Fin to Fin
Vạn Huyễn Sắc Hoặc Con Giun
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Tạm biệt

Tiền đề/Prologue

4 Bình luận - Độ dài: 3,977 từ - Cập nhật:

0. 

Ngày hôm ấy, có thiếu nữ đang rơi.

Ngày hôm ấy, có thiếu nữ đông cứng.

Ngày hôm ấy, có thiếu nữ khao khát.

Ngày hôm ấy, có thiếu nữ bị lãng quên.

1.

Tháng Chín, bận đó là một dạo cuối thu, có lẽ vậy. Một khoảng thời gian ngẫu nhiên, mà thường khi ngẫu nhiên pha lẫn độc đáo thì thành ra sắc tầm thường, tạo một khoảng lặp đi lặp lại theo góc nhìn người theo chủ nghĩa bi quan. Và khi bi quan nhuộm trọn màu thu trong tầm mắt, cậu nhận ra cảm giác của cậu dần trôi đi như dòng chảy của thời gian. Bất tận, bất tận. Gay gắt ánh nắng trên cao, cậu đoán xem, ánh sáng đó là sắc nắng chói trái mùa của thu hay sự dịu dàng đến mỉa mai của hạ? Dịu nhẹ hương phảng phất chung quanh, cậu đoán xem, liệu thứ hương đó là sắc hanh dịu của một đông đang tới gần, hay là sự cố gắng đến từng giây phút cuối cùng của thu? Và khi nghĩ vậy, cậu xem, đó mới chỉ là một dòng chảy chầm chậm, chầm chậm, thứ chầm chậm cậu tưởng như đã trôi qua cả thiên niên kỉ, thì với người bi quan, đó mới chỉ như một khoảnh khắc chầm chậm, chầm chậm mới trôi qua, và vô vàn thứ chầm chậm chồng chầm chậm chồng chầm chậm tạo thành góc nhìn của người bi quan. Này, nghĩ xem, nếu người bi quan mải miết, mải miết nghĩ như vậy, liệu dòng chảy của thời gian đang trôi chầm chậm, chầm chậm với họ hay dòng thời gian đang phi mã lao qua?

“Tệ đến thế à?” Ừ, tệ đến thế ấy.

Thiếu nữ ấy vu vơ nghĩ thầm, bước chân rảo bộ trên con đường vốn chẳng lạ cũng không quen. Một con đường chẳng chất đầy hoài niệm, cũng chẳng mang gì tuyệt vọng lẫn biệt ly. Người với người, họ thờ thững bước qua, trôi qua những tháng ngày tươi sáng trước mắt họ ấy. Hoặc là trước tiết trời mùa thu mát mẻ, nắng sớm chưa xuyên qua kẽ mây. Viên chức thì đi làm, học sinh thì nô nức đi học, cửa tiệm thì nhanh nhẹn mở cửa, còn thiếu nữ ấy, lờ lờ trong không gian tuyệt đẹp này, cố gắng dành ít ngôn từ nhất có thể để châm chọc bản thân.

Hà, cô gái đó khẽ thở dài một hơi, cố thử xoay chuyển nội tâm sang một hướng nào đó khác, để ít nhiều không lấy khinh bỉ chính mình làm tiền đề suy nghĩ nữa. Trong lòng cô nhen nhóm ý định tiếp tục thoái lùi để tránh tự nhục vì sự kém cỏi trong thân, nhưng rồi nhận ra nếu cứ tiếp tục thoái lùi thì chẳng khác nào thừa nhận kém cỏi cả. Hai mặt đồng xu, tuy khác mà lại giống nhau đến kì. Vậy nên, cô đẩy suy nghĩ bản thân theo kiểu thuật lại đời mình, để cho phần nào đó trong cô (và cả phần không trong đó nữa) có thể nguôi ngoai.

Tên cô là Tia, ba chữ cái ngẫu nhiên chập lại làm một. Chữ “ngẫu nhiên” ở đây mang nghĩa “không phải từ viết tắt cho một danh từ cao siêu dài dòng nào đó”, nhưng này, chính ra tên đó đâu phải việc cô muốn đâu? Cả như vẻ ngoài cũng vậy. Trang phục thì nhạt nhòa, vẻ mặt cũng chẳng mấy sắc nét (nếu ngoại trừ mái tóc màu đỏ ra). Cả như quan hệ cũng thế. Bạn bè thì chẳng có mống nào, nói chi đến dạng thân thiết (nếu trừ mái tóc màu đỏ trên đầu ra). Miêu tả bằng vài từ giản đơn, cô gái đó là hình mẫu nữ sinh cấp ba bình thường mà cậu chẳng cầu cũng trông thấy (nếu trừ phần tóc đỏ trên đầu ra). 

Có câu nói nhàm tai thế này, “cấp ba là tuổi đẹp nhất của đời người”, nhưng với Tia mà nói, thời gian chỉ mang sắc nghĩa tượng trưng. Mà sự tượng trưng thì không nên đặt nặng mày nhẹ làm gì, vì vấn đề đó nào có đao to búa lớn để người phải bàn sâu. Nên là, Tia hay tự nhủ, việc bản thân có một mình thế này, có khi cũng chẳng khác mấy với việc có đống bạn bè. Cô nghĩ thầm như vậy, cô cả nghĩ như vậy, và cô chắc chắn như vậy. Chứ không, đời cô có thể không đổi khác, nhưng lời độc thoại của cô chắc chắn sẽ tươi tắn hơn.

Nhưng này, cô thầm phản pháo, nào phải cô đặt cao yêu cầu bạn bè của mình đến vậy. Có lẽ người khác không nghĩ vậy, có lẽ, nhưng nếu trách thì hãy trách chủ nghĩa cô theo đuổi kìa. Thực dụng ư? Phải đấy. Rác rưởi? Hợp đến mĩ mãn luôn. Rốt cuộc, người quyết định lối sống của cô chỉ có chính cô, nên những ngôn từ vô nghĩa kia… chẳng mang giá trị thích đáng nào với cô cả.

Hoặc cũng có thể là nó có mang giá trị, nhưng cô không bận tâm đến nó làm chi. Hoặc cũng có thể là cô bận tâm tới nó, nhưng cô chỉ không muốn thừa nhận thôi. Dẫu thế nào thì…

“Ánh nhàn nhạt ban mai thật sáng tỏ, cậu thấy không?” 

Ấy, giới thiệu về cô chỉ có đơn giản vậy thôi. Một con nhỏ mang chút dị thường hơi khác so với con người, nhưng trong thời đại mà tất cả đều phàn nàn về việc muốn trở nên đặc biệt, thì chút cỏn con đó có vẻ chẳng nổi bật lắm là bao. Lắm khi, nhiều kẻ lớn mình cứ lao tới bắt nạt phàn nàn về nét “khác biệt” đến lặt vặt ấy, thứ chủ nghĩa “anh hùng” trong kỉ nguyên mới thật lạc quẻ xiết bao. Vậy mà cô vẫn lững lờ, hờ hững mà tảng lờ; vẫn lờ lững, hững hờ mà rảo bộ. Nghe qua, người có thể nhận xét (và hoàn toàn có quyền nhận xét) rằng con nhỏ chỉ là một thứ tự căng kiêu kỳ hoặc mang cái tôi thấp tè tè như cây non mới nhú, nhưng hoàn toàn có thể khẳng định với người rằng đó chỉ là một góc nhìn phiến diện chính xác một phần thôi. Vì nhé, Tia tin tưởng vào thứ chủ nghĩa “meta”, tức là bản thân chỉ là một người dẫn truyện lẫn phụ trợ trong thế giới đầy hỗn loạn và thiếu vẻ hoàn mỹ này.

Nhưng này, đừng suy nghĩ về cú twist kia nhiều làm chi cho mệt, nhé. Việc tin tưởng vào những người đặc biệt, vào những người mà kẻ thích bông đùa từng tóm tắt bằng cụm từ “những người ở rất xa” kia, thực ra chẳng phải chuyện gì quá đáng quan ngại cả. Việc tin tưởng một người được định nghĩa là gì? Là cách mà ta đặt trọn lòng tin của mình vào họ, là cách mà ta có thể dựa dẫm hoàn toàn vào họ, là cách mà chúng ta có thể để họ những việc vốn chúng ta phải làm, liệu đó chẳng phải định nghĩa ban giờ của hai từ “tin tưởng” sao? 

Cậu có thể nói, “Ai trong chúng ta cũng là một kẻ khác biệt”. Phải, chúng ta là những cá thể riêng biệt. Cậu hoàn toàn có thể cho rằng sự khác biệt nho nhỏ như màu tóc trong tôi hay nội tâm trong cậu là đủ để thay đổi và biến đổi bản thân thành thứ đặc biệt. Phải, phải chứ, cậu hoàn toàn có quyền như vậy, và thực chất thì nó chính xác là như vậy.

Nhưng thế là chưa đủ, chẳng thể đủ được. Câu chuyện đâu chỉ kết thúc khi người thành công, mà còn cả phần cao trào lẫn cái kết an nhàn mà người người quanh đây đang trải qua. Đó chính là khi cậu ngã xuống, mất đi danh hiệu “đặc biệt” được người ta dúi cho mà cậu mù mờ đón nhận. Đó là ngay khoảnh khắc cậu sắp chạm tay vào ngưỡng cửa “thiên tài”, thì những “thiên thần” thực sự đẩy cậu ngã xuống xa xăm mà còn chẳng biết việc mình làm đã tổn thương tới ai. Nếu cậu là kẻ khác biệt nhất trong số con người, thì “thiên tài” là những kẻ khác biệt trong số những người như “cậu” kia.

Đừng có khóc nhé, đừng tổn thương nhé, đừng có phản bác lại nhé, vì đó là sự thật hiển nhiên, là điều vốn dĩ mà thế giới này đã sắp đặt từ trước rồi. Một cánh chim sải cánh rồi cũng có lúc an mình tại chốn vốn nghỉ chân, thì người cũng sẽ hóa bình thường khi danh “đặc biệt” rớt xuống. 

Nhưng đó có phải điều để cậu buồn, cậu đau khổ, cậu thu mình lại chăng? Ngược lại mới đúng. Chính vì đã biết đến những đớn đau khi mất đi danh hiệu “đặc biệt” rồi, há chẳng phải cậu nên cố gắng mà biến thành thứ trang sức của “thiên tài”, để cho họ có thể tiếp tục sải cánh tung bay, dù chỉ thêm một chút, một chút thôi. Một chút cũng được. Chút ít, xíu xiu nữa thôi, là họ có thể tiếp tục trở thành “thiên tài”.

Đó, chủ nghĩa cô chỉ có thực vậy thôi. Cô hoàn toàn có thể biện luận rằng vì chủ nghĩa của mình chẳng ảnh hưởng xấu tới ai mà cải thiện đời sống họ hơn, vì chẳng ngắm tới cái bất khả như bao tín điều thế giới đang làm mà chỉ chăm chăm vào việc trước mắt, nên cái thế giới này nên noi gương cô ấy. 

Tất cả vì một thế giới “tốt đẹp” hơn.

Mà, trở lại chủ đề chính nào. 

Tháng Chín, bận đó là một dạo cuối thu của tháng Chín, chắc chắn vậy. Cụ thể nếu người muốn biết, thì đó là mùng Năm tháng Chín, ba ngày sau lễ nhập học chính thức. Cảm giác về “thời gian” trong cô vẫn nhập nhoạng mơ hồ, nhưng sự mơ hồ chắc chắn không phải vì hương sắc của các mùa trong năm, càng chẳng phải vì sự chầm chậm đến mỉa mai của “cảm nhận thời gian”, mà là vì vốn dĩ với cô, “thời gian” ấy, nó chẳng mang ý nghĩa đặc biệt chút nào. Bình bình cứ thế.

“Nhàm chán đến thế à?” Ừ, nhàm chán đến thế ấy.

Cô vu vơ thầm nghĩ vậy, chân bước rảo bộ trên con đường vốn chẳng quen cũng không lạ, vốn đầy buồn chán và nay còn buồn tẻ gấp bội. Người với người, họ thẫn thờ bước qua, trôi qua những tháng ngày tiền định ấy. Trước một tiết trời tẻ nhạt tương đương, trước những tháng ngày lặp đi lặp lại đến tương đương. Một tiết trời chán ngắt đến vô cùng, người tập trung việc mình đến vô cùng, nhưng cô thì chẳng lờ lờ đến vô cùng được. Miễn cưỡng mà di chuyển theo đúng ý của người chẳng quen, cô thử đẩy suy nghĩ bản thân theo hướng nào đó khác, nhằm tránh bị giết chết bởi sự buồn chán trong tâm. 

Hà, cô khẽ thở dài một hơi, thử chuyển trọng tâm ý thức sang một hướng nào đó khác, để ít nhiều không lấy buồn chán bên ngoài làm tiền đề suy nghĩ nữa. Trong lòng cô nhen nhóm ý định tiếp tục thoái lùi để kiếm tìm chút vui thú trong việc bàn lui, nhưng rồi nhận ra nếu cứ lui mãi thì đời cô vẫn nhạt nhẽo như vậy. Hai mặt đồng xu, tuy khác mà lại giống nhau đến kì. Mà không, đúng và sai, chỉ duy hai câu trả lời đấy mới phải chứ nhỉ, cũng đủ để hình thành nên một loại triết học khó hiểu rồi. Vậy nên, cô mới tạm dừng suy nghĩ trong thân, để vươn mắt ra thế giới nhàm chán này, mà kiếm tìm hình bóng của thứ “đặc biệt” để nguyện dâng hiến cả tính mạng mình cho họ. 

“Ánh nhàm chán ban mai thật tỏ rực, cậu thấy không?”

2.

Từng có người hỏi cô thế này, chủ nghĩa của cô từ đâu mà ra? Như cây có cội, như suối có nguồn, hẳn người cũng có căn nguyên của tư tưởng vậy. Cô trả lời, người sao chép việc thở từ ai, việc uống nước từ người nào, việc bước tiếp từ kẻ nào, và suy nghĩ từ thứ nào? Và cô kết, miễn là người, dù có hỉ nộ ái ố thế nào, dù cho chẳng ai chỉ dạy, vẫn sẽ là một con người vì họ cần phải là vậy mới có thể sống tiếp.

Nói như thể chủ nghĩa của cô tự nhiên như việc hít thở.

Từng có người hỏi cô thế này, nếu cô là thiên tài thì cô có bắt người khác phải phục tùng mình không? Một con người đề ra suy nghĩ phải phục tùng kẻ khác, hẳn sẽ có tham vọng thầm kín là điều khiển người khác phục tùng mình, hay nói lớn hơn, chính thứ họ phục tùng là thứ họ muốn trở thành. Cô trả lời, người sinh ra từ ai, người học hỏi từ người nào, người thấu được thứ gì? Và cô tiếp tục, rằng bản thân sẽ không thể là thiên tài vì bản thân đã có ý nghĩ phục tùng thiên tài, và giả sử cô là thiên tài, cô sẽ chẳng bao giờ có ý nghĩ phục tùng hay được phục tùng, vì vốn dĩ, suy nghĩ phục tùng chỉ sinh ra trong một hoàn cảnh nhất định, trước khi kết rằng, việc giới hạn suy nghĩ, vẽ ra một nhánh thời gian là cách làm hèn hạ cho việc muốn hạ nhục đối phương bằng cách đưa ra một câu hỏi mở không có đáp án chính xác.

Và rồi có kẻ nhạo báng cô. Rằng, nói miệng là hãy phục tùng thiên tài, vậy người thiên tài nào mà cô đang phục tùng đây? Rằng có biết bao nhiêu những nhà độc tài, những bên tả hữu đang gào lớn miệng ngoài kia nói, nói, và nói - nhưng thực tế thứ họ làm lại chẳng có gì, lại trái nghịch, hay là một thiện ý chẳng khéo léo hại ngược cả một vương quốc, cả một đế chế hay cả thế gian. Và cô mỉm cười, hỏi họ rằng,

“Liệu người có đủ khôn khéo, đủ gan dạ, đủ cường lĩnh, đủ can đảm để trở thành một thiên tài? Hay người biết ai đã đủ vậy?”

Trước khi cô nói thêm rằng,

“Nhưng đánh lạc hướng, trả lời một câu hỏi bằng những hai câu hỏi, phải, đúng chỉ có thứ mặt dày mới có thể làm được vậy. Và người làm điều đó phải hèn hạ, phải thiếu luận điểm đến mức nào mới nhúc theo hướng đi vô sỉ như thế. Nhưng ta thì không, không, chẳng chút nào. Và ta sẽ kể, lần lượt từng người, lần lượt, lần lượt. Như chàng trai mạnh mẽ và gan dạ, từng một mình chống lại cả quốc gia, với số lương ít ỏi hơn vạn người, liệu người đã từng nghe tới danh kẻ ấy? Hay như vị bác học đánh đổi mọi thứ để cứu lấy người mình yêu, và chỉ thiếu chút nữa là cỗ máy thời gian có thể hoàn thành, phải giỏi giang tới nhường nào mới được vậy? Rồi người đã nghe danh của cô gái của chốn đói nghèo nọ, mạnh mẽ cất vang tiếng hát trở thành một idol nổi danh ngoài kia? Quyết tâm nghịch cảnh chẳng đủ đâu, phải có một chí khái mạnh lắm mới vươn mình được vậy. Phỏng ngươi hẳn từng nghe danh đến vị ảo thuật gia nọ, một mình một thân chống lại sự phản đối của tất cả mọi người lẫn cả thế giới để đứng lên trình diễn, hay người từng nghe đến cô gái hi sinh toàn bộ thân thể để cứu lấy từng người, từng người một khỏi sự mục rỗng kéo dài kéo dài kéo dài đằng đẵng đằng đẵng? Liệu người có thể nghĩ họ đã phải mạnh mẽ, họ đã phải ích kỉ, họ đã phải kiêu ngạo và phải bao dung cỡ nào để có thể vươn mình từ chốn đất cằn cỗi vậy không? Và ta, chính ta là người bên họ đến phút cuối cùng. Cho tới tận lúc người ấy nhắm mắt buông tay. Cho tới tận lúc người ấy trút hơi thở cuối cùng. Cho tới tận khi thiếu nữ ấy bị treo lên giàn thiêu. Cho tới tận khi người đó chết vì thành công của chính mình. Cho đến khi thiếu nữ ấy chỉ còn mảnh hồn vĩnh biệt thế gian. Tất cả, ta đã ở bên cạnh họ, tất cả, phải, tất cả. Dù cho họ không còn là thiên tài, ta vẫn bên cạnh họ. Dẫu cho họ không còn sống, ta vẫn bên cạnh họ. 

Và bởi vậy, ta mới cần hỏi câu này, hỡi người đối diện màn hình chỉ biết thắc mắc kia. Liệu người đã bao giờ quyết tâm, đã bao giờ quyết đoán, đã bao giờ dũng mãnh được đến nhường vậy chưa?”

Im lặng. Thinh lặng. Tĩnh lặng.

3.

Phỏng theo như vậy, cô căng ánh mắt ra, tìm ra thứ gì đó giữa dòng người đông đúc nhúc nhung. Cô căng ra, giữa ánh trời sáng tỏ, giữa cái nồm kì dị, giữa cơn gió hanh khác thường, giữa chút ẩm ướt tàn phai theo nước mắt của quá khứ. Giữa bất tận, giữa rộng rãi và giữa hi vọng. Rằng có ai đó, có gì đó kì lạ sẽ xảy ra.

Công cốc. Vô ích. Chẳng thể nào xảy ra được.

Phỏng theo như thế, cô mới ngoảnh đi. Và ước chừng rằng mọi chuyện sẽ chẳng có gì đổi khác. Và ước chừng rằng mọi chuyện sẽ lại như thế. Và rồi, cô quay đi, cho rằng, thế giới này sẽ lại tiếp tục theo guồng câu chuyện đơn giản và bình thường. Rằng cô sẽ đi học theo danh nghĩa của một học sinh, giả, là như vậy. Rằng cô sẽ giả vờ giao tiếp dưới danh nghĩa của một người con gái đang lớn, thứ mà người lớn hay gọi là “ranh giới trước ngưỡng cửa trưởng thành”, và cô sẽ lại tiếp tục tìm kiếm và tìm kiếm. Dù cô không phải là thiên tài cho việc tìm kiếm, nhưng không phải là thiên tài thì mới tìm kiếm được. Nên cô sẽ tiếp tục kiếm tìm.

Và rồi, khoảnh khắc ấy, chính lúc đó, cô chợt nhận ra. Bằng cảm quan của một nhân vật xuất chúng, cô căng mắt, và nhìn thấy giữa dòng người tấp nập, một bóng người chẳng hề động đậy và di chuyển, như thể mới được thêm vào tác phẩm này. Cô nheo mắt, nhìn, chằm chằm vào con người ấy, cố gắng xem kẻ đó đang làm gì. Dòng người kín rồi thưa, dòng người lao vào rồi lại ra, dòng người cứ như con sóng ngụp rồi lặn, nhưng rồi, khoảnh khắc ấy tới. Một cô gái chạc tuổi cô đang đứng im đó, mắt dán chăm chăm vào một vật thể gì đó, vật thể gì, mà lại ở tít tận trên cao, khiến cô phải ngẩng lên chẳng thể di chuyển. 

Vậy nên, theo phản xạ, cô ngẩng lên, và thấy thứ, chẳng thể, tin, nổi.

Một, thứ, thật, chẳng, thể, tin- 

-Nổi.

Bầu trời xanh cao ngắt, ai đó đã đem bức ảnh “Người rơi tự do” của Richard Drew dán lên không trung. Tuy là có vài sự đổi khác, trước hết là hãy thế người đàn ông đang rơi tự do ấy bằng một thiếu nữ mang trang phục diêm dúa màu đen hồng phớt chút máu đỏ từ trên trời xuống. Rơi theo đúng thế của người trong ảnh, không phải ngược lại để tránh vấn đề về giới hạn độ tuổi. Cô không thể thấy được khuôn mặt từ khoảng cách này, nhưng có thấy cũng chẳng quan trọng. Cô không thể chạy tới nơi đó từ khoảng cách này, nhưng có thể chạy tới cũng chẳng quan trọng.

Thời gian như ngưng đọng, không khí dừng thở để nhường người chút sinh lực ít ỏi chiêm ngưỡng khung cảnh ấy, và mọi người, theo phản xạ, nhìn lên trời như một hiệu ứng đám đông. Và tất cả đều như một, chẳng thể làm gì. 

Đó không phải tuyệt vọng nên không thể chuyển động. Đó không phải tự tin nên không thể chuyển động. 

Mà chỉ vì quá đẹp đẽ nên đứng nguyên không chuyển động. Mà chỉ vì quá quý phái nên đứng nguyên không chuyển động.

Bất chợt, cô lại nghĩ đến câu nói cô luôn thắc mắc bấy lâu,

“Như thế nào mới là đặc biệt?”

Trong một thoáng ngắn ngủi, nhưng chỉ ngắn ngủi và ngắn ngủi vậy thôi. Nhưng một cái ngắn vô cùng tận, như nghịch lý Zeno, càng ngắn càng dài. 

Nhưng không quan trọng. Không quan trọng…

Vì điều gì tới cũng phải tới. Vì điều gì không tới không tồn tại.

“Bịch”

Vang vọng độc tiếng thanh vỏn vẹn vậy. Vang mỗi âm sắc vậy thôi. Và rồi khung cảnh không đổi sắc. Và rồi khung cảnh ngập tràn. Tiếng la, tiếng hét, tiếng ó. Thiếu nữ ấy đã rơi, phải, đã rơi, rơi trúng một người khác bên dưới. Tiếng la bởi vậy càng thêm ai oán. Vội vàng, kẻ rút điện thoại ghi hình lại, người làm việc đúng là gọi cảnh sát hay cứu thương, còn cô thì nhận ra một điều khác, một điều chẳng ai nghĩ tới,

Chính thiếu nữ bị rơi trúng kia, chính là người cô đã nhìn lúc ban nãy.

Trong đầu cô ngập tràn các suy nghĩ. Có quan trọng không? Có. Có đáng kể ra không? Có. Nhưng thực sự, có nên kể ra không? Không. Tư tưởng cô, chủ nghĩa cô, hoàn toàn các người có thể mường tượng ra được. Hoàn toàn có thể cảm nhận được. 

Tới đây, “tôi” muốn kể đôi chuyện ngoài lề. 

Phải, “tôi” có vài lời muốn nói. “Tôi” nghĩ rằng, từ lúc các bạn đọc tác phẩm này, hẳn các bạn cũng đã nhận ra suy nghĩ của cô thật nhiễu loạn, như thể đã có bao nhiêu tuyến truyện đã bị bỏ qua. Và đúng thực là đã bỏ qua, vì đây chỉ là phần kết ngắn ngủi của các nhân vật. 

Và phải, câu chuyện không chỉ có mình thiếu nữ quan sát mọi chuyện kia.

Có cả thiếu nữ bị rơi trúng.

Có cả thiếu nữ đã ngã xuống.

Có cả “tôi”, người dẫn truyện này.

Và có nhiều nhân vật nữa.

Nhưng với các nhân vật đang dưới ánh đèn sân khấu dưới vở kịch kia, có vẻ câu chuyện đó không quan trọng lắm. Và với Tia cụ thể, thì cô đang cảm thấy chút hưng phấn hiếm thấy. Cô đã tìm được “thiên tài” để mình cống hiến cả đời rồi. Với nhân vật tự phá vỡ giới hạn thế giới như thế, há chẳng phải thế là điều quan trọng nhất sao?

Bình luận (4)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

4 Bình luận

Đây là tác phẩm đầu tay của cậu thì đoạn mở đầu này, Caelum đánh giá là cậu làm khá tốt, độc giả bắt đầu tập tành viết có thể học hỏi. Truyện đẹp, giàu hình tượng, kiểm soát bút pháp tốt, đặc biệt là truyện có tiềm năng rất lớn về chiều sâu của tư tưởng, nếu Caelum không lầm là "Chủ nghĩa phục tùng thiên tài", tư tưởng phản văn hoá đầy ngông nghênh và nghịch lý, tạo nên sức hút của riêng nó.

Muốn bước tiếp con đường tiểu thuyết hay truyện dài thì Caelum nghĩ cậu hoàn toàn đủ sức nhưng vẫn còn cần cải thiện. Dù mới là mở đầu chưa nói lên được quá nhiều nhưng Caelum đưa ra một số lời khuyên và ý kiến mang hướng hơi chủ quan của Caelum:
Phong cách cậu rất độc đáo, Caelum thích cái cách mà cậu chơi đùa với nhịp điệu "chầm chậm, chầm chậm..." Và cách cách lòng tư duy phản biện vào độc thoại nội tâm cho thấy cậu là một người có khả năng kiểm soát bút pháp. Tuy nhiên, cũng chính vì thế mà khiến Caelum phải kiệt sức, nó chậm khiến Caelum phải giảm tốc đến độ bị tuột lại phía sau luôn mới sợ. Nể cậu lắm luôn. Văn phong như thể là tranh của Rothko, đẹp với người hiểu nhưng không phải ai cũng hiểu. Lời khuyên của Caelum là bớt tầm 10% chơi chữ, 10% lặp từ có chủ ý, thêm 10% hình ảnh cụ thể để giữ độc giả (Caelum) lại chứ kiểu này chắc kiệt sức luôn.
Chương này gần như không có hành động mà chỉ suy tưởng mà không có mục tiêu cụ thể. Đây không phải điều sai vì "Franz Kafka" và các nhà văn hiện sinh khác cũng thế. Tuy nhiên cũng cần cho người đọc một cái neo để họ biết mình cần đi đâu, cho dù chỉ là một hình bóng hay ảo ảnh. Và cuối chương 1 hoặc đầu chương 2, cần một biến cố rõ, không cần to lớn chỉ là dấu hiệu cho người đọc cảm nhận rằng: thế giới này sẽ đổi khác
Cuối cùng là điều Caelum thích nhất ở truyện "Chủ nghĩa phục tùng thiên tài". Caelum nhận ra rằng "khi kể về những “thiên tài” cô từng đồng hành, cô thực chất đang “nâng” bản thân lên hàng huyền thoại một cách... bất cẩn." Hay nhưng chưa đủ sâu. Caelum nghĩ là cần đặt nghi vấn về sự chân thành của cô. Là cô thực sự muốn phục tùng, hay chỉ đang tìm cách bám víu để hợp thức hóa sự tự ti? Nó sẽ rất là... Tuyệt!

Có vẻ Caelum đòi hỏi hơi nhiều vào chương mở đầu, nhưng mà Caelum hi vọng những góp ý của mình có thể giúp cậu. Và nếu có gì thắc mắc hay Caelum có sai xót gì cứ nói nha, Caelum sẽ rút kinh nghiệm, chứ im là tội nghiệp Caelum lắm.
ᕙ⁠(⁠ ⁠¤⁠ ⁠〰⁠ ⁠¤⁠ ⁠)⁠ᕗ
Xem thêm
khá thích vibe như này, +1 tim cho tác :3
Xem thêm
Sau khi đọc chương này thì tui phải nói là nó không hợp gu tui... Sau khi đọc qua 4/5 câu chuyện thì tui đã chực chê truyện thậm tệ rồi. Vì sao? Vì... phần đó không phải một câu chuyện. Nó chỉ toàn suy nghĩ, suy nghĩ và suy nghĩ. Không hề có nổi một diễn biến. Nếu có thì cũng chỉ là các dòng người mà thôi. Đó chính là điểm tệ nhất trong tác phẩm. Do OLN là nơi để viết truyện, không phải nơi để đọc nhật ký, nơi nghe nhân vật luyên tha luyên thuyên về ba cái đạo lý, tư tưởng.

Nhưng... ở 1/5 cuối cùng thì tui lại cảm thấy ấn tượng. Phần này gần như đã vớt vát phần nào nỗi thất vọng của tui lúc đầu. Vì lúc này tui mới thấy được câu chuyện... Một câu chuyện thật sự. Và tất nhiên, câu chuyện nó không làm tui thất vọng. Nó có nhiều bí ẩn, ẩn ý mà tui không biết được. Nhờ đó, mà nó còn tô điểm thêm cái hay của câu chuyện. Không những vậy, có một thứ mà nãy giờ tui không nói tới là khả năng dùng từ và câu của bác Màu rất tốt. Nhưng do phần đầu, nó chỉ dùng để kể lan man nên chẳng khác gì tự đấm bản thân. Nhưng ở đây thì nó mới phát huy hết tiềm năng vốn có.
Xem thêm
Và phần tui thích nhất cái chương này là phần:

[Tới đây, “tôi” muốn kể đôi chuyện ngoài lề.
Phải, “tôi” có vài lời muốn nói. “Tôi” nghĩ rằng, từ lúc các bạn đọc tác phẩm này, hẳn các bạn cũng đã nhận ra suy nghĩ của cô thật nhiễu loạn, như thể đã có bao nhiêu tuyến truyện đã bị bỏ qua. Và đúng thực là đã bỏ qua, vì đây chỉ là phần kết ngắn ngủi của các nhân vật.
Và phải, câu chuyện không chỉ có mình thiếu nữ quan sát mọi chuyện kia.
Có cả thiếu nữ bị rơi trúng.
Có cả thiếu nữ đã ngã xuống.
Có cả “tôi”, người dẫn truyện này.
Và có nhiều nhân vật nữa.
Nhưng với các nhân vật đang dưới ánh đèn sân khấu dưới vở kịch kia, có vẻ câu chuyện đó không quan trọng lắm. Và với Tia cụ thể, thì cô đang cảm thấy chút hưng phấn hiếm thấy. Cô đã tìm được “thiên tài” để mình cống hiến cả đời rồi. Với nhân vật tự phá vỡ giới hạn thế giới như thế, há chẳng phải thế là điều quan trọng nhất sao?]

Đây như giải thích hết mọi khó chịu, khó hiểu và băn khoăn của tui từ ban đầu. Và cũng như kết nối tiếp đến phần sau. Nói chung khúc này chính là khúc làm cả chương truyện trở nên hoàn hảo, lạ kì, thu hút và đầy bí ẩn. Chính vì có bí ẩn thì độc giả như tui mới tò mò mà đọc tiếp được.

Mà... tui vẫn không ủng hộ cách viết truyện thế này. Tốt nhất bác màu nên đổi cách viết. Đây là ý kiến của tui. Tui sợ bác sẽ bị khai trừ đấy...
Xem thêm