Lãng Khách - Bô lão trở về - Chốn vất vưởng của những kẻ dạt nhà [Bican và cuộc phiêu lưu đây đó]

Xin chào mọi người, lại là Bican đây. Tôi nhớ lần review cuối cùng của mình cũng đã năm ngoái rồi nên chắc cũng không ai nhớ tôi đâu. Thế nên, giới thiệu lại chút đỉnh, tôi là Bican, dịch giả quèn kiêm reviewer nghiệp dư.

Để đánh dấu sự trở lại của bản thân, tôi, Bican, muốn lần đầu giới thiệu với quý vị độc giả chuyên mục [Bican và cuộc phiêu lưu đây đó] đầu tay của tôi. Nói qua đôi chút, đây đại khái sẽ là cuộc du ngoạn khắp các thế giới do trí óc tài ba của những tác giả thêu dệt nên. Tất nhiên, tôi biết “có this, có that”. Nhưng, tôi sẽ cố chọn những cuộc phiêu lưu mà tôi ưng ý nhất. Qua đấy, tôi có thể cho mọi người những thế giới nên dừng chân ít nhất một lần. Đồng thời, tôi mong những trải nghiệm của tôi cũng sẽ giúp tác giả cải thiện được câu chuyện của mình nhé!  Nào, cùng đặt chân đến thế giới đầu tiên nào: Lãng Khách - Chốn vất vưởng của những kẻ dạt nhà.

Trước tiên, trước khi vào truyện, tôi có đôi lời muốn trao đổi:

- Để không phá hỏng chuyến phiêu lưu sắp tới của bản thân, tôi khuyên quý độc giả nên đọc “Lãng Khách” để có cho mình một cái nhìn cơ bản về tác phẩm trước. Và nếu được thì tôi mong quý vị cũng nên tìm đọc “Chiến Thần” trước. Do “Lãng Khách” là phần hậu truyện của “Chiến Thần” nên nhiều chi tiết trong Lãng Khách như địa lý, văn hóa, phép,... sẽ dễ hiểu hơn khi tiếp cận “Chiến Thần” trước.

- Tiếp, bài review quý độc giả đang đọc là sản phẩm dựa theo truyện cho đến ngày 2/5/2025. Vì vậy, theo thời gian, nếu tác giả có đăng thêm chương hay sửa truyện thì những nhận xét, suy đoán của tôi ở đây e là sẽ không còn chính xác nữa. Thế nên, tốt nhất bài review chỉ nên mang tính chất tham khảo để giúp quý vị có thêm cái nhìn về tác phẩm. Còn lại, tuyệt phẩm hay thường phẩm là thuộc về quyền quyết định của quý vị.

- Do đánh giá chỉ mới là số đầu của [Bican và cuộc phiêu lưu đây đó] nên tôi sẽ khó lòng không mắc những lỗi sai chí tử và có cái nhìn thiếu khách quan. Vì vậy, nếu ai muốn giúp đỡ Bican thì cứ chọi thật LỰC cho Bican!

Mục lục “Lãng Khách - Bô lão trở về - Chốn vất vưởng của những kẻ dạt nhà” cho những ai cần:

1. Giới thiệu
2. Bối cảnh - Liệu chỉ đơn giản hậu Chiến Thần?
3. Kuzu - Tử tế nhưng không muốn ai biết
4. Vesna - nàng tiểu thư khó ưa hay dễ mến?
5. Hệ thống nhân vật rộng và sâu
6. Nghề lãng khách - cái giá rẻ mạt của danh dự và mạng sống
7. Show, don’t tell - quy tắc vàng làm nên sức hút khó cưỡng của Lãng Khách
8. Phong cách mới, nhưng cái chất Bakery vẫn còn đấy
9. Lỗi nhỏ, không đáng kể, nhưng không thể ngó lơ
10. Lời kết và đánh giá khách quan

Nào, tới giờ phiêu lưu rồi. Lia lại phát. Chỗ quý vị, cà phê sẵn bên chưa? Mền gối sẵn sàng chưa? Ghế ngồi chắc mông chưa? Xong xuôi hết rồi thì ghế ngồi thật chắc, màn hình không tắt, dán mắt thật chặt và nghe tôi yap. Không dài dòng nữa. Lãng Khách. Let’s go!

1. Giới thiệu
Từ lâu, cái tên “Phong Linh” đã chẳng còn xa lạ. Bác chính là người hay “giúp đỡ” các tân tác giả với những bài review đánh đúng trọng tâm vấn đề câu chuyện mắc phải. Gần đây, bác còn có làm một bài chia sẻ “Vài kinh nghiệm về cách xây dựng nhân vật” chắc để… đuổi khéo mấy ai muốn hỏi ổng về cách xây dựng nhân vật. Thế nhưng, thứ làm nên tên tiếng của Phong Linh là cái tài trong viết truyện thể loại tragedy, quân sự và chiến tranh dưới bút danh Bakery cơ. Ấy thế, chưa góp mặt trong làng tác giả Hako được bao lâu thì bác ấy lại bận công việc và tạm ngừng bút. Và giờ, sau hơn 3 năm vắng mặt, cuối cùng, vị bô lão đáng kính của chúng ta đã trở về với đứa con tinh thần mới mang tên “Lãng Khách”. Nổi tiếng ở Hako là thế, nhưng do thể loại khó tiếp cận nên tác phẩm chỉ có vỏn vẹn 4 ngàn 2 lượt xem và 21 theo dõi sau 5 tháng trình làng ở OLN. Dĩ nhiên, điều đó chưa bao giờ là thành vấn đề. Theo dõi và lượt xem ít chưa bao giờ cản được bô lão chúng ta đem đến độc giả các chương truyện chất lượng nhất.

2. Bối cảnh - Liệu chỉ đơn giản là Hậu Chiến Thần?
Bối cảnh thì như tác giả Bakery đã nói:

[Truyện này là phần sau của Chiến Thần, nó xảy ra khi câu chuyện trong Chiến Thần kết thúc được nhiều năm. Đây có thể xem như lời hứa của tác giả (là mình) rằng Chiến Thần sẽ có một kết thúc trọn vẹn dù tác giả đã để nó phủ bụi trong vài năm. Xin lỗi quý độc giả rất nhiều vì sự delay vô thời hạn này :D dù sao thì hiện tại tác giả vẫn chưa thể thu xếp để viết tiếp câu chuyện của Ventus và những người bạn bởi những vấn đề cá nhân. Mong rằng các bạn có thể đón nhận Lãng Khách như một món ăn thay thế.]
(Chú thích thêm, Lãng Khách, Bakery)

Dù cùng thế giới với Chiến Thần cũng như mang cả 2 thẻ Military và Wars, Lãng Thần chắc chắn không giống với Chiến Thần. Vẫn là những pha combat mãn nhãn, kiến thức chuyên sâu và cái thời trung cổ ấy, nhưng thay vì đánh trận, đấu trí, điều quân, Lãng Khách sẽ đi sâu vào cái thế giới của những kẻ lang thang, chu du thế giới.

3. Kuzu - Tử tế nhưng không muốn ai biết
Với tôi, Kuzu chính là nhân vật hay nhất Lãng Khách đến hiện tại. Không phải vì Kuzu là nhân vật chính, mà vì gã là nhân vật tâm lý phức tạp nhất, sâu nhất và được đầu tư nhiều nhất.

Kuzu, tên thật là Vento, người Giả Kim quốc. Còn Kuzu chỉ là biệt danh, có vẻ nghĩa hay liên quan đến cái tính lông bông, thích gì làm đó của gã. Dù Vento mới lên tên đúng, nhưng trong truyện cái tên Kuzu mới lên cái tên hay được dùng nhất. Thế nên, xuyên suốt review phân tích, cho phép tôi dùng Kuzu thay vì Vento nhé!

Ngoại hình Kuzu trong truyện được khắc họa khá luộm thuộm như râu cạo ẩu, đầu tóc bù xù, giáp mặc xộc xệch,... Nhưng, bê bối chưa bao giờ xuất hiện trong công việc hắn làm. Rõ nhất là cái thói kỹ có phần quá đáng của tay này. Có một chuyến “tìm thú cưng” mà hắn mang nào là chầy, đũa phép, đá phát sáng, khăn che mặt, đồng hồ, thuốc đuổi bọ và cả… khô bò. Tuy nhiên, cũng nhờ cái thói này mà cả nhóm được hắn cứu nhiều phen. Qua đấy mới thấy, chẳng có gì hắn mang là thừa cả. Mà kỹ thì kỹ, hắn làm sao mà kỹ nếu hắn thiếu kiến thức. Và biết nhiều lại chính là một trong những điểm cực mạnh của Kuzu. Chuột, bộ, Cổ Long, hắn biết. Chú thuật, hắn biết. Lễ nghi cầu siêu, hắn biết. Nhìn riết, tôi thấy thanh niên Kuzu này cứ toàn năng kiểu gì ấy. Bên cạnh điểm cộng kỹ càng trong khâu chuẩn bị cùng kiến thức uyên bác thì hắn còn có cái tài trong đàm phán và nói chuyện. Bao nhiêu vụ đàm phán với xung đột đã được Kuzu giải quyết ổn thỏa. Để thấy rõ hắn giỏi đàm phán ra sao thì cái vụ Kuzu tống tiền nhà Flamespark là ví dụ rõ ràng và dễ hiểu nhất. Biết là nhiệm vụ này nó rẻ mạt, nhưng việc hắn đòi thêm 6 fundamental là quá điên khùng. Đó là chỉ nếu gã không biết được mặt trái của nhà Flamespark - buôn hàng lậu. Thế là, từ khi gã ngửa bài là kết quả đã ngã ngũ, 6 đồng fundamental chui tọt vào túi hắn.

Song song với việc Kuzu giỏi làm ăn và đàm phán, hắn còn ăn nói rất “có duyên” nữa. “Có duyên” đến nỗi mà hội chị em phải điêu đứng. “Có duyên” đến nỗi cánh mày râu phải rụng rời. Không tin thì mời quý vị xem:

[“Nếu một đứa vô danh như tôi mà khiến cô lo lắng đến thế, vậy… Cô có thích tôi không? Tôi thì rất thích những người mang dòng máu tiên á. Sợ tôi chết uổng thì trước khi tôi đi, cô cho tôi một đứa con nhé?” – Kuzu cười khả ố, buông lời tán tỉnh hết sức thô thiển đi thẳng luôn vào vấn đề.

“Gì chứ?” – Lyrael trợn mắt, chồm lên như muốn đánh nhau vậy.

“Cô biết không? Tôi chọn cái nghề này vì tôi thấy tương lai của mình vô định á, dự là cũng sẽ chết ở xó xỉnh nào đó thôi. Nếu được một ai quan tâm và sẵn sàng bên cạnh, tôi bỏ nghề liền, kiếm việc gì ổn định mà làm thay, tại vì khi ấy tôi có mục tiêu cụ thể là sống hạnh phúc với người ta rồi. Cô cho tôi cơ hội nhé? Cô mà gật thì xong vụ này tôi bỏ nghề liền.” – Kuzu cười tiếp cái nụ cười ban nãy, đã thế còn luyến láy cái điệu cười theo cách đê tiện hơn, nói ra nỗi niềm hạnh phúc mà gã mơ ước nhưng nó chẳng văn vẻ tí nào. Thô kệch và trần trụi đến mức hai người kia còn thấy ngại giùm gã chứ chẳng thấy cảm động gì cho cam.

“Được, anh muốn đi chết thì tôi chiều. Đợi đó, tôi lên nhiệm vụ cho.”

Lyrael hậm hực, lườm Kuzu thêm cái nữa rồi bắt đầu lấy giấy bút ra viết, ánh mắt bơ đẹp luôn gã.]
(Chương 3, Tập 1, Lãng Khách, Bakery)

Đấy. Gã nói chuyện rất “có duyên”. Hỏi sao cuộc đời cứ lông bông, đi đây đi đó, không ở lâu được… Đùa tí thôi, chứ tay Kuzu mồm hỗn khỏi nói, nhưng được cái là lời hắn nói ra thì thường đều có mục đích cả. Giống như trong đoạn trích trên, biết là cách giải quyết vấn đề hơi cục súc, nhưng Kuzu đã thành công khiến cho cô lễ tân tiên tộc giao cho mình nhiệm vụ tìm kỷ vật của nhóm dũng sĩ cho mình. Tính ra, tôi cũng nể Kuzu đấy, không phải ai cũng có thể nói tỉnh bơ như gã đâu.

Mặc dù có cái mỏ cực hỗn, cái ngoại hình như đấm vào mắt và cái thói chọc chó khó bỏ, nhưng Kuzu là một người tốt đích thực. Nhưng khổ cái là cái cách hắn giúp người ta cứ sao sao ấy, lời lẽ rất khó nghe, đôi khi còn động chạm, còn không thì gã cũng cố giúp thật âm thầm, chẳng để ai biết cả. Ví dụ trong việc khuyên can Otrael và Vesna hãy bỏ nghề lãng khách thì hắn cũng phải nói lời động chạm người ta cho bằng được, đặc biệt là Vesna. Hay sau nhiệm vụ “tìm thú cưng”, miệng thì nói không chơi chung với Otrael và Vesna nữa, chứ Kuzu cũng dắt cả hai đi mua đồ, khuyên một lượt, rồi tặng mỗi đứa 2 đồng fundamental. Thật sự lúc đầu khi thấy Kuzu đòi ông quản gia nhà Flamespark 6 đồng thì tôi còn nghĩ tay này cũng thuộc dạng tham lam lắm đây. Nhưng qua từng đoạn, từng đoạn, tôi càng thấy được nhiều khía cạnh của Kuzu. Chẳng hạn như, ngay trong chính chương hai, khi bắt gặp song thân của nàng hầu vắn số Mio, Kuzu không những không thừa nước đục thả câu mà đòi thêm khoản phí “nho nhỏ”. Ngược lại, gã còn bí mật cho tiền họ, tiếc là không qua được mắt ông quản gia. Hay trong nhiệm vụ tìm kỷ vật vừa đề cập, tuy được ứng trước hẳn 5 fundamental, lúc sau gã chỉ lấy tiền ứng trước là 2 fundamental và lấy 3 đồng còn lại khi nhiệm vụ hoàn tất. Tiện thể, trong lúc nói chuyện với cô nàng trinh sát Viena về nhiệm vụ, ta còn thấy được sự tinh tế của Kuzu khi để ý mọi xúc cảm trên gương mặt cô mà có nhiều hành động đáp trả phù hợp. Hành động tôi thấy ưng ý nhất chính là rót sữa đậu nành và mời Viena uống. Hành động thoạt nhìn đơn giản, nhưng ẩn trong đó hàm chứa bao nhiêu sự tinh tế và quan tâm. Liệu có mấy ai có hành động như thế vào lúc ấy như tên này chứ?

Phân tích Kuzu sơ thế này mà còn khiến chính cái đứa đang viết review là tôi đây phải sửng sốt. Tâm lý của tay này quá phức tạp. Như tôi phân tích, mỗi hành vi của gã đều liên quan chặt chẽ đến cái nết của hắn. Chính những điều này đã khiến tôi phải cho Kuzu vào danh sách những nhân vật yêu thích của bản thân. Hy vọng sau khi xem những phân tích của tôi, thanh niên trong ánh mắt quý vị sẽ thay đổi.

Cái này tính ra tôi định làm dài hơn, nhưng dung lượng vè Kuzu đã quá lớn rồi. Thế nên, tôi sẽ trình bày ngắn gọn thôi. Có thể đây chỉ là cảm giác của mình tôi mà thôi. Chứ tôi cảm giác Kuzu và Ventus mang quá nhiều khía cạnh dáng dấp, tính cách và tư duy khá tương đồng nhau đến mức tôi còn có cả một thuyết âm mưu “Kuzu là hậu duệ của Ventus?”, thậm chí có phần quá đáng là “Kuzu là Ventus?”. Tất nhiên, đó chỉ là suy nghĩ của tôi và cái này chưa có bằng chứng gì rõ ràng, trừ việc tôi nhớ có một lần bác Bakery nói rằng trong tương lai, Ventus sẽ trở thành kẻ lang thang.

4. Vesna - nàng tiểu thư khó ưa hay dễ mến?
Còn nhân vật tôi ấn tượng thứ hai ở Lãng Khách chính là Vesna. Nếu mà so về độ sâu thì Vesna không thể nào bằng Kuzu được. Dù sao Vesna cũng chỉ mới làm lãng khách mà thôi. Thế nên, khác với Kuzu, cái tôi ấn tượng ở cô nàng chính là sự chững chạc pha chút gì đó xấc láo. Để tiện làm rõ sức hút của Vesna, chúng ta cùng phân tích sâu luôn nhé.

Là một phù thủy cũng như một quý tộc, Vesna chắc chắn sẽ ăn diện sang trọng rồi. Cô mặc một bộ pháp sư lam đen diêm dúa và chiếc mỹ đen chóp nhọn rộng vành cùng trang bị là một cây trượng phép đắt tiền. Nhân tiện, chính vì ăn mặc diêm dúa mà cô nàng bị Kuzu một phen cười vào mặt.

Về thân thế và quá khứ của Vesna thì tôi cũng thấy bình thường. Một nàng quý tộc vì không muốn cưới chồng mà đã trốn nhà đi làm lãng khách. Đây là cái motip chẳng gì mới mẻ nữa. Nhưng, đó là hiện tại, chứ nếu tác giả biết cách khai thác thì vẫn có thể hay nhé. Có cái giờ tôi nói bình thường do bác Bakery chưa có khai thác sâu về quá khứ Vesna mà thôi.

Nói về tính cách cô nàng thì khá là khó ưa. Thoạt đầu, lúc mới gặp Kuzu, do cô nàng chưa biết rõ Kuzu ra sao nên lúc đầu bị khịa là cô nàng đớp lại ngay. Tất nhiên thôi, ai gặp tên Kuzu thì không quạu và không đớp lại mới lạ. Thần thái cô nàng tự tin vậy đấy, nhưng động tới đánh nhau thì run quặp giò… Biết đó là bình thường nếu ai mới lần đầu chiến đấu, nhưng sai là sai. Mắc một lỗi trong một trận chiến không chỉ gây nguy hiểm cho tính mạng bản thân, mà cả đồng đội nữa. Và cô nàng đã bóp cả đội thật, bóp mạnh, chứ không đùa đâu. Vì quá rối trí mà trong lúc chiến đấu, cô nàng đã dùng hỏa thuật trong khu ống cống. Còn vụ nổ trong cống thì quá nguy hiểm rồi. Một là có thể đốt hết dưỡng khí, hai là xung lực nó chỉ có hai hướng đi. Tiện để nói rõ về độ nguy hiểm của việc này thì tôi cũng bổ sung luôn. Chỗ ống cống là cái chỗ bao nhiêu thứ rác thải cũng như xác chết đổ xuống và phân hủy. Đặc biệt, trong truyện thì xác ở đây nhiều vô kể rồi. Nội mấy cái xác chuột với bọ là cũng đầy ra rồi. Thế nên, khí metan tích tụ là cực nhiều. Thử nổ 1 phát xem, xui xui là chết không còn cái xác. Nếu không chết thì cũng có khả năng sập cống. Vì vậy, không dùng phép nổ trong cống có thể nói là thường thức. Ấy thế, cô nàng Vesna hậu đậu lại phạm chính cái điều cấm kỵ bậc nhất ấy. Nếu lúc đó Kuzu không phản ứng kịp là chết cả lũ rồi.

Báo đội là thế, nhưng Vesna được cái là cô nàng chịu nhìn nhận lỗi sai và thay đổi bản thân. Thế nên, từ khó gần, ta cũng phần nào thấy cô nàng dễ mến. Chính qua nhiệm vụ “tìm thú cưng” mà cách đối xử của Vesna với Kuzu cũng khác hẳn. Dù lâu lâu cô nàng cũng trách cứ và nổi điên với cái cách hắn sống và làm việc như cách dùng đá ma thuật ấy, nhưng ngoài ra thì Kuzu kêu cái gì thì Vesna cũng ngoan ngoãn làm theo cả.

Mà thứ làm cho Vesna trở nên dễ mến còn có góp phần không nhỏ của cái tài diễn tả tâm loạn hỗn loạn Vesna của tác giả Bakery:

[… Riêng con thứ ba, bằng một hành động khó hiểu, nó không bỏ chạy mà lao đến Vesna trước đôi mắt trợn tròn của cô. Nó đủ nhanh để khiến cô pháp sư trẻ tuổi không kịp phản ứng, và cũng chẳng có tí kinh nghiệm gì để phản ứng. Việc duy nhất Vesna có thể làm là vung tay gạt mõm thứ sinh vật kia lúc nó chồm đến mình. Con chuột khựng lại, lắc cái đầu nhọn hoắt đầy ria và đất bùn cống bẩn thỉu khi nữ pháp sư ngã đập mông xuống nền đá. Không còn cách nào khác, Kuzu lấy hết sức lực và năng lượng để chạy đến chỗ Vesna, nắm lấy đuôi con chuột rồi quật mạnh nó vào tường. Chưa dừng lại ở đó, gã tung chân bồi thêm một cú đạp gọn gàng đầy bạo lực. Tiếp sau đó chỉ có tiếng xương vỡ và đống thịt lông xám nằm giãy đành đạch trong vũng máu với cái đầu tam giác chẳng còn nguyên vẹn.

“Làm gì đi chứ?” – Kuzu gằn giọng, Vesna thì giật thót. Cô không có thời gian để hét lên trước cảnh tượng vừa xảy ra vì sự sốc “văn hóa nghề” còn đáng sợ hơn. Trong thoáng chốc, cô gái trẻ thoảng qua một suy nghĩ “đây là nghề lãng khách sao?”

“Ờ thì làm, nhưng mà làm gì giờ?” – Vesna trong lòng như muốn khóc đến nơi. Trường hợp này khiến cô quá rối để xử lý.

Kuzu quay trở lại cuộc chiến, vẫn tay vung tay đẩy. Bầy chuột thật đông, thật hỗn loạn và khó đoán. Đằng sau tấm màn đen trước mặt, liệu chúng có đông đến mức chỉ cần mỗi con nhích lên một bước là đủ đè chết cả ba với cơ thể đầy bẩn thỉu hôi hám của chúng không? Vesna cứ suy nghĩ mãi, đôi tay vận phép mà vẫn chẳng niệm được một câu. Cô tự hỏi rốt cuộc thì những thứ cô học ở trường áp dụng cho tình huống hiện tại ra sao đây?

Phải rồi, cô phải vô hiệu tất cả chúng nó, cô phải khiến chúng nó không còn nguy hiểm nữa. Phải làm thế thôi! – Cô gái quyết định như vậy.]
(Chương 1, Tập 1, Lãng Khách, Bakery)

Từ đầu, Kuzu đã cảnh báo Vesna về việc không được dùng hỏa thuật ở đây, mà chỉ nên dùng thổ hay thủy mà thôi. Nhưng chính trong tình tiết, ta thấy rõ được cái là gọi là sốc “văn hóa nghề”. Như tôi đã nói, ai trong tình huống này mà không bị quáng mới lạ. Nhưng cái Bakery thành công chính là có thể khiến độc giả hiểu được Vesna hỗn loạn cỡ nào. Trong lúc ấy, trong đầu cô chẳng biết làm gì. Để rồi, đỉnh điểm cô đã dùng phép mà mình quen dùng là hỏa thuật để thiêu rụi mọi cái mà cô gọi là nguy hiểm. Thật sự đọc tình tiết này mà tôi cực kỳ mê luôn ấy. Đó chính là một trong các lý do khiến tôi thích Vesna, một cô nàng tiểu thư đanh đá, nhưng không kém phần dễ thương.

5. Hệ thống nhân vật rộng và sâu
Sau khi giới thiệu cho quý vị hai nhân vật mà tôi thấy ưng ý nhất Lãng Khách thì tôi thấy mình cũng quá đào sâu về nhân vật rồi. Nhưng nếu chỉ nói qua hai nhân vật thôi thì phí quá. Vì sao? Vì hệ thống nhân vật của Lãng Khách phải nói là rộng và đặc biệt là sâu cực kỳ. Vì vậy, ở phần này, tôi sẽ nói qua một lượt tổng thể về nhân vật trong Lãng Khách nhé.

Tương tự như Kuzu và Vesna, mỗi nhân vật trong Lãng Khách đều có một quá khứ, tính cách và ngoại hình. Nhưng cái đặc biệt ở đây là tác giả Bakery không làm cho ai giống ai cả. Mỗi một người đều có đặc trưng riêng không thể nhầm đi đâu được. Mặc cho khởi đầu thì một số nhân vật nhìn khá giống là NPC. Nhưng đó không phải là do bác Bakery viết tệ mà do lúc đó chưa cần thiết để tạo điểm nhấn. Chứ qua vài chương thì đặc trưng tính cách, suy nghĩ của các nhân vật được bộc lộ rõ. Nhất là khi có xung đột giữa các nhân vật với nhau thì cái tôi của nhân vật càng thể hiện rõ. Bởi vậy mới có thể thấy, nhân vật chính là một trong những yếu tố đã làm nên sức hút vượt trội của Lãng Khách.

6. Nghề lãng khách - cái giá rẻ mạt của danh dự và mạng sống
Từ khúc mở đầu, chính Phong Linh cũng đã nói về cái nghề lãng khách này như sau:

[Những kẻ “dở người” lang thang khắp chốn tập hợp về đây tìm kiếm những gì chúng đang mong đợi. Những kẻ mới bước vào đời cũng mong muốn thử vận may. Ước muốn, tham vọng từ nhỏ nhoi cho đến “vĩ đại” đều có. Một đội quân ô hợp được quản lý và trả thù lao, miễn là có yêu cầu, chúng sẽ không ngần ngại, kể là khi có bỏ lại tính mạng của mình.

… Nói nghe ghê gớm thế thôi, chứ cũng như bao Trấn bộ hành khác, nơi này là nơi tập hợp của những kẻ lang thang có chút tài cán mà những người có tiền sẵn sàng móc hầu bao ra thuê chúng làm việc cho mình, những bản hợp đồng ngắn hạn hay dài hạn đều có. Miễn không phải dính líu gì đến những chuyện quá nhạy cảm cùng mức tiền hợp lý, chẳng có gì khó khăn cho Lữ quán Lapis cả.]
(Chương 1, Tập 1, Lãng Khách, Bakery)

Và qua những phân tích ở phía trên, chúng ta càng thấy rõ được cái bản chất của cái nghề lãng khách này. Mỗi một nhiệm vụ các lãng khách làm thoạt nhìn đơn giản, chứ họ lúc nào cũng đem cả tính mạng của mình ra để đặt cược. Bằng chứng rõ nhất là ở chương 3, dù nhóm dũng sĩ không hề yếu, nhưng chỉ một chốc thiếu cảnh giác, hay chỉ đơn giản là xui xẻo, họ đã mất mạng như chơi. Cả nhóm năm người mà chết hết bốn người. Chỉ còn lại mỗi Viena là sống sót trở về. Đến lúc cô về thì cô đùng đùng đòi hội đi săn con Cổ Long đã giết đồng đội của cô. Nhưng hội không chịu, thế là cô nguyện dốc hết tài sản của mình để cho ai giết được con rồng đó. Đến lúc đó, cái cô nhận về chỉ là những ánh mắt thương cảm. Cuối cùng, cô nàng tuyệt vọng đến mức vẫn giữ cái giá đó mà chỉ cần tìm cho cô những kỷ vật của đồng đội mình mà thôi. Nếu lúc đó Kuzu không giơ tay và chấp nhận nhiệm vụ thì tôi e là cô nàng Viena đã sống chết đi giết con rồng đó rồi. Không thì cô sẽ kiếm những sự trợ giúp khác và có khả năng bị lợi dụng và lừa gạt. Nói chung, nhìn qua, nếu cái kịch bản này mà diễn ra thì khả năng cao chẳng thể có cái kết đẹp nào có thể đến với nữ trinh sát cả. Qua cái ví dụ này, tôi chỉ muốn nói là giá của mạng người và danh dự trong giới lãng khách rẻ mạt. Phải, là rẻ mạt đấy. Mạng lãng khách, họ được quy ra bằng những con số tiền họ nhận được từ chủ nhiệm vụ. Còn nếu họ thất bại thì sao? Thì chỉ đơn giản là họ chết và chẳng khác gì một đống thịt chả còn giá trị lợi dụng. Có khi họ chết mà còn chẳng được toàn thây. Có khi họ chết mà đến cái xác còn không về được với người thân, bạn bè. Danh dự trong cái nghề lãng khách thì kiếm đã khó, giữ còn khó hơn. Trường hợp Viena là còn may mắn được Kuzu giúp đỡ và giữ được chút thể diện. Nhưng Aerin không may mắn như thế. Cô sinh ra đã là hắc tiên, một dòng tộc bị khinh ghét trong Lãng Khách. Không những vậy, trong một lần thám hiểm, tổ đội của cô đã bị chết sạch. Còn cô thì vẫn còn sống. Nhưng cái giá là gì? Cô bị hiếp và suốt những năm tháng sau đó danh dự của cô phải nói là “thủng đáy”, chứ không phải là “chạm đáy” nữa. Ngày ngày, cô bị đám gây chuyện, mà ở đây chính là đám Greg, làm phiền mỗi ngày. Mỗi một lần, cô xuất hiện ở đâu thì y như rằng là cô bị nhục mạ, xui xui cô còn có thể bị đánh. Đấy, cái danh dự lãng khách cũng rẻ mạt thế đấy. Đôi khi, việc sống mà danh dự đã mất sạch như thế thì cái chết có vẻ còn tốt hơn bội phần.

7. Show, don’t tell - quy tắc vàng làm nên sức hút khó cưỡng của Lãng Khách
“Show, don’t tell”, một nghệ thuật được đề cập luôn luôn trong những bài review gần đây. Nhưng, tiếc ở chỗ “Show, don’t tell” được nhắc đến không phải là một kỹ năng của tác giả, mà là một thiếu sót của tác giả. Và cái kỹ năng “Show, don’t tell” nếu mà sai thì thường sẽ đi chung với lỗi “Info dump”. Và sự thật đáng buồn là hết 15 20 bài review thì đã có hết 14 19 bài là chê tác giả không biết dùng “Show, don’t tell” và mắc lỗi “Info dump” rồi.

Nhưng, Lãng Khách không giống như thế. Nếu điểm trừ lớn của các tác phẩm của những tân tác giả hiện nay là chỉ biết “tell” thì hoàn toàn trái ngược, thứ đã làm nên tên tuổi của Lãng Khách chính là “Show, don’t tell”.

Xuyên suốt Lãng Khách, các đoạn info được rải đều dọc các chương, vừa đủ để tô điểm và giải thích cho các tình tiết trong truyện. Ví dụ:

[Có lẽ đây là khoảnh khắc đầu đời vừa lạ lẫm, vừa kinh hãi của cặp đôi đứng sau lưng gã đội trưởng kỳ dị. Chẳng phải tự dưng người ta gọi chúng là “chuột khổng lồ”. Cái thân hình mang bộ lông xám của loài gặm nhấm kia rất quen thuộc với cuộc sống hằng ngày khi mọi người vô tình bắt gặp chúng ở những bãi rác, đồng ruộng thì kích thước nó gấp lên nhiều lần. Có thể là gần bằng một con chó chăn cừu ở những vùng đồng cỏ biên giới phía bắc. Thế nhưng điều khủng khiếp hơn là gã kia chỉ vụt một cái thôi, con chuột bật lên một khoảng tầm đến hông của gã, máu và những thứ bầy nhầy văng ra, dù không nhiều nhưng cũng đủ để Otrael và Vesna hiểu cái gì vừa bị vỡ.]
(Chương 1, Tập 1, Lãng Khách, Bakery)

Trong đoạn trên, thật tự nhiên, tác giả Bakery đã lồng 1 đoạn info ngắn về “chuột khổng lồ” để giải thích cho độc giả cái sinh vật ấy đáng sợ cỡ nào. Và cái khúc info ấy chỉ vỏn vẹn ba câu ngắn ngủi, nhưng chỉ thế là đã đủ rồi, không cần quá chi tiết và cầu kỳ quá để làm chi. Chỉ từng đó là đủ để trí sáng tạo của độc giả giúp tác giả thêu dệt nên những màn combat tuyệt hảo.

Đấy. Không phải nếu câu chuyện mà tác giả biết dùng “Show, don’t tell” và tránh “Info dump” thì sẽ hay hơn gấp bội sao? Chúng ta có câu nói rằng “Cái gì càng dễ dàng đạt được thì sẽ càng không được trân trọng”. Và quả đúng như thế, nhìn các tác phẩm kinh điển như “Chí Phèo”, “Lão Hạc”, “Hai đứa trẻ”,... đi. Các tác phẩm này không phải đọc một lần mà hiểu và thấu được. Nhưng khi ta cảm được tác phẩm thì giá trị tác phẩm trở nên thật vĩ đại. Và trong truyện Hako cũng thế, nếu các tác giả cho ta thông tin quá dễ dàng thì ta có trân trọng không? Không, cùng lắm thì ta chỉ kiểu “Ồ, thì ra là thế” và hết. Thế nên, nếu ai đang là tác giả và đang đọc những dòng này và có mắc lỗi tương tự thì hãy nên cải thiện nhé. Nghe “Show, don’t tell” có vẻ hầm hố. Chứ thật sự nó vô cùng đơn giản khi ta chỉ cần chịu đầu tư thêm chút thời gian và chất xám là ra.

Vậy nên, giữa một rừng tác phẩm không biết vận dụng “Show, don’t tell” và thường xuyên mắc lỗi “Info dump”, Lãng Khách tự bao giờ đã trở viên ngọc quý của OLN.

8. Phong cách mới, nhưng cái chất Bakery vẫn còn đấy
Nếu ai đã từng đọc Chiến Thần thì khi đọc qua Lãng Khách, cảm giác sẽ hoàn toàn khác biệt. Vì câu chuyện là tinh hoa bao nhiêu năm của tác giả Bakery. Thật sự, khi tôi đọc Chiến Thần, không hiếm những lần tôi thấy nó bị cứng. Tất nhiên, Lãng Khách vẫn chưa hoàn toàn hết bị “cứng”, nhưng so với Chiến Thần thì đã là cải thiện lớn rồi. Hay chính trong Chiến Thần, cái tôi cảm giác khó chịu chính là tình cảm và quan hệ giữa các nhân vật. Nó rất bị gượng ép, thiếu tự nhiên. Nội việc tôi thấy ép quan hệ tình cảm giữa Ventus và Mia hay Irina và Ventus là cực kỳ thiếu tự nhiên. Cái tôi cảm giác là Mia và Irina là quá dễ dãi. Với trường hợp Mia thì do Ventus cứu 1 lần và đã biết nhau vài năm nên còn có thể hợp lý tí, nhưng Irina thì chỉ nói chuyện với Ventus đúng một lần mà thích, rồi yêu và tình nguyện làm vợ, sinh con thì hơi bị quá rồi. Tất nhiên, trong Lãng Khách, tôi vẫn chưa thấy có cặp nào được định hình rõ ràng cả. Nếu có thì chắc có Vesna và Otrael với Denzel và Aerin. Ít nhất nếu 2 cặp này có thực sự thành cặp thì vẫn sẽ tự nhiên hơn vì tác giả Bakery đã áp dụng “Show, don’t tell” thành thục hơn.

Cải thiện thì cải thiện, chứ không biến chất. Cái chất của Bakery vẫn còn đấy, nhưng sắc sảo và ngon tuyệt hơn nhiều. Vẫn là cái phong cách đùa hóm hỉnh của Chiến Thần ấy, nó vẫn xuất hiện lại trong Lãng khách. Tuy vậy, nó là bản nâng cấp cao cấp hơn. Hồi trước, đọc Chiến Thần thì tôi nói thật là những trò đùa viết khá thô và liên quan đến “ấy ấy”. Nhưng qua đây thì các trò đùa đã được tiết chế hơn, ít động chạm hơn, nhưng sát thương và độ cười vẫn còn y nguyên. Hay hồi trước, Chiến Thần theo tôi đọc thì tác giả dùng khá nhiều từ thông dụng. Nhưng trong Lãng Khách thì tôi được kha khá từ mới như “nón kepi”, “đỏ yên chi” và “vắn số” dù truyện chỉ mới đi có 40k từ. Không những vậy, truyện theo tôi cảm giác cũng nhiều kiến thức chuyên môn và dễ hiểu hơn hẳn Chiến Thần.

Tóm lại, nếu nói về phong cách Bakery bây giờ thì tôi có lẽ nhận xét là sâu lắng, hóm hỉnh, tế nhị, vừa sang trọng, mà cũng bình dị.

9. Lỗi nhỏ, không đáng kể, nhưng không thể ngó lơ
Thật sự thì tôi cũng có nói cái này với bác Bakery rồi. Nhưng nếu khen không thì chẳng ra dáng một bài review cho lắm. Thế nên, tôi cũng nên sơ lược qua các lỗi có thể bắt gặp trong truyện:

- Lỗi chính tả. Theo tôi thấy thì Lãng Khách mắc rất ít lỗi chính tả, khoảng 2 3 lỗi/ 10 ngàn từ. Nhưng lỗi là lỗi. Nếu khắc phục được nhiều hơn thì tác phẩm sẽ trở nên hay và giá trị hơn đấy.

- Câu cú thỉnh thoảng hơi sượng. Và cái phần sượng thấy rõ nhất là ở những chỗ trước thoại của nhân vật như “nói”, “thông báo”, “đáp”,... Trong phần bình luận, tác giả Bakery có giải thích với tôi rằng: [có thể không cần để "nói", "thông báo" cũng được, nhưng sẽ bắt người đọc phải tự hiểu rằng câu thoại đó là của ai. Về việc đối thoại 1-1 thì chả sao, nhưng nếu là cuộc thoại của nhiều người thì cần có sự phân biệt rõ ràng. Cái này do thói quen muốn làm rõ câu thoại nên hay viết vậy]. Theo tinh thần của Lãng Khách thì bác Bakery đã dùng “Show, don’t tell” tốt thế này thì việc giờ bác lược cũng chẳng có vấn đề gì cả. Hay là bác Bakery vẫn giữ lại cũng được, nhưng với tần suất hiện nay là vẫn quá nhiều và tôi nghĩ tác giả nên giảm thiểu lại.

10. Lời kết và đánh giá khách quan
Tua tua! Chuyến phiêu lưu đã sắp đến hồi kết. Mời quý vị xem lại chỗ ngồi của mình trước khi chúng ta dừng lại nào. Cà phê còn bao nhiêu? Mền gối liệu còn đủ? Ghế ngồi còn chắc không? Nếu xong xuôi hết rồi thì giãn gân cốt, tạm nhắm mắt, rồi nghe tôi đánh giá khách quan, tổng thể về Lãng Khách lần cuối trước khi dừng nào.

Với Bican, Lãng Khách là một tác phẩm mà độc giả ai cũng nên đọc ít nhất một lần. Tuy thể loại khá là khó đọc, nhưng nếu quý vị quen được thì đây sẽ là một nơi chốn thần tiên để mọi người khám phá và đắm chìm. Nếu ví truyện như một ly rượu thì Lãng Khách chính là một ly rượu nặng đô, hợp với những độc giả khó tính và tửu lượng cao. Nhưng điều đó không đồng nghĩa là quý vị tửu lượng thấp nên bỏ qua. Ít nhất thì ta cũng nên tập thưởng thức xem sao. Biết đâu sẽ nghiện đấy. Tuy nhiên, với những ai thích theo dõi truyện định kỳ mỗi tuần hay ngắn hơn thì Lãng Khách sẽ khó lòng đáp ứng được nhu cầu. Vì lịch ra chương của Lãng Khách thường là một chương mỗi tháng hay 2 tháng. Nhưng bù lại, công sức chờ đợi truyện luôn là đáng giá. Do mỗi chương truyện đều dài trung bình mười ngàn từ, đồng thời chất lượng của Lãng Khách luôn được tác giả Bakery đảm bảo là tốt nhất trong khả năng bản thân. Vì thế, là một độc giả OLN Hako mà không biết tới hay chưa bao giờ đọc Lãng khách thì đó chính là một hối tiếc vô cùng lớn.

Rít! Chuyến hành trình “Lãng Khách - Chốn vất vưởng của những kẻ dạt nhà” đến đây là kết thúc. Cảm ơn quý vị độc giả đã dành kha khá thời gian để đọc bài review của tôi. Nếu những ai có quan tâm đến chuyên mục [Bican và cuộc phiêu lưu đây đó] mới ra mắt của tôi thì có thể tiếp tục theo dõi nha! Trong tương lai, có thể số tiếp theo của [Bican và cuộc phiêu lưu đây đó] sẽ được đăng lên. Nhưng khi nào thì… ai biết được chứ. Nếu ai thấy bài review này hay và đáng đọc thì mời bình luận xuống phía dưới để khích lệ Bican nhé! Còn nếu quý vị nào có suy nghĩ khác và muốn phản đối luận điểm của Bican thì cứ chọi thật LỰC nhen! Tôi sẽ lắng nghe, tiếp nhận và sửa sai trong khả năng bản thân.

Cuối cùng, cũng xong. Đã gần một tuần rồi, cuối cùng Lãng Khách đã ngừng ám tôi. Vậy nhé, chào và hẹn gặp lại!

Dịch giả quèn kiêm reviewer nghiệp dư,
16:06 2/5/2025, cập nhật: 8:10 3/5/2025
Bican
Bican von Greyrat
Phan Thành Nam

Truyện sáng tác

10 Bình luận

TRANS
meme của ngươi giờ đã là của ta. muhahaha.
Xem thêm
TRANS
Bình luận đã bị xóa bởi medassin
AUTHOR
Với một bài review dài và chi tiết vậy thì tui chắc bác là một fan trung thành của bộ truyện. Thế nhưng sau khi đọc qua bài review thì tui thấy có hai điều muốn nhận xét.

First, bác lái tàu có vẻ đi lố một trạm dừng rồi, cụ thể là ga thứ 9 - thái độ tích cực của tác giả. Cái này là một bài nhận xét về truyện, cá nhân tui nghĩ bác nên tập trung vào đấy mà phân tích, còn khen hay công nhận thái độ tích cực của tác giả có thể nhắn riêng cũng được, không cần thiết phải thêm vào làm gì. Ơ nhưng điều này thì tui hiểu thôi, nếu bác thích bộ truyện nào quá thì có khi "vô tình" khen luôn tác giả trong quá trình cũng không phải lạ.

Thế thì secondly, mục show don't tell bác trích ra, cái đoạn về con chuột khổng lồ ấy. Tui không copy xuống nhưng tui nghĩ chắc bác là người lái tàu thì biết con tàu mình nó nhìn ra sao nhé. Bộ truyện Lãng Khách có show don't tell, no doubt. Thế nhưng đoạn trích bác dẫn ra trong review không thể hiện được điều đó. Đọc hai ba lần, có và không có context tui vẫn chẳng thấy được nó show hay don't tell cái gì. Thế thì nhận xét của tui là nếu bác muốn trích dẫn để thể hiện kỹ năng viết của tác giả, bác nên hiểu kỹ hơn về cái thứ mình trích dẫn để không trích tầm bậy. Vô hình chung gây ảnh hưởng tới nhận thức của người khác về bộ truyện. Tui giới thiệu bộ truyện này với người quen mình, họ đọc qua review của bác họ thấy khúc "show don't tell" mà bác trích họ lại nghĩ là tác giả không có kỹ năng mất. Như là "apple bottom jeans" vậy.



Xem thêm
CHỦ THỚT
TRANS
Hừm, ok. Có vẻ có những thứ tui viết thừa rồi. Có lẽ tui sẽ chỉnh sửa lại phần nào vậy. Cảm ơn bác đã góp ý.
Xem thêm
AUTHOR
"Apple bottom jeans" là gì vậy Hoa?
Xem thêm
Xem thêm 2 trả lời
AUTHOR
dài quá 🐧 dù sao thì cũng cảm ơn tinh thần đã đọc và tiêu hóa hết đống chữ nghĩa mà tôi viết ra. Nói chung đoán già đoán non như nào thì hãy cứ giữ trong lòng thôi chứ đừng nói ra, mất công sau này lại thành sai sự thật mà lại còn khiến những người khác khó chịu. Hako vẫn còn nhiều tác phẩm tốt đang ẩn mình, nếu bạn có thời gian rảnh, hãy dành cho họ chút thời gian và cơ hội được người khác đọc và nhận xét. Cảm ơn vì đã ghé qua chốn Lãng Khách phong trần bụi bặm của mình 🤣
Xem thêm
CHỦ THỚT
TRANS
Cảm ơn bác. Lần sau em sẽ rút kinh nghiệm. Em cũng không nghĩ mình đang đoán. Tại em chỉ đang nhìn các tình tiết trong truyện mà đoán thôi... Lần sau em sẽ để ý hơn.
Xem thêm