Xin chào các bạn, tôi là Nguyễn Hồng Tuân - Beta reader, người đã hỗ trợ sáng tác cho nhiều tay bút mới của Hako cũng như nhiều nền tảng khác.
Trước khi đi sâu hơn vào việc đánh giá tác phẩm, tôi hi vọng các bạn có thể đọc qua bài review tác phẩm Máu, Thịt và Em trước đó của tôi cùng đồng nghiệp Đại Sư Mạt Trà. Trong bài viết ấy, tôi đã đề cập rằng sẽ cố gắng review nhiều tác phẩm nhất có thể trong kì vote banner lần với hi vọng đưa ra những phân tích có tính tham khảo cho tác giả lẫn những người đọc muốn có cái nhìn toàn diện hơn vào một tác phẩm. Lần này, tôi sẽ tiếp tục review cho các bạn tác phẩm CHUYẾN PHIÊU LƯU CỦA CÔ GÁI ĐƯA THƯ của tác giả Lepus Lux Solis.
Trước khi bắt đầu, tôi xin chia sẻ rằng việc lựa chọn tác phẩm này đến từ lý do chủ quan của tôi hơn là sự nhất trí giữa tôi và Mạt Trà. Vì sao? Tôi cho rằng việc tôi tiếp xúc được tác phẩm này đều nhờ vào duyên số mà có. Trước đó, đã có một khoảng thời gian rất dài mà tôi không hề ghé thăm trang chủ Hako, chỉ làm việc trực tiếp với những tác giả trên nền tảng tìm đến tôi. Vì thế, vào một ngày nọ khi quá bế tắc với bài nghiên cứu thạc sĩ, tôi vô tình lại nhớ đến Hako và nổi hứng đăng nhập lại vào nền tảng này. Câu chuyện đầu tiên mà tôi đọc được chính là Chuyến Phiêu Lưu Của Cô Gái Đưa Thư. Khi đó, tôi khó lòng mà đọc nổi được quá chương 1, lí do vì sao tôi sẽ giải thích cho các bạn ở những phần dưới. Tôi đã nghĩ rằng, nếu như tác giả này đã có được sự hướng đẫn trong việc sáng tác tốt hơn thì dĩ nhiên tác phẩm này đã hay hơn rất nhiều. Suy cho cùng tôi không cho rằng đây là một tác phẩm có ý tưởng tệ, chỉ đơn giản rằng nó chưa được thực đầu tư về mặt nội dung và còn thiếu sót nhiều trong việc ứng dụng các kỹ thuật viết phù hợp. Vậy nên tôi hi vọng với những lời phân tích này của tôi, tác giả có thể một lần nữa nhìn nhận lại tác phẩm của mình và cho nó một sự đầu tư xứng đáng.
Cũng giống như lần trước. Trong bài viết này, tôi sẽ phân tích cho các bạn những thiếu sót trong lời giới thiệu của câu chuyện và sau đó là ba chương đầu tiên. Trong câu chuyện lần này, hấu hết tác giả đều mắc phải những lỗi cơ bản của việc thiết lập và viết. Tuy nhiên tôi mong rằng bài viết lần này sẽ không quá ngắn và dài vừa đủ để bao hàm được mọi vấn đề cần thiết.
I. PHÂN TÍCH TÓM TẮT VÀ GIỚI THIỆU.
Trong phần giới thiệu của câu chuyện này, tác giả đã viết rằng:
“"Nếu một ngày bạn vô tình có một nhiệm vụ buộc bạn phải đi một nơi rất xa nhưng không giới hạn thời gian. Liệu bạn sẽ nhận nhiệm vụ ấy chứ?"
"Chuyến phiêu lưu của cô gái đưa thư" là một câu chuyện xoay quanh về một cô nàng bưu tá Lux, trong một lần như mọi ngày khi đang ngủ gật trong cuộc họp thì cô được một vị đồng nghiệp nhắc nhở về nhiệm vụ dài ngày. Với niềm đam mê mãnh liệt với những cuộc mạo hiểm, cô đã rất háo hức và chuẩn bị ngay cho một chuyến hành trình sắp tới. Không biết hành trình sắp tới của cô sẽ như thế nào? Liệu cô sẽ gặp những tình huống gì? Hãy theo dõi câu truyện để xem hành trình của Lux sẽ đi về đâu.”
Lời giới thiệu lần này là một trong những cách giới thiệu mà tôi đã đánh giá cao, nó cũng là một trong những lý do vì sao mà tôi đã lựa chọn đọc câu chuyện này trong lần đầu tôi nhìn thấy nó. Nhưng càng đào sâu vào lời giới thiệu này, tôi lại càng nhận ra vấn đề thực sự của nó.
Lời giới thiệu được bắt đầu bằng một câu hỏi với giả định rằng “Nếu một ngày bạn vô tình có một nhiệm vụ buộc bạn phải đi một nơi rất xa nhưng không giới hạn thời gian.”. Thông thường, tác giả sẽ đặt ra một câu hỏi giả định vừa là để ngay lập tức giới thiệu hoàn cảnh của câu chuyện, vừa là để tạo một cái móc lôi kéo sự chú ý của người đọc. Tuy nhiên, câu hỏi này chưa thực sự thành công trong việc tạo ấn tượng mạnh vì bị mắc phải những logic không đáng có.
Đầu tiên là sự kết hợp lúng túng giữa “vô tình” và “buộc bạn phải đi” tạo cảm giác mâu thuẫn về ngữ nghĩa. “Vô tình” gợi ý một sự tình cờ, trong khi “buộc phải” lại ám chỉ sự bắt buộc. Điều này không chỉ làm mất đi sự mạch lạc của câu chuyện, mà còn phạm phải lỗi logic cơ bản.
Thứ hai, điều mà tôi chú ý nhất chính là chi tiết “đi một nơi rất xa nhưng không giới hạn thời gian.”. Nó có lẽ là thứ mà tác giả đang muốn nhấn mạnh vào mặt “slice of life” của tác phẩm này, làm cho việc phiêu lưu có thêm tính nhàn nhã và nhẹ nhàng. Nhưng đó lại là thứ khiến cho sự “Phiêu lưu” nằm trong tên của tác phẩm biến mất đi. Suy cho cùng phiêu lưu còn là điều gì nếu như nó mất đi tính cấp bách và sự hồi hộp? Dù vậy, Mạt Trà cũng đã nhắc về sự bất ổn trong cấu trúc của câu trên, khi mà dường như việc “đi một nơi rất xa” và “không giới hạn thời gian” không phải là hai vế có sự tương phản, vậy nên, việc sử dụng nhưng ở đây là không cần thiết.
Phần tiếp theo của lời giới thiệu, tác giả viết rằng:
“"Chuyến phiêu lưu của cô gái đưa thư" là một câu chuyện xoay quanh về một cô nàng bưu tá Lux, trong một lần như mọi ngày khi đang ngủ gật trong cuộc họp thì cô được một vị đồng nghiệp nhắc nhở về nhiệm vụ dài ngày. Với niềm đam mê mãnh liệt với những cuộc mạo hiểm, cô đã rất háo hức và chuẩn bị ngay cho một chuyến hành trình sắp tới.”
Tác giả đã giới thiệu cho chúng ta nhân vật chính của câu chuyện này, một “cô nàng bưu tá Lux”. Thông qua đoạn “trong một lần như mọi ngày khi đang ngủ gật trong cuộc họp thì cô được một vị đồng nghiệp nhắc nhở về nhiệm vụ dài ngày.”, tác giả đã muốn thể hiện cho chúng ta thấy Lux là một cô gái hay lơ đễnh. Nhưng cô lại yêu nghề và có một khát khao phiêu lưu mãnh liệt, được thể hiện thông qua câu “Với niềm đam mê mãnh liệt với những cuộc mạo hiểm, cô đã rất háo hức và chuẩn bị ngay cho một chuyến hành trình sắp tới.”. Tôi cho rằng phần giới thiệu này đã phần nào bao quát được về nhân vật chính. Tuy nhiên, Mạt Trà lại nhận định rằng vấn đề lại nằm ở việc cách mà các chi tiết này được thể hiện, vô tình lại khiến cho nhân vật này lại trở nên mờ nhạt. Chúng ta biết về Lux chỉ thông qua nghề nghiệp “bưu tá” và hành động “ngủ gật” được nói cụ thể trong một tình huống, nhưng những gì thực tế về tính cách của cô lại không được thể hiện rõ. Hơn nữa, tình huống “được đồng nghiệp nhắc nhở về nhiệm vụ” được trình bày một cách khô khan, thiếu sự kịch tính để đánh dấu sự chuyển đổi từ cuộc sống thường nhật sang chuyến phiêu lưu, từ đó thất bại trong việc thể hiện vấn đề chính một cách ấn tượng với người đọc.
Một vấn đề nữa. Câu “Với niềm đam mê mãnh liệt với những cuộc mạo hiểm, cô đã rất háo hức và chuẩn bị ngay cho một chuyến hành trình sắp tới.” lại rơi vào cái bẫy của sự chung chung. “Niềm đam mê mãnh liệt” là một tuyên bố mang tính kể (telling) hơn là thể hiện (showing). Người đọc không được chứng kiến bất kỳ hành động, ký ức, hay cảm xúc cụ thể nào minh họa cho đam mê này, khiến tuyên bố trở nên trừu tượng và thiếu sức thuyết phục. Chưa kể, cụm từ “chuẩn bị ngay” nghe đơn giản và không đủ sức gợi lên hình ảnh sống động về sự chuyển mình của Lux trước chuyến đi khiến cho câu văn này không tạo được sự kết nối cảm xúc mạnh mẽ với người đọc, làm cho họ khó bị cuốn vào hành trình của nhân vật.
Phần kết của lời giới thiệu này là một chuỗi các câu hỏi và một lời kêu gọi:
“Không biết hành trình sắp tới của cô sẽ như thế nào? Liệu cô sẽ gặp những tình huống gì? Hãy theo dõi câu truyện để xem hành trình của Lux sẽ đi về đâu.”
Đây là một chiến lược hợp lý khi sử dụng những yếu tố tóm gọn lại những gì sẽ diễn ra trong câu chuyện, với nền tảng được xây dựng từ phần giới thiệu bên trên. Nhưng, các câu hỏi ở đây quá chung chung và thiếu sự cụ thể, không tạo được cảm giác hồi hộp hay hứa hẹn về những điều thú vị sắp tới. “Sẽ như thế nào?” hay “gặp những tình huống gì?” là những câu hỏi mang tính công thức, không gợi lên hình ảnh hay cảm xúc cụ thể về hành trình của Lux. Hơn nữa, câu kêu gọi “Hãy theo dõi câu truyện” nghe khô khan và mang tính quảng cáo hơn là một lời mời gọi tự nhiên, tinh tế. Kết quả là, phần kết không để lại ấn tượng mạnh mẽ, khiến người đọc dễ dàng bỏ qua câu chuyện thay vì cảm thấy thôi thúc phải khám phá thêm.
Vấn đề cuối cùng mà tôi cùng Mạt Trà muốn nói đến trong lời giới thiệu này chính là việc thiếu đề cập đến bối cảnh của câu chuyện. Người đọc không được cung cấp bất kỳ thông tin nào về thế giới của câu chuyện như liệu Lux sống trong một thị trấn hiện đại, một vương quốc giả tưởng, hay một tương lai viễn tưởng? Chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết được. Việc thiếu đi một bối cảnh giống như là một chiếc kiềng bị thiếu đi một chân vâỵ.
Đến đây, cả tôi và Mạt Trà đều thống nhất rằng tác giả đã có một ý tưởng rất thú vị, tuy nhiên lại thiếu phương thức hợp lý để thể hiện nó ra. Vì sao chúng tôi lại cho rằng như thế sau những gì đã phân tích phía trên? Tôi sẽ giải thích trong phần tiếp theo của bài viết này.
II. PHÂN TÍCH CÁC CHƯƠNG MỞ ĐẦU.
Thiếu hoạch định và định hướng là hai vấn đề chính mà mọi tay viết mới đều mắc phải. Câu chuyện này cũng thế, thậm chí, tôi còn cho rằng nó là biểu hiện tiêu biểu của vấn đề đó. Trong ba chương mà tôi đã đọc và sẽ phân tích sau đây đều có một lỗi chung: chúng thiếu liên kết và trọng tâm một cách trầm trọng. Sau ba chương, số thông tin mà chúng ta biết chẳng nhiều hơn những gì đã được đề cập trong lời giới thiệu.
Tuy nhiên, tôi cho rằng tôi đã thấu được phần nào ý định của tác giả muốn. Tôi cho rằng nếu đi tiếp, hướng của truyện sẽ triển khai theo một kiểu cấu trúc tương tự như truyện truyền thống của Nhật Bản, cấu trúc 4 hồi - Kishoutenketsu (起承転結).
Đại loại, Kishoutenketsu sẽ gồm bốn hồi:
Ki (Khởi đầu): Giới thiệu bối cảnh và nhân vật, giống như việc bạn bắt đầu kể cho ai đó về một ngày của mình.
Shou (Phát triển): Mở rộng câu chuyện bằng cách thêm chi tiết hoặc tình huống mới, như kể thêm về những gì đã xảy ra.
Ten (Bẻ ngoặt): Đưa ra một bước ngoặt bất ngờ, một điều thú vị hoặc khác lạ để khiến người nghe ngạc nhiên, ví dụ như một sự kiện bất ngờ trong ngày.
Ketsu (Kết nối): Kết thúc bằng cách gắn kết mọi thứ lại, giải thích ý nghĩa hoặc đưa ra một kết luận tự nhiên, như bạn tổng kết câu chuyện của mình.
Đặc trưng của cấu trúc này sẽ là phần mở đầu có một diễn biến gần như là bằng phẳng, tức là không mang theo một xung đột cụ thể nào. Tiếp diễn theo cốt truyện, phần phát triển sẽ chỉ mang nhiệm vụ mở rộng vấn đề được giới thiệu tại phần mở đầu, và sau đó đưa vào một điểm “plot twist” đột ngột, làm tiền đề cho một kết thúc. Cấu trúc này không mang yếu tố khai thác sự mâu thuẫn gay gắt, rồi tiến đến giải quyết xung đột như các cấu trúc 3 hồi của phương Tây mà chỉ gợi ra một vấn đề để ngẫm nghĩ.
Cấu trúc này có thể sẽ thích hợp với tầm nhìn của tác giả về nhân vật Lux hơn. Với Ki, tác giả có thể giới thiệu cuộc sống thường nhật của Lux một cách sống động, tạo nền tảng cho hành trình. Shou sẽ mở rộng bằng cách đưa cô vào nhiệm vụ dài ngày, khơi gợi sự tò mò. Ten có thể mang đến một bước ngoặt bất ngờ, như gặp phải một sự kiện kỳ lạ hoặc một vấn đề căng thẳng trên đường đi, làm tăng sức hấp dẫn. Cuối cùng, Ketsu sẽ kết nối mọi chi tiết, để lại ấn tượng sâu sắc về hành trình của Lux.
Về trọng tâm của mỗi chương truyện. Tác giả hoàn toàn có thể áp dụng hình thức truyện ngắn liên hoàn (Mỗi chương truyện sẽ là một câu chuyện ngắn, không có sự kết nối cụ thể với nhau và có thể đọc theo bất kì thứ tự nào), tôi cho rằng hình thức này sẽ thích hợp hơn với yếu tố “đời thường” của câu chuyện. Mỗi chương truyện có thể xoay quanh những vấn đề liên quan đến một bức thư nào đó và nhân vật Lux có thể sẽ phải giải quyết các vấn đề đấy để có thể thực hiện mục tiêu cuối cùng: giao được bức thư cho người nhận. Đấy là những lý do mà tôi có thể kết luận rằng đây là một câu chuyện rất có tiềm năng. Tiếc thay, do sự thiếu hoạch định và thiếu cách thức sáng tác hợp lý của tác giả mà trở thành câu chuyện như hiện tại.
Quay ngược lại về vấn đề, đây lại là cách mà tác giả thể hiện qua ba chương của mở đầu của câu chuyện.
1. Nội dung
1.1. Chương 1.
Như đã nói từ bài viết trước. Một mở đầu của câu chuyện sẽ có ba yếu tố:
- Bối cảnh và hoàn cảnh.
- Nhân vật.
- Vấn đề chính.
Dựa vào những gì được thể hiện ở phần giới thiệu, tôi đã hi vọng rằng tác giả đã có thể bổ sung thêm những thiếu sót đó bằng cách giới thiệu vào phần mở đầu của câu chuyện. Nhưng thực tế thì tác giả sử dụng chương này chỉ như một chương giới thiệu nhân vật, không hơn, không kém.
Mở đầu câu chuyện là một lời tự giới thiệu của nhân vật chính.
“Tôi là Lux Haethbell, một người con được sinh ra tại Floating town thuộc vùng đất Vallis Ventorum. Hôm nay tôi lại có nhiều việc phải làm trong ngày hôm nay, có thể sẽ về rất muộn. Nhưng chẳng sao cả, tôi yêu thích công việc này hơn bất cứ thứ gì, không giống như những người đồng nghiệp ngày nào cũng than thở về việc phải đi mỗi ngày, tôi lại cực yêu thích được làm công việc như đi phiêu lưu, khám phá các vùng đất và đi đây đi đó, có thể nói đó chính là sở thích của…”
Mở đầu bằng việc nhân vật tự giới thiệu là cách thức phổ biến của nhiều tay viết mới. Dù cho nó không phải là một cách thức sai tuy nhiên nó lại thường đươc tác giả mới sử dụng sai cách khiến cho nó dần dà trở thành một cách thức lười biếng và bị lạm dụng. Vậy tại sao trong trường hợp này nó lại không hiệu quả?
Đầu tiên. Đây là một cách kể (telling), và việc kể để giới thiệu nhân vật là một cách quá trực tiếp thay vì thể hiện nó ra (showing) thông qua cách mà nhân vật phản ứng, suy nghĩ, hành động trong những tình huống khác nhau. Về cơ bản, nó chỉ đơn thuần là cung cấp thông tin về nhân vật chính, không tạo được hình ảnh sống động hay cảm xúc mạnh mẽ nào. Nói theo cách khác, nó có thể được xem là nhồi thông tin (info dunp) một cách không cần thiết.
Thứ hai. Một trong những vấn đề mà phần lớn các tay bút mới gặp phải khi lựa chọn cách thức này là cách chuyển giao giữa phần kể và diễn biến của chuyện. Để có thể dẫn nhập vào một cách mượt mà. Tôi thường xuyên khuyên những người mới học cách kết nối đoạn để giải quyết vấn đề này. Kết nối đoạn là gì? Đó là việc bạn kết nối giữa các đoạn với nhau về mặt logic và thông tin để tạo thành một thể mạch lạc, một “dòng chảy” để cuốn người đọc đi từ đầu đến kết câu chuyện. Nhưng nếu như tác giả không áp dụng hay không biết cách kết nối câu và đoạn, phần tự giới thiệu này sẽ trở thành một thông tin biệt lập mà không có điều gì sau đó mở rộng hoặc tiếp nối nó.
Vậy chúng ta có thể sử dụng cách thức này thế nào? Giả sử tác giả sử dụng lời giới thiệu của nhân vật “Tôi là Lux Haethbell, một người con được sinh ra tại Floating town thuộc vùng đất Vallis Ventorum” rồi sau đó mở rộng ra thành miêu tả và giới thiệu về bối cảnh của thế giới này rồi dẫn nhập nó vào diễn biến của câu chuyện, giới thiệu vấn đề chính của câu chuyện ngay sau đó. Thì đây sẽ là một cách thức mở đầu rất hay để có thể giới thiệu được trọn vẹn ba yếu tố mở đầu của câu chuyện này.
Bên cạnh lời giới thiệu của nhân vật. Trong chương 1 này đã giới thiệu rất nhiều thông tin khác liên quan đến nhân vật Lux, cùng nhiều nhân vật khác và cả bối cảnh. Tuy nhiên tất cả những thông tin này không hề có kết nối gì với nhau. Tôi có thế phân tích một ví dụ như sau:
““Giống như một giấc mơ vậy?” – Lux nghĩ thầm, sau đó cô quay sang hướng đang gọi mình. Đó là một trong những đồng nghiệp thân thiết với cô, cậu Myrddin.”
Trong đoạn này tác giả giới thiệu đến một nhân vật tên là “Myrddin”. Nhưng nhân vật này chỉ được giới thiệu ngắn gọn là “một trong những đồng nghiệp thân thiết” với Lux, nhưng nhân vật này sau đó chẳng bao giờ được thể hiện là thân thiết hay ảnh hưởng đến nhân vật Lux ở mức độ nào. Vai trò của nhân vật này đến thời điểm này là kết thúc. Chúng ta cảm thấy rằng đây chỉ là một nhân vật phụ, nhưng cách mà tác giả thể hiện nhân vật này lại không giống như nhân vật phụ cho lắm.
Tiếp theo là đoạn:
“Thế là thay vì nghe lời của vị đồng nghiệp kia, Lux chạy nhanh về nhà gom nhanh mấy món đồ cần thiết cho chuyến đi. Cô có một chiếc cặp không gian có thể chứa bao nhiêu món đồ mà khi đeo lên thì chẳng sợ cảm thấy khó chịu hay nặng nề. Cô cảm thấy chi tận 2000 MACTO* thật xứng với lại một món đồ tiện lợi mà lại cần thiết cho công việc cũng như sở thích của bản thân.”
Một thông tin về bối cảnh được thể hiện trong đoạn này chính là đơn vị tiền tệ “MACTO”. Tuy tôi không cảm thấy vấn đề gì trong việc tác giả giới thiệu tiền tệ như một thông tin của bối cảnh. Nhưng đây cũng chỉ là lần duy nhất mà đơn vị tiền tệ này được nhắc đến, hơn nữa người đọc chúng ta thực sự cũng không rõ rằng “2000 MACTO” là một con số lớn thế nào. Và cũng như trên, thông tin này cũng được thêm vào một cách tuỳ tiện và tách biệt. Chúng chỉ tồn tại để thể hiện rằng nhân vật Lux rất tâm huyết trong công việc của mình, một chi tiết đã được nhắc đi nhắc lại từ suốt lời giới thiệu đến giờ. Mạt Trà cho rằng sẽ tốt hơn nếu tác giả khéo léo đưa một vật phẩm cụ thể, thân thuộc với người đọc để thể hiện ra giá trị tương xứng với con số "2000 MACTO".
“- Cháu nhà bà Haethbell thật năng động – Một quý bà che miệng cười khi trông thấy dáng vẻ của Lux – Nó cứ đi làm việc trong tinh thần sảng khoái đến kì lạ.
- Tôi đồng tình – Một người khác gật đầu – Nhưng con bé cũng chỉ có một người mẹ già, liệu bà Haethbell không cảm thấy phiền lòng chứ?
- Nghe bảo bà ấy rất ủng hộ công việc của con gái mình mà? – Quý bà kia quay sang nói
- Biết là thế, nhưng bà Haethbell cũng đâu còn sức khỏe như hồi xưa đâu…Nó đi riết thế này cũng tội bả…”
Trong đoạn hội thoại giữa những người qua đường này. Chúng ta được giới thiệu đến với một nhân vật tên là “bà Haethbell” - mẹ của nhân vật Lux. Tiếp tục những thông tin này cũng là những thông tin hoàn toàn không có mục đích gì hay kết nối nào đáng kể.
“Hãy đến cơ sở chính tại [SPIRITUS REGNUM] vào cuối tháng này, lệnh từ cấp cao”
Câu này giới thiệu chúng ta đến một nơi nào đó tên là “SPIRITUS REGNUM”. Dĩ nhiên với chúng ta, nó vẫn chỉ là một cái tên nào đó vô nghĩa. Tác gỉa cũng không hề cho chúng ta thông tin gì hơn thế.
Nhưng đoạn mà tôi đã nêu trên đều chứa một thông tin nào đó. Tuy nhiên, các bạn cũng có thể thấy rằng chúng gần như là những thông tin ngẫu nhiên, không hề kết nối chúng ta đến một vấn đề nào. Thậm chí chúng còn không có ngữ cảnh nào để giải thích cho những thông tin đó. Tổng kết lại, cả chương 1 chỉ là một mớ thông tin hỗn độn không hơn không kém.
1.2. Chương 2.
Kết thúc chương 1, tác giả giới thiệu đến nhân vật “Tướng quân Edana Jyotsna” để làm tiền đề dẫn sang chương 2. Tuy nội dung chính của chương này xoay quanh nhân vật Jyotsna nhưng vẫn như chương trước, nó chẳng đưa ra thông tin hay vấn đề gì cho câu chuyện.
Chương truyện này mang tên “Hồi tưởng về một ngày khó quên”, và đúng như tên của nó, đây là một đoạn hồi tưởng dài về nhân vật Jyotsna kia. Chương truyện mở đầu bằng một đoạn đầu cảnh (slugline)
“(Nhiều năm về trước, tại một khu rừng nọ thuộc Vallis Ventorum…)”
Đoạn đầu cảnh thường được thấy trong phần đầu của mỗi cảnh trong kịch bản phim. Nó được dùng tóm tắt về mặt thời gian và diễn biến để đạo diễn và diễn viên có thể nắm bắt được cảnh tốt, từ đó thể hiện câu thoại của mình. Nhưng một vấn đề rằng, đây không phải là một kịch bản, nó là một chương truyện đầy đủ và bạn khó có thể áp dụng cách viết dành cho kịch bản trong viết truyện. Vì thế, việc sử dụng đoạn đầu cảnh không khác nào một cách kể lười biếng khi dựng lên một cảnh trong câu chuyện này.
Tiếp theo là một phân đoạn dài gồm các câu thoại qua lại liên tục của rất nhiều nhân vật. Tôi và Mạt Trà đã nhận thấy có rất nhiều vấn đề đáng nói trong này. Điều đầu tiên có thể kể đến là các câu thoại này dường như là vô nghĩa, chúng không hề thể hiện ra được bất kì vấn đề hay chi tiết diễn biến gì cả. Điều thứ hai là phân đoạn này giới thiệu quá nhiều nhân vật mới, đã hoạt động và tương tác với nhân vật Lux xuyên suốt câu chuyện, tuy nhiên tất cả các nhân vật này vẫn không hề có được giới thiệu, hãy ngữ cảnh nào giải thích được họ là ai, đang làm gì, quan hệ ở mức độ nào với nhân vật chính. Chính vì thế cách mà họ tương tác lẫn nhau và thiết lập câu thoại dường như là rối loạn khó theo dõi. Chưa kể đến việc sắp xếp trình tự các câu thoại cũng không hề có một logic nào. Ví dụ như trong đoạn hội thoại:
“- Này cái tên công chúa kia?! Nếu không phải Lux muốn thì tôi cũng chẳng muốn đi chung với một tên vừa lười mà còn hay nói nhiều như cậu đâu?! – Edana chạy thẳng qua, giơ cú đấm lên như sẵn sàng giải quyết đối phương ngay bây giờ
- Bọn họ lại cãi nhau… - Lux thở dài, cô cũng không muốn mọi người trong nhóm xảy ra bất đồng
- Cô muốn đánh nhau à,con nhỏ giống đực? - Silas nhìn, bàn tay cũng tạo ra những mũi tên sấm sét để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu”
Ở đây đoạn thoại từ nhân vật Silas đang cần phải đáp lại nhân vật Edana bên trên, tuy nhiên mạch hội thoại của hai nhân vật này lại bị cách ngang bởi một câu thoại vô nghĩa của nhân vật Lux. Khi đưa đoạn này vào tổng thể cuộc hội thoại giữa các nhân vật. Người đọc sẽ nhanh chóng trở nên bị rối loạn, chưa hiểu được diễn biến câu chuyện đang diễn ra thế nào.
Điều cuối cùng là về cách mà tác giả lạm dụng quá nhiều chỉ dẫn cảm xúc (emotion tag hay được gọi tắt là emo tag). Chỉ dẫn cảm xúc thường là những câu ngắn đề diễn tả cảm xúc hay thể hiện hành động phản ứng của nhân vật nói đoạn thoại đó. Nhưng nó chỉ được dùng khi chúng ta cần đặc biệt nhấn mạnh phản ứng của nhân vật đó nhằm thể hiện tính nghiêm trọng hay đặc tính của tình huống. Cách sử dụng chỉ dẫn cảm xúc của tác giả trong trường hợp này. Tôi cho rằng tác giả đang muốn dùng nó để diễn tả lời thoại đó là của nhân vật nào. Nguyên nhân của việc này có lẽ là do tác giả chưa định hình và hiểu rõ được các nhân vật của mình dẫn đến lời thoại của các nhân vật chưa thể hiện được điểm riêng của họ. Khi đọc vào, nếu như không có chỉ dẫn cảm xúc thì chúng ta sẽ chẳng biết được đâu là lời thoại của ai, nhất là trong trường hợp nhiều nhân vật đối thoại cùng nhau. Mạt Trà cũng đã từng nói rằng việc xây dựng kỹ càng một nhân vật có thể giúp tác giả dễ dàng hơn trong việc triển khai tình huống, hay xây dựng lời thoại tốt hơn mà không cần dựa dẫm quá vào chỉ dẫn cảm xúc.
Bên cạnh các vấn đề về nhân vật, tác giả còn gặp phải các vấn đề liên quan đến việc nhồi thông tin không cần thiết. Nhưng những vấn đề này tôi đã nói rất nhiều phía trên nên vì thế sẽ không nói lại thêm nữa.
Nhưng cái cần phải nói đến là chương này, dù định hướng chính để nói đến nhân vật Edana Jyotsna nhưng nhân vật này hoàn toàn mờ nhạt trong số các diễn biến. Kể ra mà nói thì nhân vật này chẳng có tác động nào cụ thể ngoài những thái độ phản ứng lại. Cho đến hết chương, chúng ta vẫn chưa nhìn ra được nhân vật này là một người như thế nào. Tại cuối chương 2, sau khi hồi tưởng, nhân vật Lux chỉ đưa ra nhận xét rằng:
“Lúc đó Edana đã xử lý tất cả mọi chuyện, dù cho cậu ấy đã trách mọi người trong cả buổi chiều – Lux bật cười – Nếu không có cậu ấy thì chắc bọn mình đã bị bà lão ấy cho ăn một cú đau điếng rồi nhỉ?”
Một lời nhận xét hoàn toàn vô nghĩa, không hề cung cấp được thông tin gì thêm về nhân vật Edana này.
1.3. Chương 3.
Cho đến thời điểm này, tôi nghĩ rằng phần lớn những vấn đề mà tác giả này gặp phải chủ yếu là việc thiết lập các yếu tố mở đầu của câu chuyện này. Ngoài ra, tác giả còn vụng về trong việc truyền tải các thông tin một cách thiếu logic, kể xuôi tuột, qua ba chương này không hề phát triển một diễn biến gì hay tạo ra một điều gì cảm xúc, ấn tượng với người đọc. Chương 3 này cũng không hề ngoại lệ. Vì vậy, tôi nghĩ rằng tôi sẽ có đi thẳng đến kết luận ở chương này để tránh nhắc đi nhắc lại những vấn đề trên, khiến cho bài viết này dài hơn mức cần thiết.
Tuy nhiên, Mạt Trà đã chỉ ra một điều tích cực trong chương này đó là tác giả đã bắt đầu thể hiện được nhiều hơn những đặc điểm của bối cảnh và nhân vật, cụ thể là “thị trấn Flos Mediocris” và nhân vật Hana. Ngoài ra lời thoại và dẫn truyện trong chương này đã có sự phối hợp mượt mà hơn, dù cho vẫn còn có nhiều sự vụng về và thông tin thừa thãi.
2. Văn phong.
Điều rõ ràng nhất mà cả tôi và Mạt Trà đã có thể thấy được đầu tiên đó là câu chuyện này là sự vắng bóng của việc tả. Xuyên suốt ba chương truyện, tác giả chỉ kể câu chuyện một cách thuần thuý. Mạch truyện trôi đi một cách thẳng tuột và nhanh chóng, không đủ chậm để để lại điều gì ấn tượng cho độc giả. Một điều nữa mà tôi phải nhắc lại là vấn đề sử dụng lời thoại một cách tuỳ tiện và vô nghĩa. Nó chỉ tạo ra những thông tin một cách thừa thãi, làm loãng đi mạch truyện vốn không hề có một trọng tâm nào.
Một điều mà tác giả làm tốt đó chính là việc sử dụng dấu câu hợp lý, một điều mà tôi nghĩ rằng ít tác giả mới thực sự chú ý đến nó. Nhưng kết nối câu và đoạn thì vẫn không có để tạo ra một mạch truyện mạch lạc.
III. KẾT LUẬN CUỐI CÙNG.
Sau khi phân tích những vấn đề trên. Tôi đã hiểu rằng tác giả của câu chuyện này thực sự là một tác giả mới. Có thể câu chuyện này là một tác phẩm đầu tay được bắt đầu và thực hiện hoàn toàn theo cảm hứng của tác giả sau khi xem một bộ anime hoặc manga nào đấy. Nhưng tôi hoàn toàn không phủ nhận rằng câu chuyện này có rất nhiều tiềm năng. Nếu như tác giả biết và hiểu được những quy tắc, kỹ thuật sáng tác, dù chỉ là cơ bản thì vẫn có thể đủ tầm để biến câu chuyện này thành một câu chuyện xứng tầm. Hi vọng tác giả có thể đọc được những lời phân tích này và từ đó đưa ra những hoạch định hợp lý. Bắt đầu từ việc thiết lập nên một sườn truyện.
Lời kết, như thường lệ. Nếu các bạn cần beta reader, hỗ trợ sáng tác. Hãy gọi cho Tuân.
8 Bình luận
"Tôi thường xuyên khuyên những người mới học cách kết nối đoạn để giải quyết vấn đề này. Kết nối đoạn là gì? Đó là việc bạn kết nối giữa các đoạn với nhau về mặt logic và thông tin để tạo thành một thể mạch lạc, một “dòng chảy” để cuốn người đọc đi từ đầu đến kết câu chuyện. Nhưng nếu như tác giả không áp dụng hay không biết cách kết nối câu và đoạn, phần tự giới thiệu này sẽ trở thành một thông tin biệt lập mà không có điều gì sau đó mở rộng hoặc tiếp nối nó."
Còn theo của thầy Tuân thì giữa hai đoạn đó, ông nên có một đoạn nhỏ để cắt đọng lại suy nghĩ về nhân vật trên và đưa ra một gì đó tượng trưng để bắt đầu cho luồng suy nghĩ góc nhìn về nhân vật kế.
Nghĩa là, cứ mỗi khi đổi góc nhìn, chuyển đoạn mà hai đoạn không cùng nói về một chủ đề thì nên có đoạn đệm. Theo tui hiểu là vậy.
Thông thường khi viết một đoạn văn thì mỗi đoạn văn sẽ có một chủ đề được thể hiện qua câu chủ đề của đoạn đó (Topic sentence, nếu bạn học IELTS writing sẽ hiểu). Thì chủ đề của đoạn sau sẽ tiếp nối chủ đề của đoạn trước về mặt logic.
Ví dụ:
Sau khi cánh cổng rào chắn bung mở. Con ngựa hí lên rồi nhảy vọt qua cánh cửa, phi ra đường lớn. Những chiếc xe thấy nó đột ngột phải rẽ hướng để tránh con vật ấy, gây ra một loạt các vụ va chạm liền kề như nhưng chiếc domino ngã lên nhau.
Tất cả nhân viên bên trong sở thú theo đó mà đổ ra đường, vây quanh con ngựa. Chỉ cần con ngựa hướng sự chú ý đến một người trong số đó, số con lại sẽ tròng dây lại vào cổ nó.
Đây là ví dụ của việc kết nối đoạn về mặt logic (tức là việc trước làm nguyên nhân của việc sau). Trong đoạn đầu, chủ đề của đoạn sẽ là việc con ngựa trốn thoát được và chạy ra đường, đoạn sau đó sẽ là về việc các nhân viên sở thú vây bắt nó. Về mặt logic thì đoạn sau sẽ tiếp nối từ đoạn trước, ngoài ra cái cụm "theo đó" cũng một phần nhắc đến sự việc con ngựa chạy thoát được nói ở đoạn trên. Đấy chính là kết nối đoạn
Trong bài viết này tôi đã cố gắng phân tích các lỗi càng kỹ càng tốt nhưng hầu hết tác giả chỉ bị những lỗi cơ bản lặp đi lặp lại. Khiến cho tôi không còn nhiều điều để nói vào phần cuối của bài phân tích. Tựu chung, tôi không muốn nó trở nên sơ sài, chỉ đơn giản là tôi không còn gì để viết. Mong các bạn ủng hộ bài phân tích này.
Chúc các bạn buổi tối tốt lành. Nếu cần hỗ trợ sáng tác, beta reader. Hãy gọi cho Tuân