốt.

Trước hết. Là một beta reader, tôi xin review dưới cương vị là một người đọc, theo cách mà một người đọc bình thường sẽ nhìn nhận thế nào về câu chuyện của các bạn. Vì thế, những lời review này không mang tính đánh giá thực tế mà chỉ mang tính tham khảo. Các bạn có thể vừa đọc những lời của tôi vừa xem xét các quyết định của mình trong kì vote này.

Câu chuyện đầu tiên mà tôi review sẽ là MÁU, THỊT VÀ EM của tác giả Lãng Tùy Bút. Trong bài review này, tôi sẽ tập trung đánh giá vào giới thiệu và phần mở đầu của câu chuyện - một yếu tố quan trọng trong việc quyết định người đọc có tiếp tục theo dõi câu chuyện của các bạn hay không. Qua bài phân tích này, các bạn tác giả có thể xem xét và rút ra những điều cần cải thiện sao cho tác phẩm được tiếp cận với nhiều người hơn. 

I. PHÂN TÍCH TÓM TẮT VÀ GIỚI THIỆU.

Điều đầu tiên mà tôi nhìn vào tác phẩm này chính là lời giới thiệu. Nguyên văn lời giới thiệu này là:

 

“Leon đã chết. Nhưng Leon vẫn sống.

Không ai nhận ra sự thay thế. Không ai biết rằng người con trai ấy, ánh mắt ấy, nụ cười ấy. Không còn là người họ từng quen. Kể cả “em”.

Cậu bước vào cuộc sống của người khác như thể đó là định mệnh. Nhưng tình yêu mà cậu nhận được không dành cho cậu. Nó là tàn dư của một ký ức khác, một người khác, một quá khứ mà cậu không thể chạm tới.

Dưới lớp mặt nạ hoàn hảo, Leon bắt đầu mục rữa. Cảm xúc bị bóp méo. Ký ức bị xuyên tạc. Những vết cắt vô hình dần hiện rõ trên da thịt, và máu, dù vẫn đỏ – không còn là máu của cậu nữa.

Cậu không biết mình là ai. Cũng không biết liệu tình yêu ấy có đủ để níu giữ một cái tôi đang tan rã từng ngày. Khi sự thật lộ diện, chỉ còn lại hai điều: máu, thịt.

Còn “em” thì sao?

Em sẽ yêu cậu, dù cậu không còn là chính mình?”

 

Trên cảm quan cá nhân của tôi, phần tóm tắt truyện đã nêu ra được một vài thông tin đáng kể có liên quan đến câu chuyện: nhân vật là ai, họ được đặt vào trong hoàn cảnh nào... Dẫu vậy, tác giả vẫn chưa định hướng được câu chuyện sẽ diễn ra như thế nào, điều này khiến cho phần giới thiệu dù ổn, lại thiếu đi yếu tố dẫn dắt người đọc về hướng đi của câu chuyện một cách toàn vẹn.

Một lời tóm tắt hay sẽ bao gồm những yếu tố nào? Về cơ bản, ta có thể xem chúng như một phần mở đầu với lượng thông tin được kiểm soát chặt chẽ hơn, đủ để cho người đọc có thể đại khái hiểu được câu chuyện này sẽ là về điều gì và định hướng của chúng sẽ ra sao. Để làm được điều đó, chúng ta cần phải giới thiệu được ba yếu tố mở đầu gồm:

  1. 1. Bối cảnh và hoàn cảnh.
  2. 2. Nhân vật chủ đạo của câu chuyện.
  3. 3. Vấn đề chính của câu chuyện này.

Đầu tiên, chúng ta có thể nhìn ra được ngay nhân vật chủ đạo của câu chuyện này chính là Leon, theo cá nhân tôi cho rằng thông tin này đã tạm đủ những gì cần biết về yếu tố nhân vật của câu chuyện này.

Thứ hai. Tôi chẳng nhận ra bất kì dấu hiệu gì của việc giới thiệu bối cảnh. Nhưng, về hoàn cảnh thì đã được nêu rõ như sau:

 

“Leon đã chết. Nhưng Leon vẫn sống.

Không ai nhận ra sự thay thế. Không ai biết rằng người con trai ấy, ánh mắt ấy, nụ cười ấy. Không còn là người họ từng quen. Kể cả “em”.

Cậu bước vào cuộc sống của người khác như thể đó là định mệnh. Nhưng tình yêu mà cậu nhận được không dành cho cậu. Nó là tàn dư của một ký ức khác, một người khác, một quá khứ mà cậu không thể chạm tới.

Dưới lớp mặt nạ hoàn hảo, Leon bắt đầu mục rữa. Cảm xúc bị bóp méo. Ký ức bị xuyên tạc. Những vết cắt vô hình dần hiện rõ trên da thịt, và máu, dù vẫn đỏ – không còn là máu của cậu nữa.

Cậu không biết mình là ai. Cũng không biết liệu tình yêu ấy có đủ để níu giữ một cái tôi đang tan rã từng ngày. Khi sự thật lộ diện, chỉ còn lại hai điều: máu, thịt.”

 

Tại câu đầu tiên “Leon đã chết. Nhưng Leon vẫn sống”. Câu này đang biểu đạt rằng có một nhân vật đã chết và tái sinh, hoặc theo ý của Mạt Trà là một nhân vật đã mất đi một yếu tố nào đó của sự sống (tình cảm, những ham muốn về các nhu cầu cơ bản). Nhưng có phải như vậy không? Sau khi chúng tôi tiến sâu hơn vào cốt truyện, tôi mới nhận ra rằng Leon là tên của một nhân vật trong một thế giới game otome. Nhân vật chính đã chết đi và sau đó tái sinh vào thân xác của Leon. Nếu vậy thì câu trên mang ý nghĩa rằng nhân vật Leon này đã “chết đi” và được thay thể bởi nhân vật chính. Các bạn có thể thấy rằng đây là một câu chưa được rõ nghĩa vì yếu tố ngữ cảnh giải thích cho nó chưa được làm tốt - phần bối cảnh mà đáng lẽ nên có trong lời giới thiệu này.

Những đoạn sau đó cũng tương tự như câu đầu tiên, tuy nhiên hệ quả của việc triển khai một ngữ cảnh chưa tốt đã khiến tôi và Mạt Trà cho rằng hoàn cảnh của câu chuyện này sẽ là về việc nhân vật chính bị khủng hoảng danh tính. Điều đó khiến cho cả hai chúng tôi đã có những nhận định sai lầm về nội dung sắp tới của bộ truyện, và điều đó chỉ càng bị đẩy đi xa hơn khi tác giả giới thiệu thêm - điều thứ ba mà chúng tôi sắp nói ở đây.

Thứ ba, vấn đề chính của câu chuyện. Tác giả đã viết rằng:

 

“Còn “em” thì sao?

Em sẽ yêu cậu, dù cậu không còn là chính mình?”

 

“Em” ở đây hiển nhiên chính là nhân vật nữ chính của câu chuyện này. Tuy nhiên ở câu “Em sẽ yêu cậu, dù cậu không còn là chính mình?”. Câu này có thể hiểu rằng nhân vật Leon sẽ cho rằng nữ chính sẽ không còn yêu mình khi biết rằng Leon thực chất không còn là Leon nữa? Nhưng câu hỏi trên vẫn chỉ nằm trong phạm trù một câu tự hỏi đơn thuần mà chưa nêu ra được vấn đề cần giải quyết của, ấy là cái vấn đề mà nhân vật chính sẽ phải đối diện và tìm cách xuyên suốt câu chuyện này. Khi đào sâu vào các chương đầu của câu chuyện, chúng tôi khó lòng thấy được tác giả đưa ra một vấn đề cụ thể nào, dường như nhân vật Leon chẳng hề “tự hỏi” lấy bản thân về câu hỏi này, anh chỉ đang “chạy trốn” khỏi nữ chính.. Vấn đề nảy sinh ở đây chính là khi tác giả chưa đưa ra được một vấn đề chính cụ thể nào thì tính định hướng của câu chuyện sẽ không liền mạch, tức là chúng ta sẽ chẳng thấy được nhân vật Leon này cần phải làm gì xuyên suốt câu chuyện này.

Vậy thì kết luận của tôi là gì? Lời giới thiệu này tạm đủ để thực hiện chức năng của nó, nhưng nó chưa thực sự có một mối liên kết với câu chuyện, hoặc chưa đủ hay để có thể thu hút những người đọc khó tính.

II. PHÂN TÍCH CÁC CHƯƠNG MỞ ĐẦU.

Qua ba chương mở đầu, chúng tôi nhận ra rằng câu chuyện đang gặp phải một vấn đề lớn - Tác giả chưa hề hoạch định rằng câu chuyện này sẽ diễn ra như thế nào và dẫn đến đâu. Có thể nói là viết theo cảm hứng.

Dù tác giả đã không thành công trong việc giới thiệu ba yếu tố mở đầu trong phần giới thiệu, với tôi nó đã là một thiếu sót lớn. Nhưng tôi đã trông chờ tác giả cần phải làm tốt hơn trong các chương mở đầu của mình để bù đắp lại việc đấy. Dù vậy, thật buồn khi phải nói rằng tác giả chưa thực sự có một phần mở đầu tốt, câu chuyện có nhiều lỗ hổng và vấn đề còn tồn đọng. Nhưng vì lý do nào? Tôi sẽ phân tích nó ra như sau:

2.1. Nội dung.

Tôi thường hay trả lời cho những tay viết mới câu hỏi “Một chương nên dài bao nhiêu chữ?” là “hãy viết đến khi nó đủ, đừng quan trọng số chữ một chương.”. Nếu như một chương được xây dựng vững chắc và có trọng tâm, nó sẽ có lượng diễn biến bằng với một câu chuyện ngắn. Tức là nó sẽ mang một cấu trúc 3 hồi của riêng nó (mở đầu - cao trào - kết thúc) với một vấn đề của riêng chương đó. Kết quả của việc giải quyết vấn đề ở chương này sẽ là mở đầu của chương kế tiếp. Đây chính là cấu trúc 3 hồi Fichtean (The Fichtean curve).

Nhưng đó lại là vấn đề lớn nhất của câu chuyện này. Tác giả đã không xác định được trọng tâm của một chương. Thay vào đó nó chỉ là vô số những cảnh (cảnh) được xây dựng diễn biến gần như là giống hệt như nhau, chưa kể, nó chẳng hề bổ sung vào tiến trình của câu chuyện. Mỗi cảnh diễn ra chẳng hề giới thiệu hay giải quyết vấn đề nào. Nó phần lớn là sự tương tác giữa hai nhân vật Leon và Lylia theo đúng một cấu trúc: Leon đang làm điều gì đó, Lylia tìm đến Leon, họ trao đổi với nhau về mối quan hệ giữa bọn họ, Leon an ủi Lylia, hết cảnh. Do đó, các chương đều rất ngắn và hầu như chẳng có mấy diễn biến quan trọng trong đó. Các chương chỉ được nối tiếp nhau qua những diễn biến lưng chừng nối tiếp nhau.

2.1.1. Chương 1.

Tôi cho rằng tác giả đang muốn áp dụng kỹ thuật mở đầu “In medias res”, tức là sẽ sử dụng vấn đề chính để giới thiệu hoàn cảnh của câu chuyện. Sau đó, tác giả sẽ giải thích nó bằng việc giới thiệu hoàn cảnh của câu chuyện này. Câu chuyện được mở ra với việc miêu tả bối cảnh Một đêm tại ký túc xá của học viện phép thuật. Trong một căn phòng tẻ nhạt, nơi vẫn còn sáng đèn dẫu tiết trời đã tối đen từ lâu. sau đó là nhân vật Leon ngồi bên bàn, tay lật từng trang sách dày cộm về bùa chú cơ bản của ma thuật hệ Hỏa. Kế tiếp theo là sự xuất hiện của nhân vật Lylia và sự luỵ tình của cô với nhân vật Leon thông qua chi tiết cô sử dụng con dao để tự hãm hại mình nếu như Leon không cho cô ở lại. Ở phần cuối của chương là một đoạn dài mà tác giả giải thích về bối cảnh và hoàn cảnh của câu chuyện này.

Theo tôi, việc lựa chọn kĩ thuật này để mở đầu câu chuyện này không có vấn đề gì. Nhưng vấn đề chính lại nằm ở việc cách mà nó được áp dụng. Tác gỉả đã sử dụng diễn biến để thể hiện vấn đề chính của câu chuyện này là sự luỵ tình của Lylia. Nhưng thay vì sử dụng diễn biến thì tác giả lại lựa chọn việc nhồi nhét thông tin để thể hiện phần bối cảnh và hoàn cảnh của câu chuyện tạo ra sự mất cân bằng trong bố cục chương. 

Có lẽ sẽ tốt hơn, nếu như tác giả có thể đơn thuần là kể một câu chuyện bắt đầu từ hoàn cảnh của nó. Sau đó sử dụng diễn biến (kể về việc nhân vật chính mất đi và được tái sinh thành Leon) để dẫn dắt câu chuyện đến sự tương tác giữa nhân vật Leon và Lylia qua một vấn đề nhỏ nào đó được sử dụng trong chương 1. Thông tin về nhân vật, bối cảnh sẽ được lồng ghép  vào những diễn biến cần thiết phải có ngữ cảnh để làm rõ dọc theo tiến trình. Bằng cách này, chương 1 sẽ có một trọng tâm, thông tin sẽ được dàn đều và các diễn biến đều có đủ ngữ cảnh giải thích cho nó. Theo Mạt Trà, tác giả có thể thử bắt đầu câu chuyện từ một hoàn cảnh cụ thể, thông tin sẽ được lồng ghép qua các tương tác và hội thoại giữa Leon và Lylia. Ý tưởng mở đầu tuy có tiềm năng, nhưng cách triển khai dường như chưa được hợp lý cho lắm.

2.1.2. Chương 2.

Các vấn đề của chương 2 chính là hệ quả của việc thiếu trọng tâm ở chương 1 đã khiến cho nó trở nên hạn chế - một kết quả tất yếu từ việc thiếu hụt sự liên kết với các diễn biến trước đó. Trong chương này chỉ có hai cảnh. Cảnh đầu lại quay lại cấu trúc tương tác giữa Leon và Lylia giống như chương 1 nhằm ghép vào một thông tin dẫn đến cảnh sau, nhưng rồi những cảnh sau đó chỉ đơn thuần nói về buổi đấu phép vô thưởng vô phạt. Kết thúc chương 2, chúng tôi vẫn chưa biết được rằng những diễn biến trên đã có tác động đáng kể nào vào câu chuyện. Đồng thời, chúng tôi đến giờ vẫn chưa hiểu được hướng đi của nhân vật Leon là gì hay chỉ ít là giải quyết vấn đề nào.

Việc nhân vật Lylia lại một lần nữa xuất hiện tại cuối chương, tôi cho rằng có lẽ tác giả muốn tạo sự lưng chừng để gợi ý rằng sẽ có một diễn biến quan trọng nào đó diễn ra ở chương 3. Tuy nhiên điều đó là bất thành, vì cho đến khi Lylia xuất hiện, diễn biến đã chẳng hề có điều gì liên hệ đến nhân vật đó cả. Vậy nên về mặt nội dung, diễn biến ấy còn chưa tạo được nhiều ý nghĩa đóng góp cho cốt truyện. 

Vậy cuối cùng chương 2 này có công dụng gì? Tôi cho rằng nó là một bước đệm không cần thiết để giới thiệu nhân vật mới là Isaac, người mà sẽ được đề cập đến chương sau. Ngoài ra, nó cũng lại là một sự lồng ghép vụng về để mở rộng thêm những thông tin về bối cảnh. Những thông tin mà đến thời điểm này chẳng hề có tác động lớn gì đến cốt truyện

2.1.3. Chương 3.

Với tựa đề “diễn tập nhóm”. Tác giả đang muốn ám chỉ về một sự kiện lớn sẽ diễn ra. Vấn đề lại nằm ở việc sự kiện này lại không được hình thành từ các diễn biến trước đó như một trình tự logic, mà nó chỉ được thêm vào một cách đột ngột và tuỳ tiện. Cũng như những chương trước đó, tác giả cũng chỉ có hai cảnh. cảnh đầu tiên tiếp nối sự xuất hiện của Lylia trước đó để thể hiện sự cuồng si với anh chàng thông qua suy nghĩ của cô về Isaac. Mãi cho đến cảnh sau (tức là sau nửa chương), tác giả mới bắt đầu nói về sự kiện lớn kia. Nếu như phần đầu chương thực sự cho chúng ta môt diễn biến cụ thể nào đó thì có lẽ người đọc sẽ còn cảm thấy phần sau đáng để đọc. Nhưng không, hai cảnh này ngoài việc tiếp nối nhau về mặt thời gian thì còn lại nó chẳng hề tồn tại sự liên hệ nào về mặt logic.

2.1.4. Kết luận.

Đã 3 chương trôi qua, nhưng những gì mà người đọc hiểu được về câu chuyện này không nhiều. Về bối cảnh, tác giả chỉ đơn giản nói rằng đây là thế giới game Otome, có phép thuật và học viện phép thuât. Cách mà chúng liên hệ thế nào đến cốt truyện vẫn chưa làm rõ. Về nhân vật, chúng ta chẳng thấy được sự “mục rữa, cảm xúc bị bóp méo, ký ức bị xuyên tạc.” của nhân vật Leon như đã được giới thiệu trên phần giới thiệu. Cũng như Lylia, chúng ta chẳng biết được gì về nhân vật này hơn việc nhân vật này luỵ tình Leon. Cuối cùng là về tính định hướng, chúng ta vẫn chưa thấy được Leon cần phải làm gì, tất cả những gì chúng ta thấy được là sự lòng vòng trong mối quan hệ giữa Leon và Lylia.

2.2. Hành văn.

Vấn đề lớn thứ hai của câu chuyện này đó là cách hành văn. Khi mà tác giả có một ý tưởng, thì hành văn là cách tác giả có thể đưa nó tiếp cận đến người đọc. Hành văn càng tốt, thì người đọc sẽ càng dễ tiếp nhận được ý tưởng của tác giả. 

Điều đầu tiên và là điều dễ thấy nhất. Tác giả đã vô cùng tuỳ tiện trong việc sử dụng dấu câu. Phần lớn tôi có thể thấy rằng tác giả sử dụng rất nhiều câu đơn và diễn tả sự việc rất ngắn ngủn. Từ đó dẫn đến việc chia đoạn cũng hoàn toàn theo cảm tính, chỉ thấy dài là ngắt. Dấu hiệu của việc đó chính là các đoạn gần như có độ dài bằng nhau, trung bình chỉ có một đến ba dòng. Đối với tôi, việc chia câu và đoạn không chỉ là việc kiểm soát thông tin, mà nó còn là thứ thể hiện nhịp độ của câu chuyện. Tuỳ theo diễn biến, chúng ta sẽ có những nhịp điệu nhanh và chậm khác nhau trong mạnh truyện. Việc chia câu và đoạn như trên sẽ làm cho mạch truyện trở nên gãy khúc, thiếu mạch lạc với nhau. 

Nhân nói về việc sắp xếp thông tin trong câu. Tôi sẽ nói đến điều cuối cùng là việc miêu tả trong câu chuyện này cũng rất ngắn gọn và hời hợt. Ví dụ như đoạn tả trong phần mở đầu của câu chuyện:

“Một đêm tại ký túc xá của học viện phép thuật. Trong một căn phòng tẻ nhạt, nơi vẫn còn sáng đèn dẫu tiết trời đã tối đen từ lâu.

Ánh nhàn nhạt rọi xuống từ viên pha lê treo trần, phủ lên không gian một lớp màn xanh lạnh lẽo. Tiếng lá cây cọ xát vào nhau tràn qua khung cửa sổ. Luồng gió lạnh qua đó mà ùa đến, khẽ lay động những trang sách trên bàn học, tiếng loạt soạt khe khẽ của giấy vang lên.”

 

Hai đoạn tả này ngoài việc để giới thiệu bối cảnh, thì nó không tồn tại mục đích tả cụ thể nào mà chỉ được sử dụng như một đoạn dẫn nhập vào nhân vật Leon. Chính vì thế, những thông tin được sử dụng trong đoạn tả này (ánh sáng pha lê, tiếng lá cây, tiếng động của trang sách bị gió lạnh thổi) chỉ được sắp xếp liền kề nhau như được một camera quay phim lướt qua. Nó không thể hiện được không khí của câu chuyện này, không giới thiệu được bối cảnh tông quát mà chỉ thể hiện thuần thuý những chi tiết đó.

III. KẾT LUẬN CUỐI CÙNG.

Phần lớn những vấn đề mà câu chuyện này gặp phải đều là vì tác gỉả chưa có sự chuẩn bị trước về mặt nội dung. Tôi thường hay khuyên những tay bút mới nên thiết lập một sườn truyện tính toán trước tất cả các nội dung cần thiết mà bạn dự định sẽ sử dụng và xem xét nó theo logic. Mạt Trà đã nói rằng sườn truyện rõ ràng sẽ giống như một tấm bản đồ giúp bạn biết rõ được mình nên đi theo những hướng nào, đừng viết như những kẻ mò mẫm trong hang tối. Viết truyện theo cảm hứng, nhưng hãy cầm bút bằng lý trí, chỉ khi hai thứ đó đều đủ đầy thì người viết mới có thể đi theo con đường ấy cho đến cuối được.

Kết lời, tôi xin nói rằng nếu bạn cần beta reader, hỗ trợ sáng tác. Hãy gọi cho Tuân.

Truyện sáng tác

13 Bình luận

AUTHOR
💯
Xem thêm
AUTHOR
Dịu dàng là phần của ngài Trà, lý trí là phần của khầy Tuân. Cả hai hòa quyện lại bài vừa đủ công tâm lẫn mở lối cho tác giả có hướng điều chỉnh nữa. Tuyệt đối điện ảnh rùi! :)))
Xem thêm
AUTHOR
Vãi đái
Xem thêm
Ai ngờ mình có vinh dự đọc bài đầu tiên của bác Tuân đâu... Xưa giờ toàn tưởng ông Tuân lên chục bài đánh giá rồi không ấy chứ 😅
Xem thêm
Đây là lần đầu tiên Tuân đánh giá công khai trên Hako nhé, trước giờ chỉ toàn đánh giá riêng thôi
Xem thêm
@Đại Sư Mạt Trà: Quào. Quả là vinh hạnh của em.
Xem thêm
TRANS
Thấy mục 1 của bác phân tích cả phần tóm tắt truyện thì tôi đã phải tắt ngay chuông điện thoại để tập trung đọc cho cẩn thận. Phải nói là nhận xét rất đáng giá, xét đến từng câu chữ, logic tình tiết, cách liên kết nội dung, nhịp truyện,... Tuy chỉ là 3 chương, nhưng tôi cảm thấy may mắn thay cho tác giả, đâu đó cũng có một chút ganh tỵ nữa. Tiếc là truyện của tôi tệ quá, sửa không kịp để tham gia event lần này, chứ không thì chắc chắn sẽ rất vui nếu có bác để lại cho một bài góp ý tương tự.
Xem thêm
Bạn có thể thử liên lạc với Tuân xem nhé, nếu có thời gian thì ổng sẽ beta cho truyện của bạn, thử một lần cũng đâu mất gì đâu, đúng không?
Xem thêm
TRANS
@Đại Sư Mạt Trà: 👍 đồng ý với bạn, sau khi sửa xong Vol 1, mình sẽ thử liên hệ bác ấy để xin vài lời góp ý.
Xem thêm
cảm ơn tuân và đại sư mạt trà đã bỏ ra công sức và thời gian của mình để giúp một tác còn non tay như tôi nhận ra rõ hơn về sự thiếu sót của mình, tôi sẽ từ bài review này mà học hỏi và tránh các lỗi đã được nhắc, chân thành gửi lời cảm ơn
Xem thêm
Tuân chỉ nhận xét những lỗi mà bạn đang mắc phải thôi, chứ không có ý chê trách gì nên cứ yên tâm nhé
Xem thêm
AUTHOR
Đọc những bài như này cảm thấy sướng con mắt ghê 🤓
Xem thêm
AUTHOR
Khai trương bài nhận xét của Tuân Sensei 😘
Xem thêm