Tim tôi hẫng một nhịp khi nghe Linh trả lời. Dù vậy, tôi vẫn hỏi lại thêm một lần nữa, cố gắng níu lấy những tia hy vọng cuối cùng:
“C-Cậu chắc chứ? Thử nhớ kỹ lại xem nào!?”
Nghe tôi nói vậy, Linh cũng nhắm mắt suy nghĩ như đang lục tìm hình ảnh của tôi trong dòng ký ức. Và rồi, cô lắc đầu phủ nhận.
Lúc ấy, tôi chỉ biết hướng ánh mắt thất thần về phía Linh và đáp “Xin lỗi, chắc tớ nhầm với ai đó.” rồi cũng lấy sách vở chuẩn bị cho tiết học sắp tới.
Suốt buổi học hôm ấy, tôi chẳng thể tập trung vào bất cứ thứ gì. Trong đầu cũng chỉ có một suy nghĩ lặp đi lặp lại, rằng tại sao Linh lại trả lời tôi như vậy. Ngay cả khi thầy cô gọi tôi lên bảng làm bài, tôi cũng chỉ làm qua loa rồi đi về chỗ mà chẳng để tâm kết quả đúng sai ra sao.
Tiết bốn, giờ kiểm tra.
Chỉ mất chưa đến nửa tiếng, tôi đã làm xong bài kiểm tra toán giữa kỳ dài chín mươi phút. Thế nhưng, lúc này tôi chẳng còn tâm trạng để kiểm tra lại đáp án nữa. Từng con số như đang nhảy múa trước mắt cứ như thể chính chúng cũng không muốn ở lại trên trang giấy vậy.
Tôi úp mặt xuống bàn, để mặc cơn đau âm ỉ nơi thái dương lan dần ra sau gáy. Xung quanh tôi chỉ còn lại tiếng lật giấy sột soạt, tiếng bút viết, tiếng thở dài từ những đứa bạn cùng lớp đang căng thẳng giải đề.
Tôi nhắm mắt lại.
Một lần nữa, gương mặt Linh lại hiện ra trong tâm trí. Biểu cảm ngạc nhiên, đôi mắt trong veo ánh lên vẻ tò mò và cái lắc đầu phủ nhận. Tất cả chúng như một nhát dao đang chậm rãi cứa sâu vào trái tim tôi.
Cứ thế, một giờ đồng hồ nhanh chóng trôi qua.
Tùng… Tùng… Tùng…
Tiếng trống tan trường vang lên, báo hiệu thời gian làm bài đã hết. Tôi nhanh chóng dồn bài ra đầu bàn rồi thu dọn đồ đạc và chuẩn bị ra về.
Xung quanh tôi, đám bạn cùng lớp bắt đầu bàn tán về đề bài và đáp án. Những câu hỏi như ‘Làm được bài không?’ hay ‘Câu đó chọn gì thế?’ vang lên không ngớt. Giọng đứa nào đứa nấy đều mang nặng vẻ lo âu. Tôi còn nghe thấp thoáng có vài đứa nói ‘Tạch rồi!’ và cả ‘Nhầm công thức rồi!’ nữa, nhưng tôi chẳng mấy bận tâm.
Bên cạnh tôi, Linh đã thu dọn đồ đạc xong xuôi. Cô đứng dậy, gật đầu chào tôi rồi ra về. Tôi vô thức gật đầu đáp lại, dù tâm trí vẫn đang treo ngược cành cây.
Cứ thế, những tiếng nói chuyện ồn ào dần thưa thớt. Đám bạn cùng lớp tôi lần lượt ra về, trả lại cho căn phòng học sự yên tĩnh sau một buổi học dài đằng đẵng.
Một lát sau, vẫn tại vị trí đó, tôi hướng ánh mắt vô định về phía sân trường, nơi giờ đây chỉ còn lại ánh nắng gay gắt ban trưa, không còn sự đông đúc của vài phút trước nữa.
Tay tôi mân mê quai cặp, đầu óc vẫn quay cuồng với vô vàn câu hỏi không lời đáp.
“Cô ấy thực sự không nhớ gì cả…” Tôi lẩm bẩm với âm lượng rất nhỏ.
“Mày chắc chứ?”
Dũng từ đâu lên tiếng khiến tôi giật nảy mình. Sau khi đã hoàn hồn, tôi quay người lại nhìn thẳng vào nó rồi hỏi lại với giọng điệu ngạc nhiên:
“Hả? Mày không về chỗ làm thêm à?”
“Mấy bữa nay tao được nghỉ ca trưa. Lát về cùng không?”
“Ờ, cũng được. Mày cũng sướng ghê nhở, tiệm bớt đông rồi hay sao thế?”
“Không mày, chủ tiệm phải về quê ăn giỗ nên tao mới được nghỉ. Mai ổng lên là tao phải đi làm tiếp. Cơ mà nghỉ mấy ngày được ngủ trưa đã ghê!”
“Thế thì tốt rồi.”
Tưởng rằng từng đó chuyện đã đủ để khiến Dũng quên đi câu lỡ miệng của tôi ban nãy, nhưng không, chỉ vài giây sau, nó liền tiếp lời với vẻ nghiêm túc mà ngay cả tôi cũng hiếm khi được chứng kiến:
“Rồi, tán nhảm thế thôi. Giờ thì nói cho tao biết đi, rốt cuộc là có chuyện gì?”
“H-Hả? Nói gì cơ? Tao có biết gì đâu…” Tôi vội vàng tránh né ánh nhìn phán xét của nó rồi đáp với giọng điệu ấp a ấp úng.
“Có nói không?”
Vừa nói, Dũng vừa đưa tay kẹp cổ tôi nhưng chỉ là giả vờ siết nhẹ, đúng kiểu ‘thị uy sức mạnh’ của nó từ hồi cấp hai tới giờ.
Tôi nhăn mặt, gỡ tay nó ra rồi lầm bầm: “Rồi, rồi, tao kể là được chứ gì?”
Dũng khoanh tay, tựa lưng vào chiếc bàn phía sau, ánh mắt nó giờ đây không còn chút giỡn chơi nào nữa: “Nãy mày nói gì mà ‘cô ấy không nhớ gì cả’? Là sao?”
Tôi ngập ngừng một lúc rồi thở dài: “Tao hỏi Linh là có nhớ tao không.”
“Rồi sao nữa?”
“Nhỏ nói... chưa từng gặp tao bao giờ.”
Dũng khựng lại. Một giây, rồi hai giây. Nó cứ đứng đờ ra như vậy một lúc lâu, dù tôi có gọi thế nào cũng không trả lời. Thường thì nó chỉ bày ra bộ dạng này khi não không kịp xử lý lượng thông tin nhận vào, hay nói cách khác, nó đang cực kỳ sốc.
“Mày có chắc cô ấy là Linh không vậy?”
“Chắc, trăm phần trăm luôn. Mọi đặc điểm nhận dạng đều khớp cả. Từ vết bớt, giọng nói, mùi hương đặc trưng đều không khác trước kia là bao…”
Đến lúc nói xong, tôi mới chợt khựng lại. Lí do là vì, Dũng đang nhìn tôi với ánh mắt khó hiểu, và tôi cũng đã nhận ra mình vừa nói hơi quá mức cần thiết.
“Ờ… hình như hơi chi tiết quá rồi đấy?”
“…”
Tôi chỉ biết quay mặt đi để né tránh ánh mắt phán xét của Dũng. Bởi lẽ, từng câu từng chữ được thốt ra ban nãy là bí mật thầm kín được chôn vùi suốt mấy năm qua của tôi.
Dũng khẽ huýt sáo một tiếng, giọng kéo dài đầy ẩn ý:
“Ghê, ghê. Không ngờ anh tôi còn là một ‘thám tử tình yêu’ cơ đấy! Đến cả mùi mà cũng nhớ thì ai chơi lại đây?”
“I-Im đi” Tôi lúng túng đáp.
Hai tai tôi bắt đầu nóng ran. Nếu lúc ấy có một cái lỗ để chui xuống, chắc tôi cũng vui vẻ mà nhảy vào để giấu đi khuôn mặt đang đỏ bừng của mình mất.
Thấy dáng vẻ lúng túng của tôi, Dũng cười phá lên. Nó vừa cười vừa vỗ bồm bộp vào vai tôi khiến tôi càng khó chịu hơn. Dẫu vậy, tôi cũng đành chịu vì chính tôi là người đã lỡ lời trước.
Khi đã cười chán chê, nó bắt đầu nghiêm túc trở lại. Đột nhiên, giọng nó trầm hẳn xuống:
“Này… Tao hỏi thật nhé. Nếu đó thực sự là Linh thì sao nhỏ lại không nhớ gì hết?”
“Tao cũng đang tự hỏi điều đó từ sáng đến giờ đây.” Tôi chán nản đáp.
Nghe tôi nói vậy, Dũng lại tỏ vẻ đăm chiêu. Hai mắt nó nhắm nghiền như thể đang vô cùng tập trung để nghĩ về lí do vậy. Khoảng hai phút sau, nó lại hỏi tôi:
“Có khi nào nhỏ đang giả vờ không?”
“Không phải đâu, cái cách nhỏ nhìn tao lúc ấy… giống như tao chỉ là một thằng bạn cùng lớp xa lạ ấy.”
“Vậy… giờ mày tính sao?”
“Tao không biết.” Tôi lắc đầu.
“Quang này, tao nói cái này mày đừng có buồn nha?”
“Ờ, nói đi.”
“Mày biết gì không? Tao để ý thấy ánh mắt mày lúc nhắc đến vụ tai nạn, nó không giống người chỉ là nạn nhân đâu.”
“…”
“Hai đứa kia, làm gì mà giờ vẫn chưa về thế?”
Khi tôi còn chưa biết phải đáp lại câu hỏi của Dũng ra sao thì có một giọng nói ồm ồm phát ra sau lưng. Theo phản xạ, tôi và nó lập tức ngước lên nhìn.
Bác bảo vệ trong bộ đồng phục xanh đang đứng trước cửa lớp, hai tay chống nạnh, ánh mắt nheo lại như thể đang cố phân biệt hai cái bóng lười biếng còn sót lại giữa trưa nắng.
“Trường tan học cả buổi rồi, mấy đứa còn ngồi đó mà tám chuyện cái gì? Muốn chú khóa cửa nhốt lại luôn không?”
Dũng bật cười, vội vàng cúi đầu:
“Dạ không ạ! Tụi con về liền đây!”
Tôi cũng lí nhí đáp theo, rồi cả hai cùng xách cặp rời khỏi lớp.
***
Trên đường về, ánh nắng ban trưa trải dài trên mặt đường nhựa như một tấm thảm vàng hoe. Chúng tôi bước chậm rãi bước đi, cả hai đều đắm chìm trong dòng tâm sự của bản thân mình.
Khi vừa đi được vài trăm mét, Dũng mở lời với giọng điệu vô cùng nghiêm túc:
“Quang này, tao hỏi thật nhé. Mày đang giấu tao cái gì vậy?”
Tôi thở dài, mắt vẫn nhìn thẳng về phía trước, đáp: “Tao không giấu gì hết. Chỉ là... tao chưa sẵn sàng để nói thôi.”
Dũng gật đầu, không gặng nữa.
Nó biết rõ tôi, khi tôi nói chưa sẵn sàng, nghĩa là lòng vẫn còn đang mắc kẹt ở một nơi nào đó mà chính tôi cũng chưa dám nhìn thẳng vào. Những lúc thấy tôi như vậy, nó không can thiệp sâu thêm mà chỉ lặng lẽ chuyển chủ đề.
Và ngay lúc này, nó cũng lảng sang một câu hỏi khác:
“Thôi bỏ đi, nãy giờ tao hỏi mày cũng hơi nhiều rồi. Thế, giờ mày ổn không?”
Tôi khựng lại một nhịp. Không phải vì câu hỏi quá bất ngờ, mà vì tôi không biết phải định nghĩa thế nào là “ổn” nữa.
Là khi còn sống? Là khi không bật khóc? Hay là khi có thể mỉm cười mà không thấy tội lỗi?
Vì lẽ đó, phải một lúc lâu sau, tôi mới có thể trả lời câu hỏi của Dũng:
“Tao cũng không biết. Cảm giác như bị ai đó cắt đứt một phần ký ức, rồi bảo mình cứ sống tiếp như chưa từng có gì xảy ra.”
Dũng gật nhẹ, ra vẻ hiểu. Nhưng tôi biết rõ là nó đang suy tính gì đó sâu hơn.
“Tao nhớ năm đó mày biến mất cả tháng trời. Lúc trở lại cũng khác hẳn. Ai hỏi cũng né, có khi đang cười cũng sầm mặt lại. Lúc ấy, tao tưởng chỉ là cú sốc sau tai nạn, nhưng giờ thì tao thấy chưa chắc.”
Tôi quay sang nhìn nó mà không nói lời nào. Thấy tôi chỉ im lặng, nó nói tiếp:
“Giờ nghe nhỏ nói không nhớ gì… Tao thấy ớn thiệt. Mày còn nhớ hôm ấy Linh bị thương chỗ nào không?”
“Đầu. Tao chỉ được nghe kể lại thôi, nên cũng không biết gì nhiều đâu. Với lại, lúc đó tao cũng không có đủ can đảm để hỏi thêm.”
“Chấn thương vùng đó dễ gây mất trí nhớ ngắn hạn lắm. Có khi... cái khoảng thời gian có mày trong đó bị xóa luôn rồi.”
Dũng nói bình thản, nhưng ánh mắt lại hướng về phía trước, như thể đang tự xâu chuỗi mọi thứ trong đầu.
“Tao đọc đâu đó, nếu ký ức quá tồi tệ hoặc não bị tổn thương đúng chỗ, nó có thể khiến người ta quên sạch một giai đoạn. Nhưng cảm xúc thì vẫn còn.”
“Cảm xúc?”
“Ờ. Kiểu… lý trí thì quên mày, nhưng gặp mày vẫn thấy lạ lạ, gần gũi hay khó chịu gì đó mà không hiểu vì sao.”
Tôi im lặng. Trong đầu tôi, một suy nghĩ mơ hồ bắt đầu hình thành, rằng nếu cô ấy không còn nhớ gì, nhưng trái tim vẫn còn đọng lại xúc cảm...
Nếu thế thì… lỡ như đó là cảm giác ghét bỏ thì sao?
“Dũng.”
“Gì?”
“Nếu mày là tao, mày có thử giúp nhỏ nhớ lại không?”
Dũng thở hắt ra một hơi rồi đáp:
“Thật ra thì, còn tùy mày muốn nhỏ nhớ lại cho ai nữa. Cho mày, hay cho nhỏ.”
Tôi lặng người, đứng chôn chân tại chỗ. Thấy vậy, Dũng cũng dừng lại, ánh mắt xoáy sâu vào tôi. Nó chậm rãi nói từng từ, âm sắc rất rõ ràng:
“Vì nếu ký ức đó là thứ khiến nhỏ đau một lần nữa, thì… liệu có đáng không?”
Sau câu hỏi ấy, cả hai chúng tôi đều im lặng, không ai nói thêm lời nào.
Tôi vừa đi vừa cúi gằm mặt xuống đất, trong lòng nặng trĩu những suy tư. Có thể là vì câu nói của Dũng, hoặc cũng có thể vì những điều tôi đang cố không nghĩ tới.
Chúng tôi cứ thế lặng lẽ bước đi, và con hẻm nhỏ dẫn về nhà cũng đã dần hiện ra trước mắt.
Khi đến đầu ngõ, Dũng dừng lại. Nó không nhìn tôi, chỉ nói một câu ngắn gọn:
“Mày về nghỉ đi. Hôm khác nói tiếp.”
Tôi gật đầu. Không biết là vì đồng ý, hay chỉ vì không muốn phải trả lời gì thêm.
Chúng tôi tách ra, đứa nào về nhà đứa nấy. Tôi mở cửa, bước vào căn nhà yên ắng, trong lòng nặng trĩu bởi một câu hỏi chưa có đáp án.
Không khí trong nhà vào buổi trưa vẫn yên ắng như mọi khi, chỉ có tiếng tích tắc đều đều của chiếc đồng hồ treo tường và tiếng nước nhỏ từng giọt từ vòi trong bếp vang vọng.
Như thường lệ, trong nhà chẳng có ai cả. Ba và mẹ tôi làm chung một công ty, và hai người rất hiếm khi về nhà vào buổi trưa. Việc cơm nước, dọn dẹp, kể cả việc đổ rác… từ lâu đã là thói quen tôi gánh lấy mà chẳng cần ai nhắc.
Thường thì tôi sẽ cắm nồi cơm, nấu vài món đơn giản rồi ăn trưa. Nhưng hôm nay, cơ thể tôi nặng nề đến lạ. Cảm giác ấy cứ như thể có ai đó buộc đá vào ngực rồi bắt tôi lê bước khắp nơi vậy.
Không chỉ có thế, đầu tôi cũng đau như búa bổ, mắt thì hoa lên khiến tôi chẳng còn tâm trí nào để đứng trong bếp nữa.
Tôi vào phòng, khép cửa lại, rồi nằm vật ra giường. Ánh mắt tôi vô thức hướng lên trần nhà loang loáng ánh nắng xuyên qua khe rèm.
Trần nhà vẫn vậy. Màu sơn cũ, vết nứt nhỏ cạnh bóng đèn tròn. Mọi thứ không thay đổi.
Duy chỉ có tôi là không còn giống trước nữa.
Tôi thở dài rồi xoay người mở ngăn kéo tủ đầu giường. Một cuốn album cũ sờn góc hiện ra dưới lớp giấy lộn và bìa vở cũ. Tôi rút nó ra, đặt lên đùi và mở trang đầu tiên.
Những bức ảnh cũ kỹ hiện ra trước mắt tôi. Màu ảnh nhạt dần theo năm tháng, nhưng mỗi khuôn mặt, mỗi nụ cười trong đó lại hiện rõ trong đầu tôi như mới hôm qua.
Một bức Linh đứng giữa sân trường, tay giơ cao cây kẹo mút. Một bức khác, Linh cúi đầu thổi nến, chính là chiếc bánh tôi mua tặng sinh nhật cô bằng tiền để dành cả tháng của mình. Rồi thêm một tấm tôi cùng linh chơi đùa trong cơn mưa. Dù cả hai đều ướt nhẹp nhưng niềm hạnh phúc vẫn hiện rõ trên gương mặt.
Trong tất cả những bức ảnh ấy, Linh đều nở nụ cười rạng rỡ hồn nhiên, ấm áp không chút đề phòng. Không giống nụ cười xa lạ, ánh nhìn lạ lẫm sáng nay cô ấy dành cho tôi.
Tôi vô thức mỉm cười khi xem cuốn album ấy. Nó như một thước phim, chậm rãi chiếu lại toàn bộ ký ức tuổi thơ vô cùng tươi đẹp của tôi và Linh. Tôi cứ thế ngồi lật giở từng trang, xem thật kỹ từng bức hình mà chẳng mảy may quan tâm đến những gì diễn ra quanh mình nữa.
***
Tiếng cổng mở, rồi tiếng động cơ xe vang lên kéo tôi trở lại thực tại. Khi nhìn ra ngoài cửa sổ, tôi bỗng giật nảy mình. Hoàng hôn đã buông tự bao giờ, ánh sáng đỏ rực của buổi chiều tà tràn lên tường như một tấm khăn choàng đang phủ dần bóng tối.
Cuốn album vẫn đang được đặt trên đùi tôi, góc trang giấy khẽ lay động trong làn gió thu luồn qua khe cửa sổ hé mở. Tôi chậm rãi đóng nó lại rồi đặt nó trở về ngăn kéo.
Không lâu sau, tiếng mẹ tôi vang lên từ ngoài phòng khách:
“Ba mẹ về rồi đây!”
Ánh đèn cũng theo đó mà bật lên, kèm theo tiếng dép lẹp xẹp trên sàn và tiếng lách cách từ các vật dụng phát ra từ phía nhà bếp.
Cùng lúc đó, tôi nghe thấp thoáng tiếng ba tôi:
“Ủa? Giờ này cơm còn chưa cắm, rác cũng chưa đổ là sao?”
Dù âm lượng khá nhỏ, tôi vẫn cảm nhận được sự khó chịu trọng câu nói của ông. Thậm chí, tôi còn có thể tưởng tượng ra cảnh đôi chân mày đang cau lại của ba tôi.
Có tiếng mẹ tôi đáp lại nhưng tôi không nghe rõ. Và rồi, vài giây sau, có tiếng bước chân tiến lại gần phòng tôi. Cánh cửa mở ra, hình bóng mẹ tôi xuất hiện. Bà với tay bật công tắc điện trong phòng rồi cất giọng:
“Sao thế Quang? Ủa? Vẫn còn bệnh hả?”
Có vẻ như mẹ đang định trách móc, nhưng khi thấy bộ dạng thảm hại và gương mặt mệt mỏi của tôi thì bà lập tức dịu giọng hỏi han.
“Dạ, đầu con vẫn còn hơi đau một chút.” Tôi đáp lại với giọng điệu mệt mỏi.
“Thế thì nằm nghỉ đi, mẹ nấu bữa tối nay cũng được.”
“Vâng, lát con ra phụ. Giờ con cũng đỡ mệt hơn rồi.”
“Ờ, tùy đấy. Nếu mày vẫn còn mệt thì cứ nghỉ đi, không cần phải cố đâu.”
Tôi gật đầu. Mặc dù mẹ cũng đã bảo tôi nghỉ ngơi, nhưng tôi không muốn ở một mình trong phòng vào lúc này. Đứng trong bếp, nghe tiếng nước chảy, tiếng dao thớt đều đặn… có khi lại khiến tôi thấy dễ thở hơn.
Trong lúc thái rau, mẹ thỉnh thoảng lại hỏi vài câu vu vơ như “Hôm nay học vui không con?” hay “Dạo này điểm chác thế nào?”. Tôi chỉ biết gượng cười rồi đáp qua loa cho qua chuyện.
Bữa tối hôm đó, tôi được ba mẹ ‘hỏi thăm’ đủ thứ trên đời, từ sức khỏe, điểm số đến những chuyện xảy ra trên trường.
Đó dường như đã thành thói quen trong cuộc trò chuyện khi ăn của gia đình tôi, và tôi cũng chẳng lấy gì làm khó chịu với những câu hỏi ấy.
Sau bữa ăn, tôi phụ mẹ rửa chén, lau bàn. Ba thì ngồi xem thời sự, lâu lâu lại nhắc chuyện ở công ty như thường lệ. Mọi thứ đều rất bình thường, nhưng cũng chính cái “bình thường” đó khiến tôi thấy mình càng lạc lõng hơn.
Lúc ấy, tôi chỉ muốn tự nhốt mình trong phòng, đợi những cảm xúc tiêu cực đã hành hạ tâm trí tôi suốt ngày hôm nay lắng xuống. Thế nhưng tôi vẫn cố gồng mình, tỏ ra bình thường trước mặt ba mẹ để khiến họ yên lòng.
***
Đêm đó, tôi không tài nào ngủ được.
Tôi nằm quay người về phía cửa sổ. Tiếng tích tắc đều đều của kim đồng hồ vang vọng trong màn đêm càng làm cho cảm giác trống trải trong lòng tôi thêm mãnh liệt hơn.
Tâm trí tôi cứ nghĩ về Linh, về buổi sáng hôm nay, về ánh mắt xa lạ cô dành cho tôi như thể tôi chưa từng tồn tại trong kí ức của cô…
… Và nghĩ đến Dũng, về câu nói của nó:
Vì nếu ký ức đó là thứ khiến nhỏ đau một lần nữa, thì… liệu có đáng không?
Tôi nhắm mắt lại, cố dỗ mình vào giấc ngủ. Nhưng những suy nghĩ trong đầu cứ như một vòng lặp không hồi kết, cứ xoay vòng, xoay vòng rồi đâm thẳng vào tim tôi như từng nhát kim bén lạnh.
Nếu như… tất cả ký ức ấy chỉ còn lại mình tôi nhớ, thì liệu tôi có nên để nó ngủ yên? Hay là… đánh thức nó dậy, dù biết có thể sẽ đánh thức cả nỗi đau?


1 Bình luận