Có một quy luật bất thành văn ở trong bất cứ bệnh viện nào trên toàn Hà Nội…
Ca trực buổi sáng của bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất bắt đầu bằng một tiếng gọi từ khoa Cấp cứu.
“Nữ 30 tuổi, vàng da, báng bụng, nghi xơ gan mất bù, huyết áp tụt nhẹ, nhịp tim nhanh, Glaslow 15 điểm.” Y tá đọc nhanh chẩn đoán lâm sàng khi đẩy bệnh nhân qua cửa phòng cấp cứu.
Bác sĩ Trần Văn Vinh – chuyên khoa tiêu hóa, người đã quen với hàng trăm ca xơ gan mỗi năm – nhanh chóng tiếp nhận bệnh nhân. Da người bệnh vàng xạm, mắt vàng như nghệ, bụng phồng lên bất thường. Bản sao xét nghiệm nhanh cho thấy bilirubin trực tiếp đạt 27,1 tăng gấp 6 lần giới hạn, albumin hạ thấp, và kali chạm đáy.
“Báng độ ba. Có xuất huyết tiêu hóa trên, phân đen. Cần nội soi cấp cứu.” Bằng kinh nghiệm lâu năm, anh đưa ra y lệnh, đồng thời chỉ định truyền bổ sung điện giải, albumin và kháng sinh phòng ngừa nhiễm trùng dịch báng.
Nhưng chỉ sau mười phút truyền cefotaxime – một loại kháng sinh quen thuộc trong phác đồ – bệnh nhân bắt đầu co giật nhẹ, đỏ da, mạch tăng vọt rồi nhanh chóng rơi vào hôn mê. Toàn bộ đội ngũ y tá và bác sĩ trực tái mặt. Sốc phản vệ? Nhưng chưa từng thấy ai sốc phản vệ với cả cefotaxime ở liều thấp như thế.
Thuốc được dừng lại ngay lập tức. Bệnh nhân hồi phục sau khi dùng epinephrine và corticosteroid, nhưng khi thử lại bằng một loại kháng sinh khác – piperacillin tazobactam – phản ứng tương tự lặp lại.
Hai loại kháng sinh. Hai lần phản ứng. Không thể là ngẫu nhiên.
Sau sự cố thứ hai, toàn bộ y lệnh kháng sinh bị tạm ngưng. Bệnh nhân được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực, theo dõi sát sinh hiệu và chỉ truyền dịch hỗ trợ.
“Bác sĩ ơi bác sĩ, tình hình vợ tôi như thế nào?” Ngoài phòng cấp cứu, Tuần như muốn phát điên. Hai vợ chồng đã cùng nhau vượt qua bao sóng gió, từ lúc phá sản trốn nợ khắp nơi, đến khi trả hết nợ nần an cư lạc nghiệp. Giang mắc bệnh gan trong những ngày theo anh bôn ba khắp nơi, gia đình cùng quẫn, đến tận hôm nay mới có thể đưa cô đi khám. Nào ngờ đâu lại ra cớ sự thế này.
“Bệnh nhân dị ứng với cả hai loại thuốc kháng sinh. Chúng tôi đang cho bệnh nhân làm kiểm tra dị ứng để lựa chọn loại thuốc điều trị thích hợp.” Bác sĩ Vinh nói, trong khi lấy tay lau đi mồ hôi trên trán.
Đúng lúc này, một y tá hớt hải chạy đến từ phía sau, đưa cho anh một báo cáo xét nghiệm với những nội dung mà Tuần không hiểu được.
Anh chỉ biết là ngay sau đó, các bác sĩ đã làm thủ tục để điều chuyển vợ anh lên Bệnh viện quân y II.
… Khi một ca bệnh không tìm ra chẩn đoán, hãy đưa bệnh nhân đến gặp bác sĩ Nam.
.
.
.
.
.
.
“ 1,5 mg fentanyl. Nhịp tim của đối tượng A188 đã tăng lên 4%, huyết áp ổn định. Hồng cầu dày hơn, nhưng không bị dính liền, ước tính khả năng trao đổi oxy tăng từ 4-6%”
“ Đối tượng A182 không có sự khác biệt rõ ràng sau khi tiêm EPO vào đùi sau bên trái và đùi trước bên phải.”
“ Đối tượng A190 có dấu hiệu hưng phấn rõ ràng, đối tượng A193 đã lên cơn cuồng loạn và cắn bị thương vật thí nghiệm A191.”
Trong căn phòng thí nghiệm đầy âm u của Bệnh viện Quân Y II, một chàng trai với khuôn mặt đăm chiêu đang cặm cụi quan sát và ghi chép. Đôi mắt thâm quầng ẩn sau cặp kính thí nghiệm trắng đầy ngô nghê cho thấy cậu đã nhiều đêm liền không ngủ đủ giấc, nhưng làn da trắng đầy khí sắc và mái tóc sạch gàu đầy chắc khỏe lại cho thấy cậu chàng không hề mắc kẹt lại bệnh viện một cách tận tụy và đầy trách nhiệm như những bác sĩ khả kính khác, mà luôn về nhà đúng giờ, trừ những ngày có ca bệnh đột xuất. Nói cách khác, anh bạn này, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh Vũ Diệp Phong Nam, là một thằng tồi với lối sống tồi.
“Ngậm mồm vào đi, Vũ. Người bình thường chẳng ai lại nói xấu người khác trước mặt người ta như thế cả.” Nam thở dài và nói, trong khi đôi mắt vẫn không rời khỏi cuốn sổ trong tay. Sở dĩ nói Nam thở dài, bởi vì Vũ nhìn thấy chiếc khẩu trang chắn ngang khuôn mặt anh phồng nhẹ lên trong vài giây ngắn ngủi.
Phải, một bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, đeo kính thí nghiệm và khẩu trang, để quan sát lũ chuột đang phê thuốc, rõ ràng không phải là một hình ảnh nên thấy trong phòng thí nghiệm của một bệnh viện quân y.
“Cơn cuồng loạn của đối tượng A193 kéo dài trong 2 phút 17 giây.” Nam nhìn chiếc đồng hồ thông minh trong tay mình và lẩm bẩm, rồi viết vài dòng lên trang giấy đã chi chít chữ.
“Không phải, là vật thí nghiệm A193.” Vũ đứng bên, lắc đầu. Tay của anh nâng nhẹ lên, từ từ tiến vào trong bể kính, nâng lên chú chuột trắng đã bất động và ngưng tim. Lẽ dĩ nhiên Vũ có thể xoa bóp tim và thử hô hấp nhân tạo cho con vật nhỏ bé tội nghiệp này, nhưng anh không làm vậy.
“Hiểu rồi, có thể kiểm tra qua nguyên nhân tử vong không?” Nam gật đầu, tỏ vẻ không quan tâm. Anh đánh số những chú chuột này từ 1, và tăng dần lên mỗi khi thí nghiệm lên một chú chuột mới. Đối tượng, không, vì nó đã chết rồi, vật thí nghiệm A193, như tên gọi của mình, là chú chuột thứ 193 mà anh đã làm thí nghiệm.
Vũ khác với Nam, anh hoàn toàn không quan tâm, chứ chẳng hề tỏ vẻ. Đôi tay gầy gò vẫn xuyên qua lớp kính mỏng của bể chứa vật thí nghiệm, và các ngón tay của anh từ từ xuyên vào bên trong cơ thể con chuột như thể nó chỉ là một ảo ảnh được tạo ra từ công nghệ hologram, hay chính Vũ mới là một ảo ảnh do Nam tưởng tượng ra như một hậu quả tất yếu của việc chỉ ngủ 4 tiếng một ngày.
Rõ ràng, Vũ không phải là một con người. Anh là một Thành Hoàng, một vị thần cai quản một khu vực nhất định. Có một vài chuyện đã xảy ra, và ngay lúc này, anh trở thành cộng sự và “linh tính” của Nam, nếu như không muốn nói là một công cụ.
“Có vẻ như vấn đề nằm ở thận. Cũng không ngoài dự đoán, ngay giây phút thấy cậu tiêm glycoprotein cytokine vào thận của 193 là tôi biết nó phải đi đời rồi.”
“Không, việc lựa chọn sử dụng haematopoietin của tôi không có vấn đề gì cả, 193 bị thiếu máu, và giải pháp tốt nhất chính là làm tăng độ biệt hóa tế bào hồng cầu. Có thể là đã có một số sai lầm trong quá trình phân lập gene.”
“Hoặc việc bỏ qua tế bào tiền thân trong việc điều trị bệnh thiếu máu ngay từ đầu đã là một phương án ngu xuẩn. Làm thế nào anh có thể chữa thiếu máu mà không tăng hồng cầu trong máu cơ chứ?”
“Vì thụ thể của tế bào hồng cầu có thể tìm thấy ở khắp nơi trên cơ thể, đặc biệt là thận.” Nam xoa xoa trán, làu bàu. “Nếu có thể khiến thận của bệnh nhân tự điều chỉnh erythropoietin, ta hoàn toàn có thể chữa trị bệnh thiếu máu, bạch cầu, thậm chí ung thư máu mà không cần đến phẫu thuật.”
“Và anh sẽ là người Việt Nam đầu tiên được nhận giải Nobel Sinh học.” Vũ gật gù, nhưng khuôn mặt dửng dưng của anh cho thấy anh chẳng hề quan tâm một chút nào. “Mà nhìn mặt anh tệ quá, tối hôm qua anh ngủ mấy tiếng vậy?”
“5 tiếng rưỡi. Tôi tìm thấy một báo cáo từ Đại học Y Hokkaido Nhật Bản, về trường hợp một bệnh nhân ung thư máu giai đoạn cuối bất ngờ bình phục lại nhờ một gene khiếm khuyết trong cơ thể.”
Nam tiếp tục làu bàu, trong khi tháo khẩu trang và kính mắt. Đối với Nam, việc nói chuyện với Vũ là một cách giải tỏa tốt sau mỗi lần thất bại trong quá trình nghiên cứu, nhưng vì anh là người duy nhất có thể nhìn thấy Vũ, nên trong mắt người khác, anh chẳng khác gì một thằng ngốc đang tự luyên thuyên với chính bản thân mình cả.
Cánh cửa phòng thí nghiệm đột ngột bị mở ra, và một mùi thơm cỏ dại dịu dàng lan tỏa. Các bác sĩ trong bệnh viện thường tránh sử dụng nước hoa có mùi, nhưng y tá thì không. Có đôi khi bệnh nhân sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi ngửi thấy mùi thơm từ người y tá chăm sóc.
“Anh Nam, chị Linh gọi, có bệnh nhân mới.”
Người con gái vừa bước vào, Lê Thị Thanh Hằng, dè dặt thốt ra giọng nói ngại ngùng. Trái với tính cách dịu dàng và hướng nội, cô y tá hai mươi lăm tuổi này có một thân hình rất đáng để xuýt xoa. Chiều cao một mét bảy, khuôn mặt đẹp hớp hồn và vòng một đầy áp bách. Thật đáng tiếc rằng Hằng lại là cháu gái của Bộ trưởng Bộ Y tế, và bất cứ gã đàn ông nào có ý định viết nên một câu chuyện tình công sở đầy lãng mạn với cô đều sẽ âm thầm bị điều chuyển công tác đến vùng sâu vùng xa nào đó.
“Hiểu rồi, anh đến ngay.” Nam gật đầu, gấp cuốn sổ lại và bước đi theo cô. Nhưng vừa đi được vài bước, anh đã quay đầu lại phòng thí nghiệm.
“Anh quên gì ạ, anh Nam?”
“Anh quên siêu nhân biến hình.” Nam ngoái lại, nháy nháy mắt.
“Anh vui tính thật đấy.” Hằng cười duyên, để lộ chiếc răng khểnh bé xinh.
Không đùa đâu, Nam nhủ thầm trong lòng, và kéo tay Vũ ra ngoài. Một trong số những điều bất tiện nhất khi trở thành Thành Hoàng, là không thể tự tiện rời đi một căn phòng. Nghe giống như phiên bản trái ngược của ma cà rồng nước Pháp vậy.
Hằng nhìn Nam vừa vào phòng đã vội vã bước ra ngoài, một tay đưa ra sau như đang kéo vật gì đó. Ánh mắt cô hiện lên sự tò mò, và đầu cô hơi nghiêng nhẹ về một bên đầy đáng yêu, trong khi đôi môi ướt át hơi hé mở như muốn hỏi nhưng lại ngưng. Nam bị biểu cảm của Hằng làm cho thoáng mê mẩn, nhưng rồi anh hóa giải sự lúng túng của mình bằng cách mở miệng nói đùa:
“Bao giờ anh được nhận giải Nobel, mình cưới nhau nhé?”
“Anh được lên làm trưởng khoa đã rồi hẵng mơ mộng.” Hằng le lưỡi cười, đầu lưỡi cô nàng chạm vào khóe môi đầy tinh nghịch.
Ôi, tôi muốn chiếm lấy đôi bờ môi ấy quá, Nam nhủ thầm.
Ngoài trời đổ mưa dữ dội.
Theo kinh nghiệm của Nam, những ngày như vậy lượng bệnh nhân đến thăm khám đặc biệt nhiều.
Trên hành lang bệnh viện, bệnh nhân và người nhà tốp năm tốp ba, người đứng người ngồi, họ nói chuyện, họ gọi điện, họ nhắn tin, tạo nên những âm thanh ồn ào và huyên náo đầy khó chịu. Di chuyển qua hành lang ồn ào còn đọng những giọt nước mưa nhỏ xuống từ những chiếc áo mưa và ô che, hay những vết giày dép đẫm nước của người qua lại chưa kịp được bác lao công dọn dẹp, Nam tiến vào thang máy dành riêng cho bác sĩ và nhân viên y tế để đến phòng cấp cứu, nơi bác sĩ và người nhà bệnh nhân đang chờ sẵn.
Nơi đây lúc nào cũng yên tĩnh. Kiểu yên tĩnh lúc nào cũng khiến người ta cảm thấy khó chịu và hậm hực gấp trăm nghìn lần cái sự ồn ào ngoài sảnh bệnh viện.
“Bệnh nhân là nữ, ba mươi tuổi, bị xơ gan, được điều chuyển đến đây từ bệnh viện huyện.”
Lê Ngọc Huyền, bác sĩ trưởng của bệnh viện, đồng thời là bàn tay vàng và chiêu bài lớn nhất của nơi này, gấp gáp nói, trong khi dúi vào tay Nam hồ sơ bệnh án. Nếu nhìn từ bên ngoài, đây giống như những cảnh tượng thường thấy trong TV, một bác sĩ giải thích ca bệnh cho một bác sĩ khác trước khi chuẩn bị phẫu thuật. Nhưng những người có chuyên ngành, đặc biệt là những người đã và đang làm việc thâm niên tại bệnh viện Quân y II đều cảm thấy cảnh tượng trước mắt họ trông thật lố bịch: Một bác sĩ phẫu thuật đầu ngành giải thích bệnh án cho một bác sĩ chẩn đoán.
“Phản ứng dị ứng thuốc kháng sinh?” Nam đọc lướt qua hồ sơ bệnh án, nhíu nhíu mày. “Chỉ việc thay loại thuốc kháng sinh chuyên dụng và tiếp tục phẫu thuật thôi mà. Những ca như vậy chị đã làm cả trăm lần rồi, đâu cần gọi em đến làm gì?”
“Cần đấy.” Bác sĩ Huyền lắc đầu. Cô đưa tay ra lật sang một trang bệnh án khác, lật ra một tờ giấy xét nghiệm. “Không tìm thấy bất cứ dị nguyên nào trong máu của bệnh nhân.”
Dị nguyên, cách nói tắt của tác nhân gây dị ứng, là nguyên nhân gây dị ứng của một người bệnh. Phần lớn người dân Việt Nam cả đời không biết mình dị ứng với thứ gì, vì cả cuộc đời họ hầu như không bao giờ tiếp xúc với các tác nhân có thể khiến mình dị ứng, nhưng rất rõ ràng là họ có thể hiểu, dị nguyên không ở trong máu. Thứ nằm trong máu mới là thứ phản ứng với dị nguyên, cụ thể là các kháng thể được hệ thống miễn dịch tạo ra trong quá trình phản ứng quá mức.
Chị Huyền có thói quen xấu là cảm thấy đặc biệt hưng phấn với các ca bệnh phức tạp, đến mức nói nhầm một điều cơ bản như vậy. Nhưng Nam cảm thấy nên phớt lờ điều đó. Chẳng có gì hay ho khi người nhà bệnh nhân biết được rằng bác sĩ mổ chính đang thấy phấn khích khi người thân của mình đang trong cơn nguy kịch.
“Chỉ số immunoglobulin E bình thường.” Nam lật trang giấy lên, nói. “Không, hơi thấp hơn mức bình thường một chút. Bạch cầu 4 G/L, Neutrophil 51%, Lympho 21%, vậy là không phải nhiễm trùng cấp. Kể từ lúc tiêm kháng sinh đến khi làm xét nghiệm là bao lâu?”
“Hai tiếng.” Hằng cướp đáp lời. Có vẻ như chị Huyền đã yêu cầu Hằng liên lạc với bệnh viện tuyến dưới, nơi chữa trị cho bệnh nhân lúc đầu. “Chị Giang được chuyển gấp từ bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất lên sau khi có dấu hiệu sốc phản vệ.”
Vậy ra bệnh nhân tên là Giang. Nam lật về trang bìa. Phạm Hương Giang, nghe giống tên một cô ca sĩ.
“Chỉ số IgE không thể trở lại bình thường chỉ trong hai tiếng được.” Nam lắc đầu. “Xét nghiệm có sai sót, Hằng lấy mẫu máu của bệnh nhân mang sang phòng xét nghiệm, anh sẽ làm kiểm tra huyết thanh và huyết tương.”
“Vâng.” Hằng gật đầu, toan rảo bước. Nhưng chị Huyền đã cản cô lại. Chị rút bệnh án từ tay Nam, lật giở sang một trang khác, rồi giao lại cho cậu.
“Đã xét nghiệm 3 lần rồi, và kết quả đều không khác nhau. Không tìm thấy tác nhân gây dị ứng.”
Nam nhìn trang bệnh án, trầm tư. Tỷ lệ sai sót trong xét nghiệm tuy có, nhưng rất nhỏ. Để có thể sai đến 3 lần liên tiếp, xác suất gần như là không thể.
“Có thể chứ, nếu bác sĩ xét nghiệm có thù oán với bệnh nhân.” Ở bên cạnh, Vũ khẽ nói một câu châm chọc.
“Im đi.” Nam lẩm bẩm.
“Cậu nói gì cơ?” Chị Huyền hỏi. Có lẽ chị nghĩ rằng anh đã tìm ra vấn đề.
“Em có một vài ý tưởng. Có thể là do ký sinh trùng, do dị tật gene, bệnh di truyền…”
Quay sang nhìn khuôn mặt tếu táo của Vũ, Nam nói tiếp.
“Hoặc do sơ suất của bệnh viện tuyến huyện. Nhưng trước tiên em cần liên lạc với người nhà bệnh nhân để tìm hiểu.”
“Họ ở dưới nhà ăn ấy. Cả chồng, con gái và bố mẹ đẻ của bệnh nhân đều đến. Hình như họ một đường theo cô ấy từ huyện lên, chẳng cơm cháo gì cả.” Hằng nói. “Anh muốn em gọi họ lên đây không?”
“Không, để anh xuống đấy thì tốt hơn.” Nam lắc đầu, rồi quay qua hỏi chị Huyền. “Tình hình bệnh nhân thế nào?”
“Vẫn còn ổn. Nhịp tim và huyết áp bình thường.” Chị Huyền thở dài. “Nhưng cô ấy nhập viện trong tiên lượng rất xấu, huyết sắc tố và hematocrit thấp đáng báo động, rất có thể sẽ bị xuất huyết nội. Em có tối đa 6 tiếng.”
Nam nhìn lại kết quả xét nghiệm. Mặc dù chỉ số hồng cầu vẫn chưa xuống thấp hơn mức 4 triệu đơn vị trên một lít, nhưng huyết sắc tố đã tụt xuống đến mức 65, và chỉ số Hct chỉ còn 25%.
“Vỡ hồng cầu hoặc ức chế tủy.” Vũ thì thào. “Biến chứng thường thấy của người xơ gan giai đoạn cuối.”
“Em hiểu rồi.” Nam gật đầu, rồi đưa lại bệnh án cho Hằng. “Anh sẽ xuống nói chuyện với họ, nhờ em giúp anh lấy mẫu xét nghiệm.”
“Vâng.” Hằng nói, hơi nghiêng nghiêng đầu. “Nhưng người ta thực sự có thể làm sai xét nghiệm đến ba lần ạ?”
“Ừ, nếu như ngay từ đầu máy móc đã bị trục trặc, thì dù là ba lần hay ba trăm lần cũng thế.” Nam đáp nhẹ. Bên cạnh anh, Vũ cười lạnh một tiếng.
“Nhưng xét nghiệm dị ứng thì nào cần máy móc phức tạp gì?”
Nam phớt lờ Vũ, dù anh biết Vũ nói đúng.
Nếu kết quả xét nghiệm của anh khác biệt, và Nam tìm thấy dị nguyên của bệnh nhân, vậy thì xong, chị Huyền sẽ bắt đầu phẫu thuật, bệnh nhân sẽ hồi phục nhanh chóng.
Và cảnh sát sẽ vào cuộc điều tra
.
.
.
.
.
.
.
Sảnh nhà ăn.
Không đông đúc như sảnh bệnh viện. Thường thì người nhà bệnh nhân sẽ mua thức ăn từ bên ngoài, tại các hàng quán ven đường, do giá rẻ và nhiều loại thức ăn hơn. Những người chọn mua đồ ăn ở căng tin, hoặc là gia đình khá giả có điều kiện, hoặc là không tin tưởng chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm chốn vỉa hè.
Ban đầu Nam cho rằng người nhà bệnh nhân thuộc một trong hai nhóm người trên, nhưng khi nhìn thấy trên tay mỗi người một nắm xôi ruốc, và người bố dù đầu đầy mồ hôi, nhưng hai vai lại ướt đẫm nước mưa, anh lại nghĩ đến nhóm người thứ ba, những người mua đồ ăn từ bên ngoài và mang vào nhà ăn bệnh viện. Nhóm những người không mất lý trí khi người nhà trong phòng cấp cứu, và không nổi giận vô cớ, chửi mắng và hành hung bác sĩ khi mọi chuyện không được như ý muốn.
Nam thích nói chuyện với nhóm người này.
“Mọi người là người nhà của bệnh nhân Phạm Hương Giang phải không ạ? Tôi là Nam, bác sĩ của chị Giang.”
Nói dối. Nhưng như thế thì dễ hơn là giải thích rằng anh chỉ là một bác sĩ chẩn đoán hình ảnh được bác sĩ phẫu thuật giao bệnh án cho. Người nhà cũng thích thế này hơn.
“Vâng, chào bác sĩ, vợ tôi như thế nào?” Người đàn ông chất phác với đôi bàn tay to lớn và giọng nói vang vảng lên tiếng hỏi. Dựa theo kinh nghiệm cá nhân, Nam đoán anh ta là một thợ kỹ thuật
“Chúng tôi vẫn đang làm các xét nghiệm cần thiết cho chị Giang để chuẩn bị phẫu thuật. Tôi cần hỏi anh và người nhà vài câu hỏi.”
“Vâng, vâng, nhờ bác sĩ.” Người đàn ông gật gù. Hai người cao tuổi đằng sau, có vẻ là bố mẹ chồng, hơn là bố mẹ bệnh nhân, dựa theo sự tương đồng về ngoại hình với anh, cũng đứng dậy, niềm nở đáp.
“Vâng, chị Giang ở nhà có bị dị ứng với thứ gì không ạ, hay có gì mà chị ấy không ăn được không ạ?”
“Không có.” Anh chồng lắc đầu ngay lập tức. “Dân lao động tay chân chúng tôi có gì thì ăn cái đó thôi, không có kiêng khem gì.”
“Con bé không ăn được cay, cũng không ăn được cá.” Mẹ chồng đáp.
“Là không ăn được, hay là không muốn ăn ạ?” Mắt Nam sáng quắc lên như một cái đèn pha, anh nhìn sang người mẹ già, trong khi cây bút trên tay đã vạch một chữ “Cá” vào cuốn sổ ghi chép.
“Hình, hình như là không muốn ăn.” Bà mẹ suy tư một chút, rồi lại nói. “Là không muốn ăn. Tôi nhớ là mỗi lần nấu canh riêu, nó vẫn thường nêm nếm mấy miếng.”
“Cháu hiểu rồi.” Nam gạch chữ “Cá” trên cuốn sổ đi. “Còn gì nữa không ạ?”
Cả nhà đều lắc đầu, kể cả đứa nhỏ. Trông thì có vẻ là 10 tuổi, có thể hiểu chuyện.
“Vậy còn cháu gái thì sao, cháu…”
“Bé tên là Hằng ạ.” Bố đứa bé đáp. Thật tiện khi người Việt Nam nghĩ ra cấu trúc ngữ pháp để hỏi tên mà không cần đặt câu hỏi.
“Cháu Hằng có dị ứng hay không ăn được món gì không?”
“Không có ạ.” Con bé đáp đầy hãnh diện. Dường như tất cả những người tên là Hằng đều trông thật đáng yêu.
Xoa đầu con bé, Nam quay sang hỏi người lớn.
“Cháu Hằng có bị kháng thuốc hay sốc phản vệ sau khi tiêm vắc xin không ạ?”
“Không có.” Ông bố chồng đáp. Trả lời ngay lập tức như vậy, hẳn ông đã dành ra rất nhiều thời gian cho cháu gái. “Bác sĩ hỏi như vậy, ý là dị ứng cũng có thể di truyền ạ?”
“Vâng.” Nam nói, và giải thích một cách đơn giản. “Cơ thể tạo ra kháng thể mỗi khi bị dị ứng, các kháng thể này có thể di truyền từ mẹ sang con.”
“Tch… Tch…” Vũ đứng sau, lắc đầu đầy mỉa mai.
Vâng, tôi biết là tôi giải thích sai rồi, làm như tôi có thời gian để giải thích về yếu tố di truyền của dị ứng ấy. Nam gầm gừ khẽ trong cổ họng.
“Vậy sau đó vợ tôi sẽ được phẫu thuật chưa hả bác sĩ?”
“Chúng tôi còn cần kiểm tra ký sinh trùng…” Ngập ngừng một lúc, Nam ngẩng đầu lên, hỏi: “Bao lâu rồi gia đình mình chưa tẩy giun?”
Một thoáng im lặng đầy ngượng ngùng. Nam ghi ra 3 chữ “ký sinh trùng” vào sổ tay.
Các bạn nhỏ ơi, nhớ tẩy giun mỗi 6 tháng một lần nhé.
Hỏi thêm vài câu linh tinh nữa nhưng không thu được kết quả gì, Nam quyết định kết thúc cuộc phỏng vấn. Ở bên ngoài căng tin, Vũ đứng nhởn nhơ nhìn những hạt mưa xuyên qua cơ thể mình. Miễn là không tùy tiện chui vào một căn phòng nào, Vũ có thể tự do đi khắp nơi trong khuôn viên bệnh viện.
Mang theo cuốn sổ tay không có gì ngoài ba chữ “ký sinh trùng” trở về phòng xét nghiệm, Nam đã thấy Hằng đang đợi sẵn. Mặt nhăn lại, cô càu nhàu.
“Mấy người dưới tuyến huyện chẳng tinh ý gì cả, họ chích ven cho chị ấy bầm hết cả tay lại.”
“Ai cũng phải bắt đầu như vậy mà.” Nam cười khổ. Tính nhẩm thời gian, đây là lúc nhóm sinh viên bắt đầu đi thực tập. Ai biết được có đứa nào đang lẫn vào bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất không cơ chứ.
“Nói chuyện với bệnh nhân thế nào hả anh?” Hằng hỏi. Nam đáp.
“Không có nhiều thông tin. Chỉ biết là không phải dị ứng thông thường.”
“Ý em không phải vậy.” Hằng thốt lên, nhưng càng nói, giọng cô càng nhỏ lại. “Ý em là… Đời sống tình cảm của họ thế nào?”
Nam hơi nghiêng đầu. Anh không hiểu cô gái xinh đẹp trước mặt đang nói gì.
“Chị Huyền nói rằng một số bệnh loại đó cũng ảnh hưởng đến thuốc kháng sinh.”
“Loại đó? Là loại gì?” Nam hỏi, nhưng nhìn khuôn mặt đang dần dần ửng đỏ của Hằng, anh lập tức hiểu. “Ý em là bệnh lây lan qua đường tình dụ…”
Huyền vội vàng che miệng Nam lại, mặt cô lúc này đã đỏ lên như gấc. Vũ đứng bên huýt sáo trêu ghẹo. Thật may là cô không nhìn thấy anh.
“Em hiểu nhầm rồi.” Nam bật cười. “Một số bệnh như HIV, mụn rộp, sùi mào gà hoặc viêm gan B gây ra bởi virus, mà kháng sinh chỉ có thể chống lại vi khuẩn, cho nên kháng sinh không dùng được với chúng, chứ không phải là chúng chống lại được kháng sinh.”
“Nhưng cũng có những bệnh do vi khuẩn gây ra mà kháng sinh không trị được mà.” Hằng phản bác.
“Ý em là bệnh lậu, giang mai hay Chlamydia? Cấu tạo vi khuẩn khiến chúng có thể chống lại kháng sinh, cũng giống như giun sán phát triển lớp vỏ bên ngoài giúp chúng sống sót trước dịch vị dạ dày mà thôi. Vi khuẩn có thể kháng lại thuốc kháng sinh, nhưng không làm cho cơ thể dị ứng kháng sinh được.” Nam từ tốn giải thích. “Hơn nữa, cả gia đình nhà chồng đều đến chăm sóc cho cô ấy, trong khi anh chẳng thấy gia đình nhà ngoại đâu. Thật khó để tin một người được bên chồng yêu thương như vậy lại ngoại tình cả.”
“Vâng, em hiểu rồi.” Hằng mỉm cười. “Thế nhưng ký sinh trùng có thể khiến cơ thể dị ứng với kháng sinh, nhưng vi khuẩn và virus thì lại không ạ.”
“Không phải vậy.” Nam tiến vào phòng xét nghiệm. Nếu trong lúc chờ đợi, chị Huyền nghía qua và thấy anh dành hơn năm phút để tán chuyện với Hằng thay vì đi làm xét nghiệm, thì đích thân chị ấy sẽ ký đơn điều chuyển anh lên Tây Bắc mất. “Thông thường, ký sinh trùng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây dị ứng kháng sinh. Dị ứng kháng sinh là phản ứng của hệ miễn dịch đối với thuốc kháng sinh, không phải ký sinh trùng. Hơn nữa, anh không hề loại trừ khả năng virus và vi khuẩn gây ra. Chỉ là xét nghiệm lúc này của anh chỉ có thể kiểm tra ký sinh trùng. Muốn kiểm tra vi khuẩn, em cần sang phòng bên cạnh gọi anh Long.”
“Vâng.” Hằng lại le lưỡi. Nếu có thời gian, Nam thực sự muốn ngắm nhìn chiếc lưỡi hồng nhỏ xinh ấy, tiếc là thời gian không cho phép. Anh chỉ đành tiễn Hằng rời đi rồi quay lại phòng thí nghiệm. Ở cạnh bên, Vũ vẫn nhơ nhẩn và lặng im như một kẻ vô hình.
Mà đúng là anh ta vô hình thật.
“Giờ tôi sẽ kiểm tra huyết thanh, anh giúp tôi kiểm tra mẫu máu.” Nam nói với Vũ, và bắt tay vào hành động.
“Thật là, có gái là quên bạn.” Vũ càu nhàu một câu, rồi cũng tiến về phía kính hiển vi.
Kiểm tra huyết tương là một việc khá đơn giản. Bước phức tạp nhất, chiết xuất huyết thanh từ máu đã được người khác làm thay. Hiện tại, Nam chỉ việc tìm ra sự hiện diện của kháng nguyên khi huyết thanh tiếp xúc với các dị nguyên cụ thể. So với Nam, công việc của Vũ có phần phiền rà hơn. Dựa trên cơ sở IgE là kháng nguyên bắt buộc phải có khi có phản ứng dị ứng, Vũ sẽ phải đo hàm lượng kháng thể IgE trong điều kiện mẫu máu cụ thể. Nhưng nhìn chung thì cũng không quá khó.
Phòng thí nghiệm im như tờ, chỉ có tiếng hít thở nhè nhẹ của Nam. Một lúc sau, anh lên tiếng trước.
“Âm tính với tất cả dị nguyên, thực sự không phải dị ứng.”
“Không có kháng nguyên không có nghĩa là không dị ứng.” Ở phía sau anh, Vũ đáp, trong khi đung đưa ghế. Nếu có ai trích xuất camera lúc này, họ sẽ hoảng hồn khi thấy chiếc ghế tự đung đưa. Thế nhưng chỉ nghĩ đến việc Vũ lang thang nơi này không biết bao nhiêu lâu mà không bị phát hiện, có lẽ anh ta có thể ảnh hưởng đến camera ở một mức độ nào đó. “Kiểm tra dị nguyên chỉ có thể chứng minh bệnh nhân không bị dị ứng với các dị nguyên được kiểm tra. Chúng ta có thể kiểm tra bao nhiêu dị nguyên nhỉ? 60 phải không?”
“162. Chúng ta đã có thể kiểm tra 107 dị nguyên kể từ năm 2016 rồi.”
Panel 60 dị nguyên? Kiến thức y tế của Vũ còn ngừng lại ở năm 2004 hay sao, Nam tự nhủ. Rồi anh vươn vai. “Kết quả bên anh thế nào?”
“Vẫn thế.” Vũ đáp. “Hàm lượng IgE thấp. Không phải ký sinh trùng, cũng không phải bệnh chàm.”
“Vậy là lại quay lại với dị ứng kháng sinh à?” Nam cúi đầu, trầm ngâm.
“Chẳng phải anh vừa nói là không phải sao. 162 loại dị nguyên, hẳn là đã bao hàm các thành phần kháng sinh có thể gây dị ứng, phải không?” Vũ nói, có chút phiền chán.
“Vậy phải chờ kết quả bên anh Long rồi.” Nam gãi đầu. “Chỉ hy vọng là anh ấy tìm ra được nguyên nhân, bằng không thì chúng ta chỉ còn lại một phương án thôi.”
“Tổ hợp thành phần, phải không?”
Mỗi loại thuốc kháng sinh đều bao gồm nhiều thành phần với nhau. Khi hai loại thuốc kết hợp lại với nhau, chúng tạo nên một công thức mới. Cũng tượng tự, khi hai thành phần kết hợp được với nhau, chúng sẽ tạo ra cái quỷ gì bên trong cơ thể, chẳng ai biết được. Kiểm tra từng tổ hợp như vậy có thể mất cả ngày. Họ không còn nhiều thời gian.
“Nếu cần thiết, anh có thể Thiết Triệu không.”
Vũ là một Thành Hoàng. Bất kể trông anh có giống con người như thế nào, bản chất anh vẫn là một vị thần. Và mặc dù không có sức mạnh để hô phong hoán vũ như những vị thần trong truyền thuyết, anh vẫn sở hữu một sức mạnh có thể lợi dụng trong ngành y tế.
Thiết Triệu.
Thành Hoàng không thể can thiệp trực tiếp vào cuộc sống nhân gian, nhưng có thể quan sát nhân gian. Chỉ riêng việc tìm ra lỗ hổng trong Luật Trời cũng đã làm Vũ khác biệt hẳn so với các Thành Hoàng khác.
“Có thể, nhưng chỉ một giờ thôi. Nếu tình trạng bệnh nhân xấu hơn, có thể chỉ vài chục phút.”
“Hiểu rồi.” Nam gật đầu, và đứng dậy, đi sang phòng bên cạnh.
Hai mươi phút sau, anh quay lại phòng, nói với một giọng không vui không buồn.
“Không tìm thấy vi khuẩn hay virus nào cả. Thay đồ đi, chúng ta sẽ cần anh thiết triệu ngay bây giờ.


1 Bình luận
Những phần sau thì cải thiện hơn, tuy mật độ thuật ngữ vẫn khá là cao có thể khiến người đọc khó chịu. Trừ khi tác chỉ muốn người trong ngành đọc, còn không thì cần phải chấp nhận lược bỏ một số chi tiết để khiến nó đại chúng hơn.
Về nhân vật, mới chương 1 nên chưa thể đánh giá nhiều. Chỉ có nhân vật Hằng, cốp to, được miêu tả rất đẹp, điều dưỡng nhưng lại thiếu 1 số kiến thức cơ bản trong ngành, nhắc STIs cũng ngại (??)
Về phần điều trị, cái này em chịu, chưa đủ trình để đánh giá gì hết. Em chỉ có câu hỏi là tại sao bệnh nhân vừa trải qua sốc phản vệ (2 lần?) mà lại thực hiện test dị ứng ngay sau đó. Hơn nữa, BN chỉ thể hiện việc dị ứng nhóm beta lactam, tại sao không tiếp tục điều trị bằng Aztreonam hay nhóm quinolone?
Tóm lại, khá ổn đối với e. Trông chờ các chương tiếp theo sẽ càng cải thiện!👍