Hồi 1: Ngày Gióng sinh ra
Xưa kia, tại một vùng quê yên bình nọ có một cặp vợ chồng đã già rồi nhưng vẫn chẳng có lấy một mụn con nào cả. Người quanh làng thấy vậy thì lạ lắm, bởi vì họ sống hiền lành chất phác, nhiệt tình giúp đỡ mọi người, cưu mang người đói khổ, ấy vậy mà tại sao đến bây giờ vẫn chưa có con? Có người lại đồn rằng phước trời sắp đến với cặp vợ chồng già ấy, rồi họ cũng sẽ được báo đáp vì lòng tốt của mình mà thôi.
Quả thực, có một hôm người vợ già cả bước chân ra đồng làm nông mới hãi hùng phát hiện trên cánh đồng của mình có một dấu chân rất lớn. Bà khiếp vía la lên:
“Chao ôi, bàn chân của ai mà to thế này?”
Nói rồi, đoạn bà liền ướm thử bàn chân của mình vào thử. Người đàn bà ấy không biết rằng ấy chính là lúc phước trời đã đến với bà. Về đến nhà, một thời gian sau bà liền hay tin rằng mình đã mang thai, cả hai vợ chồng nghe thế thì mừng lắm. Nhưng ai mà ngờ được rằng cái thai trong bụng bà đã qua chín tháng mười ngày mà vẫn chưa thể sinh ra. Phải mười hai tháng sau, cho đến khi người chồng già của bà đã qua đời thì đứa trẻ mới được sinh ra. Tương truyền rằng vào đêm ấy giông tố ngập trời, cho nên bà mẹ đặt tên cho con của mình là Gióng.
Nhưng mọi chuyện lạ lắm, khi mà đứa trẻ sinh ra đã ba năm tuổi rồi mà vẫn chưa nói được lời đầu tiên, cũng chẳng biết bò. Tình trạng ấy của đứa trẻ khiến cho bà mẹ lo lắng vô cùng, dù cho đã mang theo đứa con đi gặp thầy thuốc ở khắp nơi, vậy mà chẳng có ai nói được bệnh tình của thằng bé như thế nào. Người mẹ thấy vậy thì u sầu lắm, bà bế con lên trên một vách núi cao, ngẩng đầu nhìn lên trời xanh mà khóc lóc:
“Trời ơi, tại sao ngài lại đem cho con tôi bệnh tật như thế này? Xin ngài hãy chữa đi cái bệnh này của con tôi!
Trời không thấy đâu, chỉ nghe một tiếng gầm gừ. Từ đâu, một con cọp dữ bước ra, nó lớn gần bằng một con voi, cái miệng lớn tưởng như có thể nuốt chửng mười người trưởng thành. Nó nhìn thấy hai mẹ con Gióng mà cười lớn:
“Hên quá! Hên quá! Mồi tự dâng đến tận răng, xem ra đêm nay ta lại được một bữa no nê rồi!”
Người mẹ hoảng hồn lắm, ôm lấy Gióng mà chới với. Con cọp tiến lên một bước, bà lại lùi một bước. Nhưng sau lưng là vách đá cheo leo, cuối cùng bà cũng không thể lùi thêm được nữa, chỉ đành run rẩy ôm lấy đứa con trai của mình, cương quyết không thả ra, ánh mắt của bà trừng trừng nhìn con cọp. Ấy vậy mà Gióng vẫn say ngủ trong vòng tay của bà. Lòng ấm ức lắm, mẹ Gióng lại la lớn thêm một tiếng nữa:
“Trời ơi, ta không sợ chết. Nhưng bệnh tật của đứa con ta thì sao? Ta mà chết rồi thì ai chăm sóc cho thằng bé nữa?”
Bà vừa dứt lời, con cọp liền há miệng to ra mà nhào đến. Người mẹ không còn cách nào khác phải ôm chặt đứa con của mình mà nhắm chặt mắt lại chịu trận.
Đột ngột, như nghe thấy lời cầu khẩn với trời của mẹ, Gióng đưa bàn tay nhỏ của mình ra túm lấy răng nanh của con cọp mà giữ nó lại. Lạ lùng thay, con cọp dữ tợn lại không thể di chuyển, nó nhe hàm nanh trắng nhọn như kiếm thép, gầm vang làm rung chuyển một mảnh rừng. Ấy vậy mà chẳng thể làm bàn tay của Gióng xê dịch một ly.
Đôi mắt Gióng lóe sáng như ánh mắt trời kiêu ngạo giữa ban trưa, khí thế cao vùn vụt như át cả ngàn quân. Đột ngột Gióng hét, âm thanh rung chuyển rừng sâu, chim muông hoảng loạn tung cánh, đá dưới chân nứt toác. Như thể Gióng sinh ra là vì chiến, sinh ra để làm nên đại sự, để tự viết nên danh tiếng của mình cho trời đất.
Gióng cất tiếng cười vang như sấm, át cả tiếng gầm của mãnh hổ. Rồi cậu ném con cọp đó vào vách đá, thân thể nó va chạm khiến ngọn núi như muốn rung chuyển, Gióng nói, lời lẽ có bảy phần kiêu ngạo cho bản thân, ba phần khinh miệt cho con cọp dám ra tay với mẹ con của cậu:
“Súc sinh chốn nào cũng dám động tay với ta.”
Mãnh hổ gầm lên đau đớn, lùi lại, nhưng không khuất phục. Nó lại nhảy vọt lên vách đá, cất tiếng kinh hãi:
“Ngươi là ai, lại dám mạo phạm đến Sơn vương ta đây?”
“Láo xược, chỉ là một con súc sinh cũng dám tự xưng mình là Sơn vương ư? Xem ta dạy dỗ nhà ngươi đây!” Gióng quát lớn, cậu nhảy ra khỏi lòng mẹ, tay giật mạnh tấm áo mẹ đang quấn quanh mình, tung lên như lá cờ chiến. Con cọp lao vào Gióng, lại bị cậu vung tấm áo cuốn lấy chân con cọp, khiến nó mất đà ngã nhào. Tay Gióng nhổ bật cả gốc cây lớn ở trên vách đá, dùng nó như roi mà đánh vào thân của con cọp. Hai bên quần nhau suốt cả một ngày trời liền, núi rừng rung chuyển, mồ hôi đổ ra tựa như là mưa rào.
Cậu bé dùng đôi tay trần bẻ gãy một tảng đá sắc nhọn, giáng xuống đầu mãnh thú. Con cọp gầm lên lần cuối, tiếng kêu thảm thiết vọng xa ngàn dặm, rồi đổ gục xuống vách đá, máu đỏ thấm đẫm đất trời. Gióng cầm lấy xác của con cọp trên tay, cười một tiếng đầy kiêu ngạo:
“Từ giờ, núi này không có Sơn vương.”
Đột ngột, một vòng tay ôm chặt lấy Gióng. Người mẹ đã quan sát trận chiến giữa cả hai từ đầu đến cuối, lại không thấy vinh quang vì con mình đã chiến thắng, chỉ oà khóc lên mà kiểm tra lấy thân thể nhỏ bé của Gióng:
“Ôi con tôi, con tôi biết nói rồi, biết đi rồi, con có bị thương ở đâu không? Trời ơi…”
Gióng nghe vậy, chỉ kiêu ngạo ngẩng mặt nhìn lên trên trời cao, sau đó cất tiếng với giọng điệu tự cao:
“Ta không bị bệnh tật, cũng không bị thương. Ta không đi, không nói vì đó là việc quá nhỏ nhặt!”
Trước đôi mắt bàng hoàng của người mẹ, Gióng đứng dậy, lột lấy da của con hổ bằng tay không ra và khoác lên trên người. Máu chảy xuống ướt đẫm lấy mặt đất, Gióng cười lớn đầy kiêu hãnh:
“Gióng ta tài hoa hơn người, chỉ có những việc lay chuyển trời đất mới xứng đáng với thân phận của ta!”
“Nên mẹ, bà đừng có lên tiếng trách ta, bởi vì-”
Nhưng trước khi Gióng kịp dứt lời, người mẹ đột ngột ôm lấy cậu, tiếng khóc nức nở vang lên:
“Vậy là con ta không bị bệnh! Ơn trời, tạ ơn trời…”
Những lời Gióng định nói ra phút chốc liền tan biến. Đứa trẻ ba tuổi đầy kiêu ngạo có thể đánh chết hổ, tay không phá nát đá, một bước đi có thể rung chuyển cả núi non. Giờ đây, lại ở yên trong vòng tay của một người mẹ, tuyệt nhiên không có cách nào khiến cậu tách rời khỏi nó.
Sau khi đánh bại con cọp trên vách đá, Gióng vẫn giữ tính kiêu ngạo ngút trời, tự cho mình là kẻ tài hoa hơn người, không việc nhỏ nào xứng đáng với cậu. Nhưng một ngày nọ, tin tức từ Kinh Đô truyền đến: giặc Ân đang kéo quân xâm lược, vua Hùng cần người tài cứu nước. Gióng nghe tin này lập tức cười lớn, đoạn nói với mẹ:
“Đánh giặc cứu nước, đây chẳng phải là việc dành cho Gióng ta đây sao? Mau chuẩn bị thật nhiều đồ ăn cho ta để có sức cứu nước.”
Từ khi dặn dò xong cho mẹ, nguyên ngày hôm sau Gióng bắt đầu ăn, mà ăn chẳng giống ai. Mẹ Gióng nấu bát cháo, cậu ăn hết trong chớp mắt, rồi đòi thêm. Bà nấu nồi cơm đầy, cậu vét sạch chẳng để sót hạt, miệng vẫn thốt lên: “Thêm nữa đi, ta đói!”. Những người từng được mẹ Gióng giúp, người mang gạo, kẻ xách khoai, nhà nhà góp sức nấu cho Gióng ăn. Cậu ăn như gió cuốn mây trôi. Một nồi, rồi hai nồi, ba nồi, cơm trắng, khoai luộc, cá sông, gà đồng. Gióng ăn bao nhiêu thì lớn bấy nhiêu, nhanh như thổi. Sáng còn nằm chõng tre, tay chân bé nhỏ, ấy vậy đến trưa đã cao bằng người lớn, vai rộng như trâu mộng, chân vững như cột nhà. Qua một ngày, Gióng cao vượt mái tranh, đầu chạm xà ngang, áo mẹ may rách toạc chẳng vừa.
Ăn xong, Gióng quẹt miệng, khoác da cọp trên người và nói với mẹ:
“Bà hãy giúp ta chuẩn bị hành trang, sớm mai ta sẽ lên đường cứu nước!”
Người mẹ không ngăn cản. Nhưng đến hôm sau, dẫu cho có tự hào về sức mạnh của Gióng, bà vẫn lên tiếng khuyên can:
“Con ơi, trời sinh con ra có sức mạnh phi thường. Nay nước nhà nguy nan, nghe ý con đi giúp vua làm mẹ mừng lắm. Mẹ chỉ mong con một điều, hãy bớt cái tính tự cao ấy đi. Sức mạnh lớn thật, nhưng kiêu ngạo quá thì như cây cao đứng một mình, gió mạnh cũng dễ đổ. Con đi đường, nhớ khiêm nhường, hãy biết dựa vào người khác, dựa vào trời, chớ có nghĩ mình là tất cả.”
Gióng đầy tự cao lại không hề nghe lấy lời mẹ dặn, cậu cười kiêu ngạo và bước lên đường:
“Ta là Gióng, tay ta có thể bẻ đá, một bước của ta có thể rung chuyển cả núi, đến Sơn Vương còn gục dưới tay ta. Giặc Ân là cái thá gì chứ? Khiêm nhường để làm gì? Dân làng thì yếu, trời thì xa. Gióng ta đây không cần dựa vào ai cả! Bà chớ lo, hãy cứ chờ ngày danh tiếng ta vang vọng khắp đất trời đi!”
Trước sự kiêu căng trong lời nói của con trai mình. Người mẹ chỉ có thể nhìn bóng Gióng khuất dần trong ánh hoàng hôn. Bà quỳ xuống đất trần, đưa tay bái lạy lên trên trời xanh:
“Trời ơi, xin cho con ta được mở lòng, đừng để cái kiêu ngạo ấy hại nó…”
Hồi 2: Ba bài học làm người
Gióng rời làng bước trên đường đi đến Kinh Đô. Tấm da cọp trên lưng của chàng bay phấp phới như chiến kỳ. Đột ngột Gióng nghe thấy tiếng vó ngựa dồn dập từ xa vọng lại, xen lẫn cùng đó là tiếng la hét hoảng loạn của dân làng. Hoá ra có một đàn ngựa hoang đang chạy loạn xạ, chân chúng giẫm nát những thửa ruộng lúa xanh mướt vừa trổ đòng. Lúa gãy đổ ngổn ngang, dân làng cầm gậy tre đuổi theo nhưng vô ích, chỉ càng làm đàn ngựa thêm hoảng sợ.
Một người đàn ông chăn ngựa tròn mắt bối rối nhìn cảnh tuợng này. Ông ta cầm một sợi dây thừng cũ kỹ bất lực chứng kiến cảnh tượng này. Gióng tới cất tiếng bắt chuyện:
“Tên chăn ngựa kia, ngươi có biết đường đến Kinh Đô không? Mau chỉ cho ta!”
Thấy thân thể cường tráng của Gióng, người chăn ngựa mừng rỡ đáp lời:
“Ôi chàng trai, đúng là sứ giả đã ghé qua đây. Nhưng nhìn cậu khỏe mạnh thế này, liệu cậu có thể giúp ta lùa đàn ngựa kia không? Chúng đang phá hoại mùa màng, dân làng có nguy cơ đói khổ mất! Nếu giúp ta xong việc, ta sẽ dẫn cậu đi gặp sứ giả.”
Gióng nhìn đàn ngựa mà nở một nụ cười tự tin. Chàng vỗ ngực, giọng sang sảng:
“Chỉ là vài con ngựa hoang, ta túm gọn trong chớp mắt. Ngươi cứ đứng đó xem ta làm!”
Không chờ người chăn ngựa nói thêm, Gióng lao thẳng vào đàn ngựa như một cơn gió lớn, đôi tay rắn chắc vung lên định túm lấy cổ con ngựa đầu đàn. Nhưng con ngựa lồng lên hí vang và tránh được cú vồ của Gióng. Gióng tức tối bặm chặt môi lại mà ra sức đuổi theo, sức mạnh phi thường của chàng khiến đất dưới chân rung chuyển, từng bước chạy làm cỏ dại bật gốc. Dân làng đứng xa xa nhìn, vài người reo hò cổ vũ:
“Cậu ấy khỏe thật, chắc bắt được ngựa ngay thôi!”
Nhưng càng đuổi, Gióng càng khiến đàn ngựa càng hoảng loạn. Chúng chạy tán loạn khắp các thửa ruộng, chân giẫm nát những cây lúa còn sót lại, biến cả cánh đồng thành một bãi bùn lầy nhầy nhụa. Gióng gầm lên một tiếng lớn rồi túm lấy chân của con ngựa, lực nắm của chàng chặt đến mức khiến chân của con ngựa bị gãy, tiếng hí thảm thiết vang lên. Người chăn ngựa giật mình vội vàng chạy theo ngăn cản, la lớn:
“Dừng lại đi, cậu làm gì thế? Ta không cần cậu đuổi ngựa đến kiệt sức. Cậu mạnh thật, nhưng không nghĩ. Giờ thì ruộng lúa tan hoang, chân ngựa cũng gãy, sau này ta biết sống thế nào?”
Gióng ngước lên, định cãi lại. Nhưng nhìn cánh đồng tan hoang do mình gây ra và con ngựa què quặt trên tay mình, chàng im bặt. Người chăn ngựa cũng không nói thêm, dẫn Gióng đi theo mình, hai người cầm cuốc đào một cái hố nông ở góc đồng và rải cỏ khô thơm lên trên. Chỉ một lúc sau, con ngựa đầu đàn bị hấp dẫn bởi mùi cỏ bèn chậm rãi bước tới rồi sa chân vào hố. Đàn ngựa còn lại thấy thủ lĩnh bị kẹt, cũng dừng lại đứng vây quanh hố không biết làm gì. Cứ thế mà cả đàn ngựa bị dân làng vây bắt bằng dây thừng.
Người chăn ngựa quay lại nhìn Gióng, đột ngột ông bừng tỉnh và cất tiếng hỏi:
“Cậu có phải là Gióng - người hùng đã đánh bại Sơn Vương mà mọi người quanh đây đồn đại không?”
Gióng vỗ ngực, không ngần ngại thừa nhận lấy điều ấy:
“Chính là ta đây!”
Người chăn ngựa thở dài, gật đầu và nói:
“Quả thật sức mạnh của cậu như ngọn gió lớn, có thể nhổ cây, phá núi. Nhưng nếu cậu chỉ có sức mạnh mà không có trí thì sẽ chỉ gây hoạ. Hãy dùng trí đi, đừng cậy vào sức mạnh của mình!”
Lần này, Gióng lắng nghe một cách nghiêm túc. Chàng nhìn cánh đồng tan hoang và những con ngựa đã bị gãy chân, cuối cùng bèn cúi đầu xuống với người chăn ngựa:
“Cảm ơn ngài đã dạy cho ta một bài học!”
Người chăn ngựa chỉ cười, đáp lại:
“Nghe tin cậu muốn lên đường đánh đuổi giặc Ân khiến ta cũng muốn góp một phần công sức. Nhưng ta cũng chỉ là một thằng chăn ngựa, nên xin cậu hãy nhận lấy con ngựa tốt này!”
Đoạn, ông dắt một con ngựa nâu to lớn có cái bờm dài, lông óng ánh từ đàn ngựa vừa bắt, trao cho Gióng. Chàng nhận lấy nó, nghe theo lời chỉ dẫn của người chăn ngựa mà bắt đầu hành trình đi đến Kinh đô.
Ngày ấy, Gióng cưỡi con ngựa đen mà người chăn ngựa đưa cho trên đường đến Kinh đô. Tấm da hổ ở trên lưng Gióng bay phấp phới, chàng đi qua một cánh rừng tre xanh mướt, tre cao vút như những cây cột trời, những chiếc lá khẽ đung đưa xào xạc. Ấy vậy mà giữa rừng, khói đen bốc lên nghi ngút, mùi cháy khét lẹt bay tới. Gióng dừng ngựa và ngó nghiêng xung quanh, hoá ra là có một ngọn lửa đỏ đang liếm láp gốc tre, dần dà trở thành đám cháy nhỏ đang lan dần qua những cây tre xung quanh.
Dưới bóng tre, có một ông lão thợ tre gầy như que củi khô, áo vải thô rách tướp. Ông hì hục chặt cành tre khô bằng chiếc rựa mòn. Mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt, và dẫu cho đôi tay run run vì mệt, nhưng đôi mắt ông vẫn sáng quắc nhìn ngọn lửa. Thấy Gióng cưỡi ngựa tới, ông lão ngẩng lên, giọng khàn như nhưngx cơn gió yếu ớt đang cố lùa qua kẽ lá:
“Chàng trai trẻ, trông chàng khỏe như voi rừng. Giúp lão dập đám cháy này với. Lửa lan nhanh làm tre quý của làng cháy hết. Thế này thì làng ta lấy gì làm nỏ bắn bây giờ?”
Gióng xuống ngựa, cất tiếng hỏi:
“Dám hỏi ông làm nỏ để bắn cái gì?”
Ông lão vẫn hì hục chặt tre mà lên tiếng trả lời:
“Để bắn giặc Ân xâm lược nước ta!”
Nghe thế, Gióng bèn vỗ ngực mà nói, vẫn còn có một chút tự cao ở trong đó:
“Chuyện đánh giặc Ân cứ để ta lo, để ta giúp ông!
Ông lão nghe vậy thì yên tâm lắm, bèn ngừng lại mà giao lại tre và rựa cho Gióng. Trước khi rời đi, ông còn không quên nhắc nhở:
“Lão đi kêu gọi người dân làng mang nước đến. Chàng hãy cứ ở đây chặt cành khô, đào rãnh ngăn lửa giúp lão.”
Gióng nhận lấy rựa và bắt đầu chặt tre. Nhưng chặt bằng tay thì lâu lắm, mà ngọn lửa thì cứ bắt đầu lan ra hơn. Gióng cố hết sức mà chặt không kịp, dân làng lại chẳng thấy đâu. Điều ấy khiến chàng dần mất kiên nhẫn, sau đó bèn nhanh trí mà nghĩ:
“Ngọn lửa nhỏ như thế này. Mà ta đây khỏe như trâu mộng, chỉ cần thổi một hơi là lửa tắt liền! Há cần phải chờ dân làng?”
Nghĩ là làm, Gióng hít một hơi thật sâu, ngực phồng lên như trống cái làng. Chàng dùng hết sức bình sinh thổi mạnh vào đám cháy. Gió rít lên như bão cuốn mây, cuốn theo lá khô, bụi đất bay mù trời. Nhưng lửa lại chẳng chịu tắt mà bùng lên to hơn, đỏ rực như rắn lửa trườn qua rừng. Tia lửa bắn tứ tung, bén vào tre khô, chỉ trong chớp mắt, cả một góc rừng tre rực cháy ngút ngàn. Khói đen cuộn lên phủ kín trời xanh. Thoáng chốc chẳng còn lại gì ngoài một bãi tro tàn, Gióng đứng ngơ ngốc nhìn cảnh tượng này, tay nắm chặt cái rựa mà không biết xử lý ra sao.
Ông lão vừa mới quay lại, thấy cảnh ấy thì hét lên rồi oà khóc:
“Trời ơi, chàng làm gì thế? Lão bảo chàng chặt cành, đào rãnh, sao chàng lại thổi cho cháy to? Giờ tre quý cháy hết, làng ta lấy gì làm nỏ chống giặc Ân?”
Lòng Gióng rối như tơ vò, còn định cãi: “Ta muốn dập lửa nhanh, sao lại trách ta?” Nhưng nhìn ông lão quỳ bên gốc tre cháy, tay ôm mảnh tre vỡ, nước mắt lăn dài. Chàng nghẹn lời, cúi đầu im lặng. Chàng nhanh trí quá, nhưng lại thiếu kiên nhẫn, nghĩ là làm liền mà không có suy tính sâu xa hơn.
Ông lão đứng dậy, giọng buồn bã nói:
“Thôi, chàng đi đi. Tre cũng không còn nữa, ở lại đây cũng chẳng có ích gì.”
Gióng nghe vậy thì hốt hoảng lắm, vội vàng bước tới ông lão, đoạn chàng khoanh tay lại:
“Xin lão đừng xua ta đi! Lỗi này do ta quá mất kiên nhẫn, cứ tự vội mà ra. Mong lão rủ lòng thương, chỉ cho ta cách chuộc lỗi với làng, với tre. Ta nguyện sẽ làm theo đến cùng!”
Nghe vậy, ông lão chỉ thở dài và lên tiếng một cách nghiêm khaức:
“Chàng muốn chuộc lỗi không? Ở lại đây, chặt cành khô, đào rãnh ngăn lửa còn sót, rồi trồng lại tre mới. Nhưng phải làm theo lời lão, đừng tự ý mà hỏng việc nữa.”
Gióng không cãi lại, chàng cầm lấy rựa và lặng lẽ làm theo. Ông lão đưa tay ra chỉ dẫn cho chàng:
“Chặt cành khô thế này, nhẹ tay thôi kẻo gãy mầm. Đào rãnh thế kia, sâu vừa đủ ngăn lửa lan.”
Gióng lắng nghe, làm từng bước một cách cẩn thận. Ấy vậy mà lửa vẫn còn âm ỉ, chẳng dễ dập ngay. Ông lão mang nước tới, Gióng kiên nhẫn dội từng gáo, chặt từng cành, đào từng nhát đất, ngày qua ngày chẳng nghỉ. Mồ hôi chàng chảy đến ướt áo, còn hơn cả lần đánh nhau với Sơn Vương, tay chàng chai sần, nhưng tuyệt nhiên không có tiếng kêu ca, chỉ lẩm bẩm:
“Ta phải làm cho xong, dân làng còn đang trông chờ.”
Dần dà, chớp mắt ba ngày đã trôi qua. Lửa đã tắt hẳn, đất cháy cũng nguội dần. Ông lão bèn dẫn Gióng vào rừng sâu lấy măng tre, dạy chàng cách trồng:
“Trồng măng phải nâng niu, chờ ngày qua ngày, tre mới lớn.”
Gióng kiên nhẫn làm theo, từng mầm tre non nhú lên xanh mướt. Rồi cho tới một ngày khi toàn bộ tre non đã nhú tên mảnh đất màu mỡ, ông lão mới dừng tay lại. Ông nở một nụ cười hiền từ, tay vuốt lấy chòm râu của mình và cất tiếng khen:
“Giỏi! Giỏi lắm! Chàng bỏ tự cao mà lắng nghe lão, lại kiên nhẫn ngày qua ngày. Nay nghe tin chàng đang trên đường đến Kinh đô đánh giặc, lão cũng góp sức một hai, giờ chàng hãy chẻ năm trăm đốt tre mang đến cho lão!”
Gióng nghe theo lời của ông lão, chàng lặn lội đi đường xa tìm lấy những cây tre đẹp nhất, to nhất mà chặt thành từng đốt đem về cho ông lão. Khi năm trăm đốt tre chất đầy trước mặt, ông lão bước tới, đọc ba lần câu: “Khắc xuất, khắc nhập!”. Tức thì, những đốt tre rung lên, nhanh như chớp gắn kết lại với nhau, hóa thành những cây tre cao vút, thẳng tắp mà vững vàng. Gióng tròn mắt chứng kiến cảnh tượng kỳ diệu ấy, ông lão ngồi xuống, cười hiền mà vuốt râu:
“Chàng biết không? Xưa lão cũng từng khổ vì tre. Lão sinh ra nhà nghèo, làm nông dân cho một tên giàu có trong vùng. Tên ấy thách đố lão rằng nếu chặt được cây tre trăm đốt thì mới cưới được vợ của hắn. Lúc ấy lão đi vào rừng, oà khóc vì chẳng tìm được cây tre trăm đốt nào cả. Lúc ấy chính bụt đã hiện ra và dạy cho lão câu thần chú này.”
Nói rồi, lão bèn đứng dậy và nắm lấy bàn tay to lớn của Thánh Gióng. Giọng hiền từ như đang dặn hò lấy người cháu trai của mình:
“Nay nghe tin chàng đang lên đường đánh giặc Ân, lão cũng muốn góp một phần công sức. Tiếc thay lão đã già rồi, chỉ có thể truyền cho chàng ít tài mọn. Chàng hãy lắng nghe lời của lão: Vội vàng sẽ chỉ làm hỏng việc, càng nôn nóng sẽ chỉ phá thêm. Bỏ được lòng vội vã, rèn cho tâm kiên nhẫn, ắt chàng sẽ vững vàng như núi trước bọn giặc Ân!”
Gióng lắng nghe lời của ông lão dặn. Xong xuôi, chàng cúi đầu, khoanh tay thưa: “Cảm ơn lão đã kể chuyện, dạy ta bài học quý. Ta sẽ ghi lòng tạc dạ, rèn luyện được tâm kiên nhẫn!”
Ông lão cười hiền, gật đầu, rồi chống gậy bước đi, bóng ông khuất dần sau rừng tre xanh. Gióng nhớ rõ thần chú, lại lên ngựa và tiếp tục hành trình của mình trên con đường tới Kinh đô.
Một ngày nọ. Gióng đi qua một ngôi làng nhỏ nằm nép bên bờ sông, khói bếp lưa thưa, tiếng gà teo tóp chẳng vang. Dân làng co ro trong những mái nhà tranh, mặt mày hốc hác, mắt đỏ hoe nhìn ra xa. Từ cánh rừng gần đó, tiếng la hét của giặc Ân vọng lại, chúng vây kín làng, chặn khắp bốn phương tám hướng khiến cho không ai có thể ra ngoài cả. Trước mặt là giặc Ân, sau lưng là sông lớn, dường như ai cũng chỉ tuyệt vọng chờ lấy cái chết ập đến.
Gióng đến bắt chuyện với một nguời thợ rèn già ở bên bờ sông, ông nói:
“Giặc Ân chặn nguồn gỗ. Bây giờ làng ta có muốn chiến đấu cũng không có lửa để rèn sắt, muốn chạy trốn cũng không có gỗ để đúc thuyền. Bây giờ mọi người chỉ còn đường chờ chết mà thôi.”
“Hãy để ta giúp các ngươi!”
Gióng nghe vậy, chàng bèn nói và cưỡi ngựa lao thẳng ra bìa rừng nơi giặc Ân đóng quân. Chàng gầm lên như sấm, tay không nhổ cây lớn làm gậy, xông vào đám giặc, định phá vòng vây. Tiếng “ầm ầm” vang dội, cây đổ, đất rung, vài tên giặc ngã nhào, chúng ầm ầm rút quân.
Ấy vậy mà khi chàng vừa trở về làng, hôm sau giặc Ân lại quay trở lại bao vây khắp bốn phương. Năm lần bảy lượt Gióng xông pha đẩy lùi chúng, nhưng chúng đông như kiến, mỗi lần bị đánh bại lại kéo thêm quân, giăng lưới sắt chắn lối. Gióng đánh mãi, mồ hôi hôi ướt áo, ngựa hí vang vì mệt. Thấy vậy, người thợ rèn già mới nói:
“Chàng trai trẻ, giặc Ân đã lăm le tới gần Kinh đô rồi, cậu đừng mất thời gian ở đây nữa. Hôm nay cậu đuổi chúng, hôm khác chúng sẽ trở lại. Thôi, cậu cứ rời khỏi đây mà tới Kinh đô giúp vua, dân ta sẵn sàng hi sinh vì nước.”
Gióng thấy ông lão đứng bên lò nguội, tay ôm khối sắt lạnh chẳng thể mài được gươm giáo. Gióng đưa tay chạm vào lớp da hổ khoác trên người, trong đầu nghĩ thầm rằng:
“Hay là ta lấy tấm da hổ này để đốt lò?” Nhưng rồi, chàng lập tức lắc đầu:
“Không được, da hổ này là chiến tích của ta, bỏ đi sao đành?”
Gióng lên đường rời khỏi làng. Nhưng trên đường đi, khi nhìn thấy dân làng co ro, người thì tay không tấc sắt, trẻ nhỏ lại khóc đói. Chàng bèn nghiến răng giục ngựa quay về nhà thợ rèn và tháo tấm da hổ xuống, đưa cho ông lão:
“Lấy cái này đốt lò đi! Bộ da lớn hơn voi, có thể rèn đủ giáp gươm cho cả làng này!”
Ông lão cầm mừng rỡ mà ném vào lò, lửa bùng lên đỏ rực nóng ran như mặt trời giữa trưa. Gióng đứng bên, tay cầm búa, cùng ông lão đập sắt, rèn từng tấm giáp. Mùi da cháy khét lẹt, khói cay đến xè mắt, nhưng Gióng chẳng rời lò, đập búa đều tay như thể đang trút nỗi tiếc nuối vì hi sinh bộ da của mình.
Đến khi gươm giáp đã được rèn ra, dân làng bèn mặc vào và xông ra đánh giặc một cách hung mãnh. Bị tập kích khiến giặc Ân bất ngờ, thua chạy tán loạn, nhờ vậy mà làng thoát nạn. Gióng nhìn dân làng mở hội ăn mừng, lòng cũng chẳng tiếc nuối như trước nữa.
Đột ngột, ông lão thợ rèn hoá thành một lão rùa vàng to lớn. Mai vàng óng ánh sắc hoàng kim, bốn chân vững chãi như cột đá. Từ miệng rùa, giọng ông lão vang lên:
“Ta là thần Kim Quy từ trời xuống để giúp chàng, nhưng có vẻ như chàng không cần đến sự giúp sức của ta nữa.”
“Trời ban cho chàng sức mạnh như gió cuốn mây, nhổ cây, phá núi chẳng ai bì. Nhưng sức ấy chẳng phải tất cả, chàng đã học được đạo khiêm nhường, cúi đầu nghe tiếng dân kêu, chẳng cậy mình mà làm liều. Trời cho chàng tính nóng như lửa, để xông pha giữa ngàn quân giặc, nhưng chàng đã tự mình rèn lòng nhẫn nại, kiên nhẫn bền bỉ tựa như núi xanh. Và cuối cùng…”
Nói đến đây, Thần Kim Quy nhìn lấy Gióng, giọng đầy tự hào:
“Chàng có sức mạnh trời ban, sức mạnh có thể dời núi lấp biển chẳng ai bì nổi. Nhưng lòng hi sinh lớn hơn trời cao, chàng sẵn sàng đem đốt tấm da hổ, không vì danh tiếng của mình, mà vì tính mạng của muôn vào dân chúng. Đúng là sức mạnh thật là vì dân mà hiến, chẳng phải trời ban!
Nói đoạn, thần Kim Quy bèn nhả ra từ trong miệng roi sắt, giáp sắt cho cả Gióng và ngựa. Ngài đắm mình xuống biển, để lộ cái mai ra trước mặt Gióng, giọng hiền hậu:
“Giờ Kinh Đô đang ngập nguy, khói lửa mịt mù, giặc Ân hung tàn. Hãy để ta đưa chàng tới đánh giặc cứu nước!”
Gióng mang giáp sắt, cầm roi sắt cưỡi ngựa phi lên trên lưng thần Kim Quy. Ngài bỗng chốc bơi qua bạt ngàn sông lớn, phi qua vạn dặm mây xanh. Thoáng cái mà Kinh đô đã ở ngay trước mắt với khói lửa ngập trời, quân giặc và quân ta đánh nhau đến đầu rơi máu chảy nhuộm đỏ cả đất Văn Lang, ánh lửa loé ra từ binh khí va chạm làm sáng cả một mảng trời đêm.
Từ trên trời, Gióng nhảy khỏi lưng thần Kim Quy mà phi xuống đánh giặc. Chàng đánh rất hung mãnh bão, roi quật tới đâu giặc ngã tới đó, ngựa hí vang đạp tan hàng quân địch. Vua Hùng thấy Gióng xuất hiện thì mừng rỡ lắm, vội cho sứ giả đi loan tin khắp cả Kinh đô:
“Sứ giả nhà trời xuống trợ giúp quân ta rồi! Mau mau đuổi giết quân địch!”
Tức thì, sĩ khí của quân ta càng dâng cao hơn. Như gió cuốn mây tan, quân ta đi tới đâu giặc lại ngã tới đó. Dưới sự trợ giúp của Gióng, quân ta thoáng chốc đã đánh tan kẻ địch, giành lại được Kinh đô. Dân Kinh Đô reo vang, trống đánh rộn ràng, tiếng mừng lan khắp núi sông.
Hồi 3: Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương
Giữa lúc vui mừng, một người lính từ quê nhà của chàng cưỡi ngựa phi từ xa tới, áo rách, mặt lấm lem bụi đất, quỳ trước Gióng thưa gấp: “Gióng ơi. Giặc Ân nghe được tin bại trận ở đây, giờ chúng thi nhau kéo quân về làng của ngài muốn từ đó mà tiến thẳng về Kinh đô. Trên đường đi chúng đốt nhà, cướp của, dân kêu khóc ngập trời!”
Gióng nghe tin, lòng như lửa đốt. Chàng nắm chặt roi sắt và cúi chào vua, giọng chắc như đá: “Xin vua cho thần về cứu làng, giặc chưa hết, thần chưa nghỉ!” Vua gật đầu, ban thêm trăm quân, nhưng Gióng lắc đầu: “Thời gian cấp bách, một mình thần đi đi trước là đủ.”
Nói đoạn, Gióng nhảy lên ngựa phi như gió cuốn qua đồng lúa, vượt qua núi cao. Con ngựa đen tung vó, hí vang như gọi đất trời làm chứng. Gióng phi ngựa ba ngày ba đêm không ngủ, cuối cùng cũng về tới làng.
Nhưng khi đến nơi, cảnh tượng trước mắt khiến chàng như chết lặng. Nhà tranh cháy tan hoang, khói đen mịt mù bốc lên như mây giông phủ trời, dân làng nằm la liệt bên bờ ruộng, người thương nặng rên xiết, kẻ đã tắt hơi chẳng còn nói được lời nào. Trẻ nhỏ ôm xác mẹ khóc nghẹn, ông bà già chống gậy run run nhìn giặc Ân gào thét giữa đồng. Ngựa đen dừng vó, hí lên thảm thiết, Gióng đứng sững, roi sắt rơi xuống đất, mắt đỏ hoe như máu.
Gióng tức giận hét lớn, giọng vang như sấm: “Giặc kia, trả mạng cho làng ta!”. Đoạn chàng lao vào kẻ địch, lấy hết sức bình sinh mà vung lên roi sắt quật nát hàng chục tên quân giặc, giáp sắt chắn tên, ngựa đạp tan kẻ thù. Giặc đông như kiến, tên bay như mưa, nhưng chúng kéo đến càng đông thì Gióng càng đánh hăng. Chàng đánh đến quên ngày quên đêm, mặc cho giáp đã gãy, mặc cho roi đã tan tành.
Đến khi Gióng không còn sức lực nào nữa, chàng bất tỉnh nhưng thân thể vẫn đứng vững trên chiến trường, tựa như một bức tường vững chắc bảo vệ non sông. Giặc thấy thế thì khiếp vía, mất hết cả can đảm mà bỏ chạy, ngôi làng lại một lần nữa giành lại được bình an.
Để rồi, một lần nữa Gióng lại mở mắt tỉnh dậy, cảnh tượng mái nhà thân thuộc lọt vào mắt của chàng. Đầu chàng đau như búa bổ, thân chàng mệt và đau đến rã rời. Gióng thấy mẹ bên cạnh, mái tóc đen của bà giờ đã chuyển sang sắc bạc và rối bời, tay bà ôm chặt con, đôi mắt đỏ hoe đẫm lệ. Mẹ Gióng cười tươi, giọng vỡ oà vì hạnh phúc:
“Con ơi, con cứu đã cứu được cả làng ta rồi, con của ta thực sự đã trưởng thành rồi… Đã lớn rồi…”
“Đúng vậy, con đã lớn rồi, cũng đã học được rất nhiều bài học.”
Gióng nở một nụ cười khiêm tốn, mẹ của chàng cũng cười, chỉ lên tiếng trấn an lấy chàng:
“Con cứ ở đây đi, ngày hôm sau lính của vua Hùng sẽ tới. Những người dân của làng ta cũng có thể cầm cự với bọn giặc một thời gian nữa.”
Nghe vậy, Gióng còn muốn nói gì thêm, nhưng rồi chàng chỉ khẽ gật đầu. Lần đầu tiên, cảm giác muốn sống trỗi dậy bên trong chàng, nhìn đồng lúa cháy xém còn khói, lòng Gióng nhẹ như mây trôi, chỉ muốn ở lại bên mẹ. Tối đó, cả hai mẹ con có một bữa cơm rất đỗi đầm ấm, những món ăn giản dị ấy lại vượt qua những món ăn sơn hào hải vị mà Gióng được trải qua trên đường đến Kinh đô.
Đến đêm, vầng trăng treo lơ lửng giữa trời, gió đêm thổi qua đồng lúa. Gióng nằm bên mẹ trong ngôi nhà tranh, nghe tiếng bà thở đều, lòng chàng thoáng cảm nhận được sự bình yên. Nhưng Gióng vẫn không ngủ được, lòng chàng rối như tơ vò.
Và rồi, Gióng lặng lẽ ngồi dậy. Thân thể chàng vẫn còn chằng chịt những vết thương mà kẻ địch để lại, tiếng giáp khẽ vang như lời thúc giục. Chàng cầm roi gãy, nhìn mẹ lần cuối. Đoạn bước chân ra khỏi cửa. Nhưng tiếng mẹ vang lên sau lưng, thật yên tĩnh, thật nhẹ nhàng, thấm đượm một nỗi buồn tựa như gió mùa thu:
“Con ơi, con đi đâu vậy?”
Gióng nhìn lấy mẹ, bà vẫn nằm quay lưng vào tường, giọng bà vẫn bình tĩnh lắm, nhưng lại khản đặc:
“Con vẫn chưa khoẻ lại đâu.”
Gióng quỳ xuống. Giống như mẹ của mình, giọng chàng cũng bình tĩnh đến lạ thường:
“Thưa mẹ, nếu chờ đến lúc binh lính của vua Hùng tới, làng ta sẽ phải hi sinh tính mạng của rất nhiều người.”
“Con còn thương nặng lắm.” Đáp lại Gióng, giọng của mẹ run run, mặt bà đối diện vào tường, không dám nhìn lấy đứa con trai của mình. Giọng của Gióng cũng vì vậy mà run theo, chàng dập đầu ba lần trước mẹ, trán chạm sát nền đất trên nền đất. Giọng điệu chàng như một lời khẩn cầu:
“Mẹ ơi, con vừa bất hiếu vừa bất tài! Kiếp này trời ban sức mạnh, thần cho giáp roi, mà con chẳng giữ được mái nhà yên, để mẹ khổ, dân khóc. Vì đánh giặc, vì cứu nước, chữ hiếu kiếp này con không thể báo. Chỉ đành nhờ vào kiếp sau, hi vọng con vẫn là con của mẹ.”
Lần này, Gióng quay người rời khỏi nơi này, con ngựa đen đã ở ngoài sân chờ sẵn. Gióng lên người, chàng phi thẳng về phía trại địch. Roi gãy bị ném đi như đạn pháo, Gióng nhổ lấy bụi tre, hô to hai từ “Khắc xuất, khắc nhập”, gậy tre quét tan quân giặc, cứ một đốt bị gãy, lại có đốt khác vào thay thế. Gióng đánh tan quân giặc, Ân Vương lại bị đánh tan xác. Cho đến khi quân đội của vua Hùng đến, tất cả những gì còn lại chỉ là tàn dư của đám giặc Ân, chúng hết xin hàng lại thi nhau bái lạy thiên vương. Quân đội của Hùng Vương và dân các làng chỉ còn việc xông ra bắt giữ chúng lại.
Trong tiếng muôn dân làng reo hò, tiếng trống vang rộn rã. Gióng lại chẳng chẳng dừng lại. Chàng nắm chặt dây cương, tay kia ôm vết thương lớn nơi ngực, máu chảy tí tách nhỏ từng giọt xuống đất, in đỏ thẫm con đường chàng đi. Ngựa đen hí vang, tung vó chạy qua đồng lúa cháy, qua rừng tre xanh, qua làng nhỏ bên sông, ấy là những nơi từng dạy chàng khiêm nhường, kiên nhẫn, hi sinh. Nhưng giờ đây, Gióng thấy thật có lỗi vì chàng chẳng còn sức nhìn lại, mắt mờ dần, giờ chàng chỉ muốn tìm một góc yên tĩnh để nghỉ ngơi một lúc, để có thể ăn được nắm cơm mà mẹ đã chuẩn bị sẵn cho chàng mà thôi.
Đến dưới một gốc cây đa, ngựa đen quỵ xuống, thở hồng hộc lần cuối rồi ngã khuỵu xuống, đôi mắt nó buồn rười rượi rồi khẽ khép lại như tiễn chủ. Gióng trượt khỏi lưng ngựa, chàng ngồi bệt xuống gốc cây, lưng tựa vào thân đa sần sùi. Gióng tay run run lấy ra nắm cơm mẹ gói trong lá chuối.
Chàng mở nắm cơm mẹ gói ra và khẽ ăn từng miếng, nhai một cách chậm rãi như muốn thưởng thức những khoảnh khắc cuối đời cho thật trọn vẹn. Vị mặn của muối, vị ngọt của gạo quê nhẹ nhàng thấm vào lưỡi, cả tuổi thơ ùa như ùa về. Nhưng rồi, tay chàng buông thõng, nắm cơm rơi xuống đất, mắt ngước nhìn trời xanh qua tán lá đa xào xạc. Gióng muốn về gặp mẹ, muốn cất tiếng nói nhưng không nỡ để mẹ thấy mình như thế này, chỉ đành mấp máy môi:
“Đời này ta đánh giặc, cứu nước. Nhưng vì tự cao mà suốt ba năm ròng, ta chưa một ngày ngồi bên mẹ ăn bữa cơm trọn vẹn, chưa một lần giúp mẹ đỡ gánh lúa về nhà. Chữ hiếu kiếp này chưa tròn, ta nợ mẹ nhiều quá…”
Chàng thở dài, nước mắt lăn dài trên gò má lấm lem cả máu lẫn bụi, nhẹ nhàng thấm vào đất như lời quyến luyến quê hương trong khoảnh khắc cuối đời. Nhưng rồi, chàng mỉm cười, nụ cười thanh thản biết bao nhiêu:
“Mẹ ơi… Dân làng sống, trẻ con cười, giặc tan, đất nước yên. Con đánh Sơn Vương, dập lửa tre, rèn gươm giáp cứu người, cho dù giờ có ngã xuống đây cũng chẳng uổng phí.”
Đời này, Gióng sống thật vội vàng. Cả đời người của chàng dài có vỏn vẹn trong ba năm ngắn ngủi.
Sinh ra chẳng như trẻ làng, chẳng bò lẫm chẫm, chẳng bi bô lời đầu bên mẹ, ba năm nằm im như đá núi, chàng chỉ chực chờ ngày trời gọi đánh cọp, cứu dân. Trẻ con làng tung tăng chạy nhảy, cười vang đồng lúa, đùa bên rặng tre, còn chàng thì không, cả đời chàng chẳng có lấy một ngày hồn nhiên. Niềm vui tuổi thơ, chàng đâu có cơ hội biết tới chứ? Chẳng kịp cầm sáo thổi trên lưng trâu, chẳng kịp thả diều chạy dọc đồng ruộng, chỉ có tiếng gầm giặc, tiếng roi quất, tiếng ngựa hí vang giữa khói lửa ngập trời.
Cuộc đời chàng tấp nập như gió cuốn mây trôi. Người ta sống một đời, có lúc ngồi bên mâm cơm mẹ nấu, có lúc nghe gió ru dưới mái tranh. Tiếc thay Gióng không có cơ hội như vậy. Cơm mẹ gói Gióng chỉ kịp ăn dưới gốc đa, đến khi chàng ra đi giáp còn đỏ máu. Chàng sống chẳng để vui, mà để chiến, để cứu, để ngã xuống bảo hộ cho muôn dân, chỉ mong cho đất nước được yên ổn.
Đúng như lời nói ngông cuồng khi xưa của Gióng: “Ta tài hoa hơn người, chỉ có những việc lay chuyển trời đất mới xứng đáng với thân phận của ta”. Tựa như trời đất đã nghe thấy lời nói của chàng. Đời này, Gióng sống rất đỗi tấp nập, đến mức chàng phải dành việc báo đáp công ơn của đấng sinh thành cho kiếp sau.
Gióng mỉm cười, đời này đã thoả, chàng nhắm mắt và hơi thở yếu dần, cuối cùng rồi tắt hẳn.
Hùng Vương nhớ công ơn ấy, tôn chàng làm Phù Đổng Thiên Vương, lập miếu thờ ngay ngôi nhà cũ trong làng, khói hương sớm hôm nghi ngút, ban cho ngàn mẫu ruộng tốt, để đời đời dân làng cày cấy, tưởng nhớ công ơn của chàng. Nhà Ân khiếp vía, 644 năm dài đằng đẵng chẳng dám kéo quân xâm lấn, Gióng cũng được lưu vào sử sách, để lại tiếng thơm muôn đời.


0 Bình luận