RED: Black Blood
Albino Sticky rice
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Volume 01 - Claymore Village.

Chương 01: Một ngày một chuyện.

2 Bình luận - Độ dài: 5,470 từ - Cập nhật:

001

Red nổi tiếng với khả năng… trùm mình trong chăn. Cứ như cậu ta đang cố hóa trang thành phiên bản hậu hiện đại của “công chúa ngủ trong rừng”, chỉ khác cái hoàng tử là một người phụ nữ, đó là tôi và không có một nụ hôn nào được trao cả.[note73230] Mà nếu như có thì Red cũng không thích đâu.

Tuyết rơi dày đặc và tiếng ngáy đủ sức làm rung cửa kính phòng tôi.

Thật sự, nếu được trao quyền, tôi sẽ đề cử Red làm biểu tượng mùa đông quốc gia — đại diện cho những linh hồn kiên trì với giấc ngủ đến tận khi mùa xuân bật đồng hồ báo thức.

Giấc ngủ đó có thể kéo dài cả mùa đông, hoặc chỉ nửa mùa thôi, tùy theo lượng lương thực trong kho của nhà tôi — hay chính xác hơn, kho nhà bố tôi. Đáng buồn là nhà tôi không phải trạm tiếp tế của Liên Hiệp Quốc, nên thường thì, Red phải thức dậy giữa chừng. Bi kịch.

Và ngày nào cũng vậy, như một nghi lễ tôn giáo méo mó, tôi lại phải thực hiện nhiệm vụ đánh thức sinh vật hình người — cục bông ngái ngủ, thứ cản đường tôi đến trường đúng giờ từ thời tiền sử.

“Sao ngày nào cậu cũng phải để tớ đánh thức thế? Việc ngủ quan trọng đến mức mà cậu phải đánh đổi cả mùa đông cùng quà giáng sinh à!?”

Tôi than phiền. Thật đấy. Ai mà không phiền khi sáng nào cũng phải giật chăn của một đứa ôm nó như một cái thẻ bảo hiểm sinh mệnh? Cậu ta bấu lấy chăn như kiểu nếu để tuột ra thì ngay lập tức sẽ bị triệu hồi đến địa ngục trần gian, hoặc ít nhất là bị sóng thần cao tám mét cuốn đi.

Tôi không đùa đâu. Có lần tôi lỡ làm bung chăn quá đột ngột, và Red… rên rỉ như bị trúng phép đau tim. Tôi cảm thấy có lỗi. Nhưng rồi tôi quen.

Tôi quen với việc phải dậy sớm hơn, quen với việc kéo chăn, quen với tiếng càm ràm, và quen với… việc tắm cho Red mỗi sáng. Đúng, bạn không nghe nhầm đâu. Tôi — người bình thường, học sinh trung học, tắm cho Red — sinh vật không biết tự động viên bản thân mà rời khỏi giường.

Tôi có thấy ghét việc đó không?

Không. À thì, cũng không hẳn là không ghét. Mà thật ra, tôi thích. Vì Red dễ thương. Đáng yêu một cách khó hiểu, như thể việc tồn tại của cậu ta là để phá vỡ định nghĩa về “phiền toái”.

“Hôm nay là chủ nhật mà.”

Câu thần chú được cậu ta thì thầm như một phản xạ sinh tồn, y như mọi buổi sáng khác, bất kể lịch có ghi là thứ hai hay tận thế.

Tôi nghe mãi thành quen. Người lạ có thể lăn tăn, còn tôi thì miễn nhiễm. Mười hai năm sống cùng nhau, câu nói đó giờ chẳng khác gì bài nhạc chuông của đời tôi. Không thể tắt, không thể bỏ qua, chỉ có thể nghe rồi tiếp tục kéo chăn ra và bắt đầu một buổi sáng như mọi buổi sáng.

Tôi thả lỏng cơ thể. Không phải vì mỏi, mà vì chiến thuật.

Một bí kíp gia truyền. Bí kíp kéo lưới mà mẹ tôi truyền lại trước khi bỏ nhà đi theo gánh xiếc rong.

“Con cá không cắn câu ngay đâu, phải cho nó tưởng mình bỏ cuộc. Lúc đó, nó mới dám giãy. Và đúng lúc ấy, con giật thật mạnh.” — đại ý là vậy.

Tôi, dĩ nhiên, áp dụng nguyên tắc ấy vào một việc không hề liên quan đến đánh cá: giật chăn của Red.

"Oái!"

Tiếng hét của cậu ta như vừa bị ngã từ cầu thang tầng hai xuống tầng một. Cậu ta rơi bịch xuống sàn với hiệu ứng âm thanh chân thực, không cần chỉnh sửa hậu kỳ. Nằm luôn ở đó, không phản ứng, không rên rỉ — như một con cá chết trôi tận mép sói.

Tấm chăn — chiến lợi phẩm — nằm gọn trong tay tôi, chưa đầy một giây sau cú giật. Tôi giơ hai tay lên trời như dấu hiệu chứng minh bản thân vừa giành chiến thắng.

Tôi kéo Red vào phòng tắm như kéo bao gạo. Thành tựu nhỏ đầu mùa đông này khiến tôi phấn khích như trẻ con được lì xì sớm.

Tôi đã nói rồi: đây là phần duy nhất tôi thực sự thích. Và nếu tôi đã nói rồi thì không cần lặp lại nữa. Nhưng tôi vẫn sẽ nhắc lại, vì tôi thích cái cảm giác có thể làm điều mình muốn.

Từng lớp vải được lột ra như thể tôi là một ả biến thái chớp thời cơ đối phương không thể phản kháng mà làm chuyện xàm bậy. Một việc chẳng nên tự hào, nhưng cũng không đáng để giấu. Vì Red là Red. Và cậu ta thì vẫn… không chịu tỉnh ngủ.

Tôi bật vòi sen. Nước nóng xả xuống như mưa nhiệt đới giữa mùa đông Bắc Cực. Red ngồi gọn trong lòng tôi như một con thú bông kích cỡ người thật. Không phản kháng, không nói gì, không làm gì cả. Cậu ta chỉ ngồi đó, mắt lim dim, đầu gục nhẹ. Trông như một bản mô phỏng lỗi của con người.

Mọi thứ diễn ra như thường lệ. Nhưng thường lệ này có một điểm lệch nhỏ: mùa đông.

Mùa đông thì tôi sẽ không tắm chung với Red. Không phải vì lạnh, mà vì lười. Và cũng không phải vì ngại… thật ra thì lúc nào cũng ngại, mà đã nghiện lại còn ngại thì người đời cười chê. Vì tôi thì mặc đồ lót, lần nào cũng vậy. Red thì không. Bạn biết đấy — có những điều trong cuộc sống không cần được nhìn thấy mỗi sáng sớm khi tinh thần còn mong manh.

Mặc đồ lót khi tắm nước nóng là một trải nghiệm kỳ quặc. Nhưng mặc kệ — nếu đó là cái giá để được trải nghiệm dịch vụ chăm sóc tinh thần với nhân viên phục vụ là cái “cục màu xám đáng yêu” này thì tôi sẵn lòng.

“Tại sao lúc nào cậu cũng cởi hết quần áo của tớ còn cậu thì không vậy?”

Red lên tiếng. Giọng vẫn còn ngái ngủ, nhưng câu hỏi thì rất tỉnh.

Thành thật mà nói, câu này dễ trả lời đến mức tôi suýt bật cười. Cậu ta chỉ cần động não hai giây là hiểu ra. Nhưng Red là Red — cậu ta thích hỏi những câu khiến người ta phải tự xét lại đạo đức của bản thân.

“Ít nhất thì cũng phải chừa lại cho tớ cái gì chứ. Chỉ có mình tớ trần như nhộng, thật sự làm tớ thấy… không ổn.”

Tôi nghiêng đầu.

“Không ổn ở đây của cậu là gì?”

Red rướn người lên, mắt mở hẳn, đôi má hồng lên vì hơi nước nóng hoặc vì cái gì đó khác.

“Cậu có thể soi hàng của tớ tùy ý, nhưng ngược lại thì không.”

Được rồi, có lẽ lần tới tôi sẽ mang cả kính râm hay bịt mắt gì đó vào phòng tắm.

Nhưng mà này… nếu cả hai cùng mặc đồ lót khi tắm thì chẳng phải tiện hơn sao?

Cùng nhau, bình đẳng, công bằng. Một thế giới lý tưởng nơi mà không ai phải xấu hổ vì bị tia hàng. Không thiên vị, không kỳ thị, không có chuyện “soi hàng một chiều”.

…Ờ thì, nói vậy thôi. Chưa chắc Red chịu mặc. Mặc đồ lót để tắm thì nghe chẳng khác gì mặc áo mưa để bơi. Mà cậu ta là kiểu người sẽ thực sự làm vậy nếu thấy người khác làm trước, nên chắc cũng ổn nhỉ?

Thôi, tạm gác vấn đề triết học về đồ lót lại sau đi. Tắm là để thư giãn. Không phải để mở toang nắp não ra suy ngẫm về nhân quyền hay gì đó.

Quá trình làm sạch — một từ mỹ miều cho “kéo nhau vào tắm” — thường kéo dài từ sáu phút (nếu sắp trễ học) đến ba mươi phút (nếu có tâm trạng). Hôm nay là hai mươi. Một con số đẹp. Vừa đủ để không cảm thấy gấp gáp, nhưng cũng không quá xa đà vào những “tai nạn ngẫu nhiên có chủ ý”.

“Tớ đi ra trước đây.”

Red là người ra khỏi bồn đầu tiên. Lúc nào cũng vậy. Lấy chiếc khăn tắm quấn quanh eo, không cần nhìn cũng biết cậu ta quấn chính xác một vòng rưỡi — vừa đủ che, vừa đủ khiến người ta muốn liếc thêm lần nữa. Không rõ cậu ta có cố ý không. Thôi kệ.

Red rời khỏi phòng tắm. Không chào, không quay đầu. Như vừa hoàn thành một nhiệm vụ được giao bởi chính phủ ngầm nào đó.

Tôi thì vẫn ngồi lại, ngâm người thêm năm phút.

Cuối cùng thì tôi cũng đứng dậy, cởi bộ đồ lót ướt sũng do ngâm nước quá lâu. Lấy khăn lau những chỗ chưa được làm sạch hoàn toàn. Sau đó, tôi mặc đồng phục vào — ngay tại đó. Đúng rồi, trong phòng tắm luôn.

Soi mình trong gương, tôi thấy… ừm, dễ thương.

Tôi biết, tôi biết. Tự luyến là căn bệnh thời đại. Nhưng cũng đâu ai cấm tôi ngắm bản thân một chút? Con người cần được yêu thương, kể cả là bởi chính mình.

Tôi chỉnh đồng phục, buộc tóc lên. Gọi là đuôi ngựa thì nghe ngầu quá. Với độ dài tóc của tôi, có khi gọi là đuôi gà thì hợp hơn. Gà mái tơ, gà công nghiệp, gà chiến — gì cũng được. Miễn là buộc lên được.

“Bắt đầu cho một ngày mới nào… ai lại nói vậy trước gương chứ, hì hì.”

59ff037c-4571-41cd-a013-1690f0ebcfd5.jpg

Tôi cười một mình. Không phải kiểu cười vì vui, mà là kiểu "tôi biết mình đang làm điều kỳ cục nhưng tôi vẫn sẽ làm, sao lại không chứ?" — cười. Tôi nhìn vào chính mình trong gương, và tưởng tượng mình là diễn viên đang quay cảnh mở đầu cho một bộ phim học đường nào đó. Một bộ phim có lẽ không ai chiếu, nhưng tôi vẫn đang đóng vai chính.

Tôi đã nghĩ, nếu nói vậy vào buổi sáng thì có thể mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn. Kiểu như một nghi thức cầu may phiên bản thiếu kinh phí. Không cần bùa chú, không cần bánh mì bơ đậu phộng, chỉ cần một câu thoại phim và một cái gương.

Mà cũng đâu có gì sai đâu, đúng không? Dù sao thì tôi vẫn phải bắt đầu ngày mới. Ít nhất là bắt đầu bằng một câu thoại kỳ cục.

002

Quán mì quen thuộc.

Hai mươi hai năm gắn bó.

Với gia đình tôi, nó không đơn giản là một nơi bán đồ ăn, mà là một biểu tượng sinh tồn. Một thánh địa chống đói. Một pháo đài tinh thần giữa chiến trường cơm trắng với rau luộc không gia vị.

Bố tôi từng kể: nếu không có quán mì này, nhà Colorver có lẽ đã tan rã vì… chán cơm. Đúng vậy, không phải vì nợ nần hay bi kịch, mà vì cơm trắng quá nhiều. Một nguyên nhân tan cửa nát nhà nghe có vẻ nhảm nhí, ừ thì đúng là nó nhảm nhí thật.

Nhưng trên đời thì chẳng có gì là không thể. Đến cả một cái xô còn có thể gây ra chiến tranh thì nói gì đến việc chán cơm.

Và giờ, tôi đến đây mỗi sáng. Dù là thứ hai đầu tuần, chủ nhật cuối tháng, hay cả ngày tận thế, tôi vẫn ghé. Quán mì này là trạm sạc buổi sáng của tôi.

“Cho hai tô mì buổi sáng nào, chủ quán!”

Tôi giơ tay, làm ký hiệu hòa bình. Hoặc là “V” chiến thắng. Hoặc là “hai tô nhé” nếu bạn muốn thực dụng. Biểu tượng có thể có nhiều nghĩa, tùy vào mức độ đói.

Như mọi khi, cô chủ quán mỉm cười rạng rỡ. Cô ấy luôn bận bịu. Lúc thì lau nhà, lúc rửa bát, lúc ôm một đống giấy tờ như hôm nay. Nụ cười ấy vẫn sáng như đèn neon dù cho đời có đổ lên đầu cô bao nhiêu trách nhiệm.

“Hai đứa ngồi vào ghế đi. Con yêu, làm hai suất cho khách quý của chúng ta nào.”

Khách quý!?

Tôi khựng lại nửa giây. Mười hai năm ăn mì không nghỉ một buổi nào — cuối cùng cũng được phong danh hiệu “khách quý”. Không đến mức mừng rơi nước mắt, nhưng cũng vui ngang cái lần tôi được bầu làm lớp trưởng sau nhiều năm làm lớp phó… rồi hối hận hai tháng sau đó vì lớp trưởng thực ra chỉ là lớp phó nhưng chịu trách nhiệm gấp đôi.

Hai tô mì được mang ra. Cô con gái của chủ quán vội vã chạy bàn, khiến tôi có chút lo sợ nước dùng sẽ rơi xuống đùi mình bất kỳ lúc nào. Mì vẫn chưa đổ, nên hôm nay là một ngày tốt lành.

“Hôm nay quán có vẻ đông hơn bình thường. Có gì đặc biệt sao?”

Red lên tiếng. Một câu hỏi đơn giản, nhưng đúng trọng tâm. Cậu ta luôn có tài đặt đúng câu hỏi vào đúng thời điểm. Trong khi tôi thì... giỏi tạo vấn đề hơn là hỏi han.

“À, không biết sao tự dưng khách tăng đột biến, làm hai mẹ con cô vất vả nấu nướng.”

“Mà nhìn kỹ thì ai cũng mặc đồ công sở đen giống nhau.”

Giống nhau đến kỳ lạ. Như thể có một đội quân văn phòng đổ bộ xuống đây chỉ để ăn mì.

“Chắc do công ty giải trí mới mở đối diện. Khai trương gì đó chăng.”

Ờ ha. Cũng hợp lý.

Một công ty giải trí. Gần một quán mì. Lý do hoàn hảo cho việc quán bị chật kín chỗ ngồi.

“Nghe kỳ lạ thật đó. Đến cái làng mà còn dựng được công ty thì đúng là chuyện khó tin. Nếu là xưởng thì còn hiểu được.”

Red vừa nói vừa gắp một vắt mì, thổi phù phù rồi bỏ vào miệng.

“Làng mình chẳng phải đã đủ xưởng rồi sao? Cứ coi cái công ty đó là một món đồ trang trí... lạc quẻ, để ngắm cho đỡ chán đi.”

Tôi vừa nói xong thì…

Toàn bộ quán mì quay đầu đồng loạt nhìn tôi. Không phải kiểu nhìn hiếu kỳ. Nó giống như cái lần tôi vô tình nói: “chúa không có thật” ở nhà thờ, và mọi người bắt đầu nhìn tôi như kiểu tôi là dị giáo.

Ba giây im lặng. Căng như dây đàn. Sau đó, mọi người lại cúi xuống ăn như thể tôi chưa từng hiện hữu. Bầu không khí trở lại bình thường một cách giả tạo đến đáng sợ.

“Nè, đừng cố đuổi hết khách của cô chứ.” Chủ quán lên tiếng với một nụ cười.

Một nụ cười rất... nửa vời. Không phải kiểu “cô đang đùa đấy”, cũng không phải kiểu “cô giận rồi nha”, mà là sự kết hợp của cả hai.

Tôi cười trừ. Không biết phải phản ứng sao nữa.

Chúng tôi tiếp tục ăn, tán gẫu chút chuyện vụn vặt cho đến khi hai tô mì cạn sạch cả mì lẫn nước. Sau đó, như mọi ngày, trả tiền và hẹn lần tới sẽ ghé ăn tiếp.

“Mà nè, dạo gần đây có nhiều vụ tấn công vào ban đêm đó. Hai đứa nhớ hạn chế ra ngoài vào giờ tối nhé.” Bà chủ hạ giọng, nghiêm túc.

Red và tôi cùng ngẩng đầu.

Tôi không hiểu vì sao bà ấy lại đột nhiên cảnh báo như vậy. Có lẽ vì chúng tôi là khách quý, và bà ấy không muốn mất chúng tôi. Mất một con chiên chịu vung tiền cho quán mì mỗi ngày hẳn là tổn thất không nhỏ. Hoặc cũng có thể... chỉ là lòng tốt.

“Tấn công vào ban đêm?” Tôi hỏi lại.

“Nghe nói hung thủ mặc đồng phục trường các cháu. Đánh lén từ phía sau, làm nạn nhân bất tỉnh, rồi cướp hết tài sản.”

Tôi rùng mình. Làng tôi trước giờ vốn rất yên bình. Dù đông dân, mọi người sống với nhau hòa thuận, lớn nhất cũng chỉ là vài vụ cãi nhau của mấy bà cô bán cá ngoài chợ. Tôi chưa từng có chút kinh nghiệm nào để đối phó với chuyện bị bắt nạt, chứ đừng nói đến việc đối mặt với cướp.

“Đây là lần đầu tiên làng mình có mấy vụ như vầy, đúng không?”

“Không hẳn. Hồi cô còn trẻ cũng từng có một vụ, nhưng đó là chuyện của ba mươi năm trước. Rồi yên ắng suốt. Tự dưng giờ lại…”

Red nhích người lại gần tôi, ánh mắt hơi nheo lại như đang cố truy lục dữ liệu trong não. Cậu ta lẩm bẩm rồi nói ra một mẩu thông tin:

“Cháu có thấy trên TV cách đây hai hôm. Cảnh sát khu vực bắt được hai người đàn ông tàng trữ chất gây nghiện. Họ bị cáo buộc bán hàng cho học sinh cấp hai.”

Tôi nhíu mày.

“Cậu nghĩ nó có liên quan?”

“Kiểu... một đứa học sinh nào đó muốn phê mà không có tiền, nên mới quyết định làm ăn cướp vào ban đêm.”

“Cậu nói y hệt những gì tớ đang nghĩ.”

Chúng tôi nhìn nhau một giây. Cảm giác bất an lan nhẹ qua sóng lưng. Làng vốn dĩ nhỏ đến mức từng cây cột điện cũng quen mặt, giờ lại có tội phạm, chất cấm, và cả những người mặc đồ công sở tràn ngập quán mì.

Thật là… đáng quan ngại.

“Hai đứa lo mà vắt chân lên cổ chạy đi, sắp trễ học rồi đó!”

Tiếng con gái cô chủ vang ra từ bếp, giọng điệu vội vã xen lẫn nhắc nhở.

Tôi giật mình. Quá mải mê tán dóc với bà chủ mà quên luôn lý do chính khiến tôi ra khỏi nhà vào buổi sáng: đi học.

Nhưng không thể nói là phí thời gian, vì ít ra tôi cũng đã nghe được một mẩu tin chẳng ai mong muốn — về một tên cướp đêm khoác lên bộ đồng phục học sinh.

“Vậy nhé, hai cháu đi đây.”

Tôi cúi đầu chào, rồi kéo cổ áo Red một cách không khoan nhượng như đang dắt theo một con chó ngoan ngoãn nhưng lười biếng.

“Chúc may mắn.”

Bà chủ buông một câu ngắn gọn, nhưng lại khiến tôi thấy lạnh gáy. Không phải “học tốt nhé”, không phải “đi đường cẩn thận”, mà là chúc may mắn. Nghe như kiểu ra chiến trường chứ không phải đến trường.

Red chỉ kịp rên lên một tiếng rất Red, rồi bị tôi lôi ra khỏi quán.

Trên đường, đầu óc tôi chẳng còn chỗ nào trống cho chuyện học hành nữa. Câu chuyện về tên cướp đêm cứ lởn vởn trong đầu. Một người mặc đồng phục trường, tấn công người vô tội để cướp tài sản. Một mô típ nghe cũ rích trên phim nhưng vẫn mới mẻ và đáng sợ trong bối cảnh ngôi làng nhỏ yên bình này.

Mỗi khi có điều gì đó khác thường xảy ra, người ta thường chọn cách hóng hớt rồi phớt lờ. Nhưng tôi lại thấy... hứng thú.

Tò mò. Rất tò mò. Cứ như là có một sợi chỉ đỏ vô hình vừa bắt đầu quấn vào cổ chân — kéo tôi vào một thứ gì đó lớn hơn mình tưởng.

Và tôi không biết là nên tháo nó ra… hay để nó kéo đi luôn.

003

Một con mèo. Đi bằng hai chân. Ngực to bằng… em gái tôi. Vâng, tôi biết câu đó nghe không ổn, nhưng bạn hiểu ý tôi mà. Kích thước là thứ có thể so sánh được. Không hơn không kém.

Trong làng tôi — nơi mà đủ mọi chủng tộc đi lại ngang nhiên như đang diễu hành hoá trang — chuyện gặp người-lai-thú không phải điều gì đáng ngạc nhiên. Claymore là đất lành cho mọi thể loại kỳ quặc, miễn là biết trả thuế và không vứt rác bừa bãi.

Trong thế giới này, có hai loại mèo.

Một: mèo “chuẩn”. Đi bằng bốn chân, kêu “meo meo”, và có khả năng thôi miên con người bằng sự dễ thương chết người. Chúng khiến những sinh vật có tri giác biến thành nô lệ chỉ bằng một cái cụng đầu.

Hai: mèo-lai. Hay còn gọi là thú nhân. Họ mang hình dáng người nhưng sở hữu đặc điểm của mèo: tai nhọn, đuôi dài, và một cái nhìn chảnh chọe ngàn năm không thay đổi.

Thú nhân lại chia làm hai kiểu:

Nhiều lông: gần như toàn thân bị bao phủ bởi lông.

Ít lông: nhìn như người bình thường, chỉ gắn thêm tai, đuôi và một vài bộ phận khiến bạn không nhầm lẫn họ với dân văn phòng.

Kity — nguyên nhân khiến tôi phải mở khóa kiến thức sinh học cho bạn — thuộc loại nhiều lông. Bộ lông của cô ấy mang sắc cam pha chút trắng, nhìn nổi bật như bị nhúng vào thùng sơn dầu. Không đuôi. Sinh ra đã thế. Một “mèo cụt đuôi”, theo đúng nghĩa đen.

Và hình như tên của cô ấy… cũng thiếu mất một chữ “t”. Kitty thành Kity. Một kiểu lỗi đánh máy định mệnh.[note73231]

“Ẻe… cứ tưởng mình là người đến sớm nhất chứ. Không ngờ có người còn sớm hơn, à mà… Clay đúng không?”

“...”

Sao nghe câu đó cứ như kiểu tái ngộ sau mười năm thất lạc vậy!? Chúng tôi học chung lớp. Gặp nhau mỗi ngày. Còn nói chuyện bằng ánh mắt khó chịu suốt giờ ra chơi.

Cô ta khoanh tay đứng ở cửa ra vào. Mà khoan, gọi là “đứng” thì chưa đủ. Năm mươi giây trước, cánh cửa đó đã bị đá văng ra khỏi bản lề. Kity bước vào như một cơn bão có hình người và mũi mèo.

Tôi chớp mắt.

“Hửm? Đáp lại gì đó đi chứ. Đừng làm như cả hai chưa từng quen biết gì nhau.”

“Ừm… cậu vừa đá văng cửa lớp. Nó là cửa kéo, không phải loại bật mở hai chiều đâu.”

“Biết chứ. Dù gì thì bản lề nó cũng gãy từ hai ngày trước rồi. Tớ chỉ... phá nốt đống băng keo đang cố níu giữ một mối quan hệ không còn cứu vãn thôi.”

“Chuyện gì xảy ra hai ngày trước vậy?”

“Không có gì đặc sắc. Chuyện thường ngày ấy mà. Hai tên con trai có chút rắc rối tình cảm, đấm nhau một trận, rồi cánh cửa trở thành nạn nhân vô tội bị kéo vào.”

“…Cậu xem đó là chuyện thường ngày thật à?”

“Trường mình mà. Mới hai tuần trước có đứa leo lên cột thu lôi — chỗ cao nhất trường — hét lớn tỏ tình rồi té gãy tay. Cậu biết rồi còn gì.”

...Một thông tin chẳng giúp ích gì cho tương lai nhân loại.

“Ngôi làng này vốn là cái nồi thập cẩm. Đầy đủ thành phần, thỉnh thoảng sôi bùng lên rồi trào cả ra ngoài. Nên mấy chuyện kỳ cục xảy ra hoài cũng quen.”

Kity lôi cánh cửa đáng thương vứt vào góc phòng như quăng một tấm thảm rách, rồi ngồi xuống ghế cạnh tôi. Một hành động quá đỗi tự nhiên khiến tôi thấy chột dạ dù chẳng làm gì sai.

“Cậu nói cũng đúng.”

Tôi chống cằm lên bàn. Tư thế của một người đang cố gắng tiêu hóa hiện thực.

“Mà nè… cho tớ biết lý do hai cậu đến sớm làm gì được không?”

Kity vừa hỏi vừa chọt ngón tay vào má của Red — sinh vật vẫn đang say giấc nồng ở bàn dưới.

“Bọn tớ quên mất hôm nay chỉ học ba tiết. May mà lúc vào không có lớp nào đang học, chứ không thì quê độ luôn.”

“Nghĩa là hai cậu cứ thế ngồi đây với tổng thời gian dư thừa tương đương một giờ giải lao cộng hai tiết học?”

Kity chuyển qua véo má Red. Cậu ta phát ra tiếng khò khè nhẹ — phản ứng duy nhất từ nạn nhân.

“Chuẩn cơm mẹ nấu!”

Tôi phẩy tay Kity ra khỏi mặt Red bằng một cú khạt mang tính bảo vệ lãnh thổ.

Rất nhanh sau đó, bọn tôi chuyển chủ đề.

Không phải vì ai chán, mà vì... chúng tôi đã bàn về ngôi trường này quá nhiều lần rồi. Nếu lấy số lần chúng tôi nói về nó mà chồng lên nhau, thì chắc cũng đủ để xây một toà thành cao tám mét bao bọc cả Claymore.

Chúng tôi cần gì đó mới. Gì đó đủ bùng nổ để nhai suốt buổi sáng cho tới khi tiếng trống trường vang lên như hồi chuông tận thế.

Nhưng Kity thì không nghĩ ra gì. Nên cậu ta đương nhiên quay về chế độ mặc định: lải nhải về bản thân.

Thêm chút khoe khoang. Thêm một nhúm tự luyến. Và rất nhiều “tớ đáng yêu đúng không?”.

Dĩ nhiên, thứ gì lặp đi lặp lại quá nhiều cũng sẽ tạo ra kháng thể. Tôi quen. Nhưng không có nghĩa là không khó chịu… và đúng là tôi vừa chắc lại ý đó một lần nữa. Nên, như một loại vắc xin, tôi tự ra lệnh cho não: “Nghĩ ra chủ đề mới. Nhanh!”

“Cậu có nghe gì về mấy vụ cướp đêm gần đây không? Hung thủ mặc đồng phục trường mình đấy.”

Hay lắm. Đưa thứ đầu tiên trong não ra và ngắt lời con mèo lắm mồm đó đi!

“Ể? Chuyển chủ đề đột ngột quá đó. Tớ còn chưa kể xong chuyến đi chơi ở thành Diablo nữa mà… Nhưng mà, có vụ đó thiệt hả?”

Mèo liếm háng lại chê chó liếm lông! Kỳ thật.

“Tớ chỉ mới nghe lúc sáng thôi. Không hay xem tin tức lắm nên cũng không rõ.”

“Hừm. Nói về mấy vụ án hình sự với tớ cứ có cảm giác như cậu chỉ muốn tớ dừng lải nhải về bản thân thôi ấy.”

...Sao đoán trúng hay vậy!?

“Nhưng mà tớ cũng mù tin tức lắm. Phải có Nibble ở đây thì mới đào sâu được mấy vụ kiểu này.”

“Cậu chuột mọt sách ấy hả? Tớ cá là nếu quay đầu lại bây giờ thì sẽ thấy cậu ta đứng ngay cửa luôn.”

Tôi vừa nói vừa quay đầu.

Không phải vì tin vào linh cảm, mà là vì tôi biết quy luật vật lý quanh cái tên đó đã vỡ vụn từ lâu.

Có người thì hắt xì mỗi khi bị nhắc tới.[note73233]

Còn Nibble? Cậu ta xuất hiện. Luôn là thế.

Không…

Không có ai đứng ở cửa cả. Hành lang vắng tanh, yên tĩnh đến kỳ lạ. Cửa trước, cửa sau, cả lớp học… chẳng thấy bóng học sinh nào.

Đây là cảnh tượng đi học quá sớm sao? Cứ như tôi đang bị giam giữ để học bù vì điểm số dưới trung bình vậy.

“Kỳ lạ thật. Lúc nào tớ cũng đoán trúng mà…”

“Cậu không phải Merlin, Clay ạ.”[note73232]

Giọng nói đó vang lên từ… dưới gầm bàn của Kity.

Đúng rồi. Gầm bàn.

Hầu hết các loài gặm nhấm đều có bản năng tìm nơi kín đáo để ẩn nấp. Một phần để trốn kẻ săn mồi, phần còn lại là để... dòm ngược lên.

Nibble là một con chuột. Cụ thể là thú nhân chuột. Cậu ta thuộc dạng “ít lông” — chỉ có tai chuột, đuôi chuột, mũi chuột, râu chuột, và tông xám chuột. Toàn bộ đặc điểm nổi bật của loài chuột.

Luôn ăn mặc như đang chuẩn bị đi thi học sinh giỏi tỉnh, và ánh mắt thì lại giống kiểu “tôi biết hết thảy mọi bí mật của nhân loại”.

“Nhưng có lẽ, việc từng trải đã giúp cậu tích lũy đủ kinh nghiệm để gần như đoán trúng mọi thứ.”

Cậu ta chui ra từ dưới gầm bàn của Kity. Một vị trí lý tưởng nếu bạn là một kẻ mọt sách lén lút... và muốn biết quần chip của người khác có họa tiết gì.

“Tiếc là tớ không xuất hiện ở cửa ra vào…”

Cậu ta chỉnh lại kính. Góc nghiêng 35 độ. Ánh sáng chiếu vào vừa đủ để làm bật lên hiệu ứng thám tử ngầu lòi— nếu bỏ qua việc vừa thò ra từ một chỗ chẳng mấy trong sạch.

“Nè! Nãy giờ cậu núp dưới đó làm cái quái gì vậy hả, thứ chuột thối tha!?”

Kity lập tức vồ lấy hai tai Nibble như kiểu đó là vô lăng của một chiếc ô tô. Tai trái. Tai phải. Mỗi bên một tay.

“Cậu đã nhìn thấy quần chip của tớ rồi đúng không!”

Kity rít lên, ngay lập tức tay trái khóa cứng đầu Nibble vào giữa hai quả đồi núi tròn trịa, tay phải thì ấn đầu cậu ta như một loại trừng phạt.

“Đau! Đau! Đau! Đau!” Nibble hét lên… và lập lại một từ bốn lần liên tiếp!

Gọi là trừng phạt, nhưng tôi biết thừa… đó là cơ hội. Kity chỉ đang chớp thời cơ mà làm điều mình muốn. Cũng như tôi từng làm.

Con gái mà. Ai lại không thích nghịch mấy thứ dễ thương cơ chứ?

Nói vậy để bạn hiểu: Nibble, suy cho cùng, vẫn chỉ là một con chuột.

Một con chuột dễ thương. Dễ thương đến mức không thể nào trở thành một “thám tử ngầu lòi” được, cho dù có cố bao nhiêu.

“À mà, cái vụ cậu vừa nói ấy…” Nibble vẫn còn đang bị kẹt trong vòng ngực sinh học của Kity, giọng nói vang lên có chút nghẹt nghẹt vì thiếu không khí. “Tớ có biết… rất nhiều thông tin. Chỉ cần đọc qua sách báo chút thôi là ra.”

“Cậu biết gì à?” Tôi nghiêng đầu, vừa hỏi vừa giữ ánh mắt hoài nghi. Dù thật ra tôi tin cậu ta chết đi được.

“Tớ biết chứ. Cái gì tớ cũng biết hết…”

Cậu ta nói một cách tự tin. Sau đó bằng cách nào đó trượt người thoát khỏi nơi giam giữ ngọt ngào, dù tay Kity vẫn đang khóa cứng vai cậu.

“Hung thủ là… bạn cùng lớp của chúng ta.”

“…”

Tôi đơ vài giây.

Bạn nghĩ tôi sẽ phản ứng thế nào? Gào lên? Hét “Không thể nào!” như trong phim? Không. Tôi đứng hình. Há hốc mồm. Như một nhân vật phụ vừa biết mình sắp được lên tuyến chính.

Thứ duy nhất thoát ra khỏi miệng tôi chỉ là:

“…Hả?”

Giống hệt Kity, người cũng vừa ngừng đánh và giờ đang ôm Nibble như một con gấu bông.

Học cùng lớp với một tên cướp nguy hiểm. Vẫn chưa bị bắt. Vẫn sinh hoạt bình thường. Vẫn… thở cùng bầu không khí với tôi.

Quá nhiều “vẫn” ở đây!

Thông tin đó nặng đến mức tôi muốn mang về gói lại bằng giấy báo rồi nhét vào ngăn đá tủ lạnh.

Mà vấn đề lớn hơn: tôi tin Nibble ngay lập tức.

Vì cái câu “Cái gì tớ cũng biết hết” của cậu ta không phải nói chơi.

Nó là sự thật đã được chứng minh qua quá nhiều lần khiến người ta rớt hàm.

“Cậu và Red chắc cũng biết về mấy vụ buôn bán chất cấm gần đây rồi ha?”

Cậu ta đẩy kính. Một cú đẩy kính chuẩn thời điểm.

Tôi đã bảo rồi mà. Cậu ta còn biết cả chuyện chúng tôi đã biết!

“Cảnh sát chưa có bằng chứng nào chứng minh hai vụ này liên quan tới nhau. Nhưng tớ thì có.”

Giọng cậu ta đầy tự tin. Không phải kiểu khoe mẽ. Mà là kiểu “Tớ biết, tớ chắc chắn, và tớ đang kéo các cậu xuống hố với tớ”.

Tôi nuốt nước bọt.

Tò mò. Háo hức. Hơi run. Nhưng mà lún quá sâu rồi.

Giờ không tiến cũng chẳng thể lùi.

Ghi chú

[Lên trên]
Câu chuyện cổ tích về một cô gái bị nguyền rủa ngủ một giấc dài cả trăm năm, chỉ có thể tỉnh dậy nhờ một nụ hôn từ hoàng tử – hay đúng hơn là một nụ hôn không được đồng thuận từ một người đàn ông xa lạ. Ngày xưa, người ta gọi đó là "tình yêu đích thực". Bây giờ, người ta gọi đó là "quấy rối tình dục".
Câu chuyện cổ tích về một cô gái bị nguyền rủa ngủ một giấc dài cả trăm năm, chỉ có thể tỉnh dậy nhờ một nụ hôn từ hoàng tử – hay đúng hơn là một nụ hôn không được đồng thuận từ một người đàn ông xa lạ. Ngày xưa, người ta gọi đó là "tình yêu đích thực". Bây giờ, người ta gọi đó là "quấy rối tình dục".
[Lên trên]
Từ gốc là “Kitty” – nghĩa là mèo con trong tiếng Anh. Nhưng vì một lỗi đánh máy hoặc quên gõ chữ “t”, cô ấy trở thành “Kity”.
Từ gốc là “Kitty” – nghĩa là mèo con trong tiếng Anh. Nhưng vì một lỗi đánh máy hoặc quên gõ chữ “t”, cô ấy trở thành “Kity”.
[Lên trên]
Merlin là pháp sư huyền thoại trong truyền thuyết vua Arthur của phương Tây. Ông nổi tiếng không chỉ vì pháp thuật mạnh mẽ mà còn vì khả năng tiên tri – tức là có thể nhìn thấy trước tương lai hoặc biết những điều chưa xảy ra. Trong nhiều dị bản, Merlin sống ngược thời gian hoặc có ký ức từ tương lai, nên chẳng chuyện gì xảy ra mà ông không biết trước.
Merlin là pháp sư huyền thoại trong truyền thuyết vua Arthur của phương Tây. Ông nổi tiếng không chỉ vì pháp thuật mạnh mẽ mà còn vì khả năng tiên tri – tức là có thể nhìn thấy trước tương lai hoặc biết những điều chưa xảy ra. Trong nhiều dị bản, Merlin sống ngược thời gian hoặc có ký ức từ tương lai, nên chẳng chuyện gì xảy ra mà ông không biết trước.
[Lên trên]
Một niềm tin dân gian phổ biến ở nhiều nền văn hóa: nếu ai đó nhắc đến bạn sau lưng, bạn sẽ hắt xì. Không có cơ sở khoa học, nhưng lại được dùng nhiều trong truyện, phim để ám chỉ rằng “có người đang nghĩ đến bạn… không chắc là tốt hay xấu”.
Một niềm tin dân gian phổ biến ở nhiều nền văn hóa: nếu ai đó nhắc đến bạn sau lưng, bạn sẽ hắt xì. Không có cơ sở khoa học, nhưng lại được dùng nhiều trong truyện, phim để ám chỉ rằng “có người đang nghĩ đến bạn… không chắc là tốt hay xấu”.
Bình luận (2)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

2 Bình luận

TRANS
Truyện của ông chill vl.
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
Okey 🙂
Xem thêm